Đến một lúc nào đó, thỉnh thoảng, con người ta lại nằm nhớ thời trai trẻ. Có phải cái thời “Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” như chàng Huy Cận lúc ngạc nhiên, tự nhủ: “Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn”? Không, với y, trước đó nữa.
Ấy là khoảng thời gian còn mới tiểu học. Có những buổi trưa, cả nhà đang ăn cơm, nghe lanh lanh tiếng trẻ rao bán báo, ba của y liền sai ra mua.
Tiếng rao báo, bây giờ đã thuộc về dĩ vãng xa lắc xa lơ. Đã xa cái thời tờ báo không chỉ nằm trên sạp đợi người đến mua, nó còn được giao cho người bán dạo để phổ biến rộng rãi đến tay người đọc.
Từ đầu thế kỷ trước, có lẽ người đầu tiên nghĩ đến cách rao báo để bán là nhà báo, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh – chủ bút tờ báo nổi tiếng La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) – số đầu tiên ra ngày 10-12-1923.
Dân Nam kỳ thuở ấy rất ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh: một thanh niên học giỏi từ Pháp về, mặc áo dài đen đạo mạo, tóc bềnh bồng rất… bụi đời, đôi mắt sáng quắc, người thấp, chắc da chắc thịt đã ôm chồng báo bằng tiếng Pháp chạy trên đường Catinat (nay Đồng Khởi), Bonard (nay Lê Lợi), d’Espagne (nay Lê Thánh Tôn)… cất tiếng rao lanh lảnh với giọng Parisien: “Tiếng chuông rè đây! Xin mời quý ông, quý bà! Tiếng chuông rè đây!”.
Có thể nói, hình ảnh cậu bé bán báo quá quen thuộc trong đời sống đô thị xưa nay. Từ thập niên 30 của thế kỷ XX, nhà thơ trào phúng Tú Mỡ có bài thơ miêu tả tâm trạng “người phát hành” đắc lực của các tòa báo: “Cất tiếng ra lanh lảnh vang đường/ Tôi đem những món văn chương chào khách/ Này tạp chí, nào tân văn tôi cắp nách/ Đón mời chư mặc khách tao nhân”.
Có lẽ, đây là bài thơ hiếm hoi nói về người bán báo dạo – một bộ phận không thể tách rời khỏi hệ thống phát hành báo chí nước nhà. Thời ấy, cách rao báo chỉ đơn giản là “Báo mới đây! Báo X, báo Y đây!”.
- Xem thêm: Vui biết chừng nào, đẹp biết chừng nào
Trải theo năm tháng cách rao cũng thay đổi dần. Người bán báo không chỉ cất giọng rao lanh lảnh mà họ còn nhờ đến “hệ thống âm thanh” khác. Đó là soạn trước lời rao, ghi âm lại và mở máy cho máy phát ra với âm thanh… điếc tai!
Áp dụng “khoa học kỹ thuật” vào cách rao báo là điều bình thường, nhưng điều bất thường là nội dung rao thường thêm thắt, bịa đặt mà người nghe cũng… nổi da gà rợn tóc gáy!
Không phải ngẫu nhiên mà trên tờ Người làm báo – Tạp chí lý luận nghiệp vụ của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam – số ra tháng 2-2000 có bài thơ nhắc nhở, nếu không muốn nói là phê phán một cách rao báo của tác giả Nguyễn Đình Quảng: “Lời rao không nêu tốt/ Chỉ toàn kể xấu thôi/ Dù xấu, rao chẳng nhỏ/ The thé thét vang trời:/“Cô gái tạt a–xít”/ “Chàng trai thiêu bốn người”/ “Con lại treo cổ mẹ”/ Cháu đâm ông, ruột lòi!” /Hẳn là người rao nghĩ:/ Càng kinh khủng, rụng rời/Hàng mình càng bán chạy/ Đắt như là tôm tươi/ – Hàng nào mà khiếp vậy?/ Có lời rao lạ đời?/ Xin thưa: – Hàng báo đấy!/ – Sao ghê thế, báo ơi!”.
