Muôn năm tuổi trẻ. Hoan hô tuổi trẻ. Cái tuổi đẹp nhất của đời người. Nhìn sự vật, sự việc gì cũng thấy mới mẻ. Từng sợi máu căng ra. Hơi thở phập phồng. Quyết liệt. Say mê. Hào hứng. Và cứ thế, con người ta lại hăm hở lao tới.
Bất chấp vực sâu. Mặc kệ đỉnh trời cao chót vót. Không bận tâm. Sự cuồng nhiệt ấy đã khiến tuổi trẻ đã làm được biết bao nhiêu kỳ tích. Thành công lẫn thất bại. Chẳng hề gì.
Trước biển xanh, sóng dữ dội, nếu thích, sẵn sàng phiêu du. Không thèm chần chừ. Không thèm cân nhắc. Nhìn trước ngó sau. So đo tính toán. Sự hồn nhiên, vô tư ấy chính là một trong những phẩm chất của tuổi trẻ.
Mà này, một khi ca ngợi tuổi trẻ, ấy cũng là lúc con người ta đã già. Nói như thế, bởi trước tết, có bạn đọc, đã già, ở Hóc Môn tặng cho toàn bộ sưu tập về tờ Lao động Chủ nhật.
Ông nâng niu gìn giữ, từng ngày, từng số báo. Và nay, đã tặng lại cho y. Thì ra, cái gì của mình dù không tìm kiếm nhưng đến một lúc nào đó, tự nó sẽ đến. Nói thì nói thế, nhưng phải biết ơn người đã tặng.
Khi cùng anh Ba Thợ Tiện lên tư gia của ông, nhận lấy vài chục ký báo ấy, lòng tự nhủ: “Sẽ đọc. Sẽ viết”. Nhưng rồi, từ đó đến nay thế nào? Vẫn nằm ở một vị trí trang trọng trong thư viện. Có lúc đi ngang qua, nhìn thấy, tự dưng lại nhớ về thời tuổi trẻ.
Cái thời mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, suốt ngày ngồi mài đũng quần ở Thư viện Khoa học Xã hội. Hễ thích gì thì mượn đọc. Ghi chép. Quên ngày tháng. Qua cơn đói.
Nhờ thế, nay có thể hoàn thành bài viết Cuộc thi văn chương đầu tiên ở Việt Nam, chính là từ ghi chép thời ấy, nay bổ sung thêm.
Nếu cũng tài liệu này, nay mới tiếp cận, liệu chừng y có thể đọc từng chữ, từng câu như lúc mới phơi phới chừng vừa ba mươi xuân xanh?
Mà này, đã viết những gì? Viết rằng:
Thuở báo chí hiện đại mới du nhập vào nước ta, việc tổ chức các cuộc thi văn chương là cực kỳ mới mẻ và cũng là lần đầu tiên giữa độc giả và người làm báo có sự giao lưu cùng một sở thích. Không ai khác, chính người Sài Gòn, nói cách khác chính nền báo chí Sài Gòn đã năng động tạo ra sự gắn kết ấy.
Trong tập sách Văn chương Sài Gòn 1881-1924 – Văn xuôi I (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2017), nhà báo Trần Nhật Vy cho biết một chi tiết quan trọng: “Năm 1902, báo Nông cổ mín đàm ở Sài Gòn đã tổ chức cuộc thi thơ đầu tiên của lịch sử văn học Việt Nam với tên gọi Quảng văn thi cuộc (tr.10). Kiểm chứng lại từ tờ báo này, ta biết cuộc thi này chính thức diễn ra từ số báo 39 ra ngày 22-5-1902.
Bổn báo có lời rao: Nay muốn mở cuộc thông đồng cho văn nhơn tài tử xa gần vui chơi với nhau cho dễ. Tuy xa cách mặc dầu, chớ cũng đồng thinh khí.
Xưa nay ai nấy đều biết bài thơ Lão kỵ quy y là hay, không ai họa lại được cho bằng. Vậy nay đổi ngược lại ra đề như sau này mà làm thử coi có hay chăng: Thanh ny hồi tục. Xin chư dai nhơn tài tử có rảnh làm chơi, vận chi cũng được”.
Xin nhắc, Lão kỵ quy y (nay thường thấy ghi Kỹ nữ quy y, Lão kỹ quy y), là tác phẩm của Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883), người đã cùng Phan Văn Trị bút chiến với Tôn Thọ Tường tạo thành dấu ấn văn chương lừng danh của miền Nam đầu thế kỷ 20.
