Là một tuyệt tác kiến trúc thời Pháp thuộc, cầu sắt Long Biên đã tồn tại hàng trăm năm qua ở Hà Nội, từng bị không quân Mỹ ném bom gây hư hại nặng và từng bị đề nghị phá hủy để xây cầu mới nhưng cho đến nay vẫn là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của thủ đô nước Việt. Cầu Long Biên còn đi vào tranh của nhiều họa sĩ Việt Nam đương đại.
Cuối năm 2011, một cuộc triển lãm quy mô lớn có tên “Cầu Long Biên – Ký ức và hiện tại” đã được tổ chức tại hai địa điểm vì số tác phẩm tham dự quá nhiều.
Để có triển lãm tâm huyết này, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, để các họa sĩ tiếp cận và sáng tác về cầu Long Biên.
Kết quả có đến hơn 170 tranh, tượng được triển lãm tại hai nơi là Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng và trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội số 19 Hàng Buồm; tất cả đều thể hiện cảm xúc của các tác giả về một công trình kiến trúc đã gắn bó với người Hà Nội qua bao thăng trầm lịch sử, đồng thời là một lời kêu gọi phải gìn giữ di sản thân thương này bằng mọi giá khi mà đã xuất hiện những ý kiến muốn xóa bỏ cầu Long Biên, thay bằng cầu mới.
Đến tháng 5-2014, lại có thêm triển lãm “Cầu Long Biên – Cây cầu của Nghệ thuật”, giới thiệu 112 tác phẩm hội họa và 112 tác phẩm nhiếp ảnh của hơn 50 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, thể hiện những góc nhìn khác nhau về cây cầu Long Biên, được tổ chức tại Dolphin Plaza, khu Mỹ Đình, Hà Nội.
Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 15 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là “thành phố vì hòa bình” và cầu Long Biên tròn 112 năm tuổi.
Cùng với triển lãm là các buổi trò chuyện nhằm tìm giải pháp trùng tu, tôn tạo cầu Long Biên gắn với phát triển bền vững.
Mới nhất là triển lãm có tên “Cây cầu” của họa sĩ Đặng Việt được tổ chức tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio – số 38 Hào Nam, Hà Nội) từ 6-5 đến 20-5-2019.
Trong tổng số gần 40 tranh của triển lãm, riêng mảng tranh vẽ cầu Long Biên chiếm đến 10 bức với bút pháp gần gũi tranh thủy mặc (Đặng Việt học hội họa tại Trung Quốc).
Qua triển lãm, họa sĩ muốn thể hiện “cái tinh thần nguyên thủy và cao vợi của cây cầu” – đó là sự kết nối văn hóa – nghệ thuật giữa phương Đông và phương Tây, được biểu hiện trong ngôn ngữ hội họa tràn đầy sự giao hòa Đông – Tây; kết hợp giữa tư duy nghệ thuật về cái cụ thể và cái biểu trưng, giữa hiện thực và trừu tượng, giữa chất liệu truyền thống và cách biểu hiện hiện đại, giữa nét và mảng, giữa hình và khối…
Triển lãm diễn ra trong lúc dư luận đang nóng lên trước thông tin nhà thờ cổ Bùi Chu hơn trăm năm tuổi đang có nguy cơ bị xóa sổ, xây nhà thờ mới…