Cách rao này, phê phán là đúng rồi. Có điều đáng tiếc nhất, với nhiều người là hiện nay không còn nghe tiếng rao bán báo nữa.
Ngay cả sạp báo bán lẻ cũng ngày một ít đi. Ngay tại Sài Gòn, Hà Nội muốn tìm mua tờ báo cũng khó, không còn dễ dàng như trước, chứ đừng nói ở các địa phương khác.
Mấy hôm nay, tự dưng lại nghĩ về cái nghề đã đeo đuổi từ thời trai trẻ. Quả thật, nhà báo đã khó sống hơn trước nhiều lắm.
Nhiều tờ báo đã cáo chung. Lý do căn bản nhất vẫn là người đọc không còn náo nức tìm mua, cầm tờ báo như các thập niên trước.
Đã qua rồi cái thời nếu phải chọn lấy một nhà báo chân chính, không riêng gì y, với nhiều người vẫn là… chàng Tintin của họa sĩ Bỉ Georges Remi (1907-1983).
Thời nhỏ, khi say mê đọc truyện tranh về các cuộc phiêu lưu của chàng ký giả tài ba này, y ước ao sau này sẽ được nối nghiệp.
Muốn trở thành một nhà báo chuyên nghiệp phải được trang bị rất nhiều khả năng, có lúc phải là người có biệt tài điều tra cỡ Sherlock Holmes, phải có sức khỏe dẻo dai, có khi phải biết sử dụng nhiều phương tiện như biết lái máy bay, cưỡi lạc đà, phóng xe hơi v.v…
Rồi cần phải có sự dũng cảm, giỏi võ thuật, dám đương đầu với bọn xấu trong mọi tình huống. Nói cách khác đó là mẫu người sử dụng ngòi bút lẫn tấm lòng quả cảm, trung thực nhằm “trừ gian diệt bạo, cứu khổn phò nguy”.
Đủ chưa? Vẫn chưa đủ.
- Xem thêm: Chữ “danh” của người quân tử
Thế thì, nhà báo còn phải trang bị thêm đức tính gì nữa?
Dám quả quyết rằng, từ đứa trẻ lên 9 đến cụ già 99 xuân xanh mỗi khi đã đọc Luky Luke đều mê “chàng hiệp sĩ bắn súng nhanh hơn cái bóng của minh”.
Tại sao mê? Trả lời câu hỏi này, đã có lần y viết: “chàng làm gì? làm tấu hài? làm kịch?/ vạn lần không! chàng chỉ làm người/ giúp mọi người bằng tấm lòng hào hiệp/ rồi ra đi thăm thẳm phía chân trời/ chưa ngày nào chàng thư thả nghĩ ngơi/ rong ruổi đường xa cũng vì điều Thiện/ chàng không chết vì biết sống quên mình/ đơn giản vậy – chàng trở nên nổi tiếng”.
Vâng một đức tính cần thiết cho nghề báo còn có thể nhìn qua chàng Luky Luke vẫn là “biết sống quên mình”.
Thì hãy cứ xem, hễ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào, trong lúc thiên hạ bày tỏ lòng cám ơn bằng cách tổ chức chào đón linh đình, tuyên dương ầm ĩ thì chàng “cao bồi ròm” lại lặng lẽ, đơn độc, rong ruổi lên đường.
Chàng Tintin cũng chọn lấy thái độ đó. Đó là sự chọn lựa của mẫu người phụng sự cộng đồng hoàn toàn không vì danh/ háo danh.
Từ ngày internet phổ biến toàn cầu – tín hiệu đáng mừng này cho thấy nghề báo không còn là “độc quyền” của một lớp người. Vai trò đó đã thuộc về cá nhân khi họ tham gia vào mạng xã hội với vài trò tìm kiếm, chia sẻ thông tin.
Những thông tin nhanh nhạy đó, có lúc đã hỗ trợ cho các nhà báo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không loại trừ ai đó vì háo danh hoặc mục đích nào đó đã tung tin giả.
Khôn khéo hơn vẫn là tin “nửa thật nửa giả” cứ như thật nhằm tung hỏa mù theo nghĩa “định hướng người đọc”. Phải chăng chỉ những ai tham gia mạng xã hội mới sử dụng chiêu này?
Không. Không loại trừ, ngay cả có những người kiếm sống bằng nghề, đang hành nghề có giấy chứng nhận hẳn hòi cũng vậy thôi.
Thế thì, y nghĩ rằng, điều cốt lõi làm nên uy tín của một nhà báo vẫn là bản thân họ, chứ không phải từ phương tiện “hành nghề”.
Hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống trong năm tháng mà các nhà báo viết báo/ làm báo theo kiểu truyền thống đang âu lo, hoảng hốt thật sự hoay loay tìm cách níu kéo bạn đọc.
Bạn đọc đang ở đâu? Họ đã ở trên các trang mạng xã hội, các nhà báo đang mất dần thị phần. Có phải thói quen tiếp nhận thông tin của bạn đọc đã thay đổi, đã khác trước?
Đúng nhưng vẫn chưa đủ. Yếu tố thói quen ấy không quan trọng. Có một điều cốt tử, quyết định sự tồn vong của nghề báo từ ngày báo chí ra đời đến nay vẫn là tính trung thực của người làm nghề.
- Xem thêm: Cội nguồn còn đó, nhớ nhau lại về…
Có trung thực với chính mình thì thông tin ấy ấy mới phản ánh đúng như sự thật vốn có. Bằng không đã là nguồn tin bị bóp méo, tô hồng thì dù công bố trên mạng xã hội hoặc theo lối báo chí truyền thống xưa nay cũng không thể níu giữ được bạn đọc.
Bạn đọc thời buổi nào cũng thông minh, tỉnh táo và họ thừa trình độ, bản lĩnh nhận ra: “Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì. Nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật”.
Đến với nghề báo, y biết có những nhà báo không ngồi chờ những lời chúc tụng, biểu dương, ca ngợi. Với họ, lời cảm ơn ấy dù đáng quý, chỉ xin ghi nhận trong lòng. Mà điều cần thiết nhất, đây vẫn là khoảnh khắc mà chính họ soi rọi lại lòng mình.
Liệu chừng thời gian qua, anh em nhà báo chúng ta có làm tròn trọng trách của một nhà báo Tintin, một hiệp sĩ Luky Luke mà đã công chúng tin cậy, gửi gắm lòng tin yêu?
Hiện nay, tiện ích công nghệ đã cho phép “người người làm báo”, “nhà nhà làm báo”- thậm chí, trong chừng mực nào đó, họ còn có thể công bố thông tin nhanh hơn cách làm báo thời ông trùm báo chí Mỹ Pulitzer (1847-1911) đang “cực đỉnh”.
Từ suy nghĩ này, y lại liên tưởng về sự đời dễ dàng của các tờ báo trước 1945. khi viết quyển hồi ức văn học Văn thi sĩ tiền chiến do Khai Trí in năm 1970 tại Sài Gòn, sau này NXB Hội Nhà văn tái bản (1994), nhà văn Nguyễn Vỹ có kể lại một câu chuyện, rồi kết luận: “Hầu hết những tờ báo của nhà văn, nhà thơ thời tiền chiến ở Hà Nội đều ra đời trong những trường hợp bất ngờ và lý thú đại khái như thế. Ấy là thời tự do lãng mạn, kỳ thú nhất trong văn học sử Việt Nam”.
Đại khái, thuở ấy, thập niên 1930 của thế kỷ XX có hai chàng trai trẻ đang nung nấu nhiều khát vọng, vào hôm tối chủ nhật, đi chơi về khuya, họ ngẫu hứng muốn ra tờ báo.
Việc đầu tiên họ viết tay lá đơn bằng tiếng Pháp để sáng mai gửi ông Biện lý ở Tòa án đường Gambetta, trong đó nêu rõ: “Trân trọng báo cho ông biết rằng, trong 48 tiếng đồng hồ sau, chúng tôi sẽ ra một tờ báo bằng tiếng Pháp và Việt văn, tên là… chuyên về chính trị, xã hội và văn học. Tòa soạn đặt trên gác trọ sô nhà… phố Khâm Thiên, ngoại ô Hà Nội. Hai chúng tôi đều là chủ nhiệm”.
Viết đơn xong, họ phân công viết bài, vẽ maquette để kịp sáng mai đưa nhà in. Không có tiền, họ xin nhà in cho in chịu 3 số. Và mượn thêm ít tiền để lo vài thứ lặt vặt như làm bản kẽm tên báo, mua tem gửi báo…
Chỉ có thế, đúng 8 giờ sáng ngày thứ Tư, tờ báo mới toanh ra lò. “Này tạp chí, nào tân văn tôi cắp nách/ Đón mời chư mặc khách tao nhân” vẫn là các đứa trẻ bán báo dạo, cất tiếng ra khắp Hà thành.
- Xem thêm: Quốc văn giáo khoa thư gối đầu giường
Nếu không là nhà văn Nguyễn Vỹ kể lại, ai dám tin có một thời như thế? Nhân đây nhắc lại, mới đây ngày 30-10-2017, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, Trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Nguyễn Vỹ – cuộc đời và sự nghiệp.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được tất cả 36 tham luận của 35 nhà nghiên cứu, trong đó có: 29 nhà nghiên cứu ngoài tỉnh; 6 nhà nghiên cứu trong tỉnh và 9 người có báo cáo là thân nhân gia đình Nguyễn Vỹ.
Điều ấy cho thấy tình cảm và sự đánh giá rất cao của giới nghiên cứu, phê bình văn học dành cho Nguyễn Vỹ.
Các tham luận này, đánh giá tác giả Tuấn, chàng trai nước Việt ở lãnh vực nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo… Thế mới thấy tầm vóc Nguyễn Vỹ không nhỏ.
Với riêng y, dù chưa gặp mặt nhưng bao giờ trong lòng cũng dành cho Nguyễn Vỹ nhiều thiện cảm. Đơn giản chỉ vì ông là người sáng lập, điều hành tạp chí Phổ thông. Thuở sinh thời, ba của y là độc giả thường xuyên.
Tủ sách gia đình dày thêm dần các số báo Phổ thông. Trong đời ai cũng có “người ơn” đấy chứ, chẳng hạn, Nguyễn Vỹ là một trong những người đó, vì bằng tài năng làm báo, cụ thể tờ qua Phổ thông, y đã học tập được trong đó nhiều, nhiều lắm.
Thế thì, một khi yêu mến tờ báo nào đó, ngoài các nhà báo “nung nấu tâm can, vò võ trán” như con tằm rút ruột mà viết, y còn nghĩ đến các ông chủ biên, chủ bút, chủ nhiệm nữa.
Còn nhớ ngày 14-12-1971, Nguyễn Vỹ bị tai nạn giao thông trên đường đi từ Mỹ Tho về Sài Gòn, thọ 61 tuổi. Bấy giờ, tờ Thằng Bờm do ông sáng lập, các cộng sự có thực hiện số báo tưởng niệm ông. Số 86, tuần lễ từ 19 đến 26-1-1972.
Trong số báo này, có in tứ tuyệt thủ bút Vũ Hoàng Chương khóc nhà văn đã viết câu thơ cực kỳ nổi tiếng: “Nhà văn An Nam khổ như chó”. Dù đọc đã lâu, nay y vẫn còn nhớ bài thơ Chuyến xe định mệnh: “Hàng cây xõa tóc chạy đâm nhào/ Ngược với chiều xe chúi mũi lao/ Trước mặt có gì nguy? Hẳn thế/ Không dừng lại được biết làm sao!”.