Theo Tự điển Văn học (bộ mới), Huỳnh Mẫn Đạt là người Gia Định nhưng cũng có tài liệu cho rằng ông quê Rạch Giá, dù gì thì Nông cổ mín đàm đã lấy thơ của thi sĩ người miền Nam. Bản tin trên còn cho biết, các từ đồng thinh (đồng thanh), dai nhơn (giai nhân) là cách viết/nói thuở ấy.
Không dừng lại đó, từ số 52 ra ngày 21-8-1902, cuộc thi được tổ chức lần 2 với “đề thi”: Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Rõ ràng cuộc thi đã có tác động nhất định trong việc khơi dậy cảm hứng sáng tác cho các thi nhân miền Nam đầu thế kỷ 20.
Theo khảo sát của nhà báo Trần Nhật Vy, từ cuộc thi này, đã có những tác giả “về sau trở thành những người có tên tuổi trong làng viết lách Việt” như các ông Trần Phong Sắc – nhà dịch thuật nổi tiếng đầu thế kỷ 20, Tống Hữu Định – người góp phần mở đường cho cải lương miền Nam, Đặng Lễ Nghi – người sáng tác nhiều truyện thơ…
Khi biên khảo Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa (NXB Hội Nhà văn – 2017), nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cho biết một thông tin cực kỳ quan trọng cũng từ Nông cổ mín đàm:
- Xem thêm: Diễn thuyết ở Nam bộ đầu thế kỷ 20
“Năm 1906, tờ báo thực hiện một sáng kiến hiếm thấy là mở một kỳ thi viết truyện với tổng số tiền thưởng đến 150 đồng. Đáng tiếc là sáng kiến này khá mới mẻ nên chỉ có một người dự thi” (tr.170). Thử hỏi, 150 đồng là nhiều hay ít? Chỉ biết chắc chắn rằng, bấy giờ một bữa ăn tại nhà hàng Tây và cà phê mở tại đường Jaccaréo (nay là đường Tản Đà, Q.5) chỉ tốn 1,4 đồng.
Cuộc thi này, cụ thể ra làm sao? Khảo sát từ tờ báo trên, ta có thể biết được nhiều thông tin lý thú. Trên số 262 ra ngày 23-10-1906, ông chủ bút Gilbert Chiếu (tức chí sĩ, nhà văn Trần Chánh Chiếu 1868-1919) cho đăng lời rao Quốc âm thí cuộc, có đoạn: “Nay bổn quán xin ra đề “Tiền căng báo hậu”.
Người Lang Sa gọi là Roman nghĩa là lấy trí riêng mình mà đặt ra một truyện tùy theo nhân vật phong tục trong xứ, dường như truyện có thiệt vậy. Diễn dẫn ra một cuốn chừng 50 tờ giấy lớn.
Cách nạp đơn: kể từ ngày nay cho đến ngày 15-11-1906 vị nào chịu ra thì phải vào đơn cho Bổn quán chấp. Quá hạn thì không chấp đơn nữa. Vào đơn rồi phải công ra diễn dẫn, hạn đến tháng 2-1907 nạp vở.
Cách nạp vở: phải phong cuốn sách của mình lại cho kỹ. Ngoài bì, trên đầu đề một câu chữ riêng của mình ngụ ý, kế đó đề: “Nhựt trình Nông cổ mín đàm, số 199 đường Bourdais – Sài Gòn”.
Đây là cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử nền văn học Quốc ngữ nước ta. Trên số báo 280 ra ngày 5-3-1907, cuộc thi kết thúc với kết quả được công bố như sau: “Nguyên khi mở hội thi thì có ba vị vào đơn xin. Song đến hạn nạp thì có một vị nạp mà thôi là M. Pierre Eugene Nguyễn Khánh Nhương ở Thủ Đức, tỉnh Gia Định.
Truyện của thầy này đặt tên là Lương Hoa truyện, lời nói vừa phải dễ nghe, không cao không thấp. Song việc tiền căng báo hậu còn sơ một thứ.
Bổn quán nghĩ vì còn một vị nạp vở thì khó mà sánh tài lắm, cho nên Bổn quán định thưởng “khuyến công” cho M.N.K Nhương là 25 viên bạc (tức 25 đồng) và một năm nhật trình”.
Từ số báo này Lương Hoa truyện được đăng tải lên trên trang 8 của mỗi số báo. Nội dung có thể tóm tắt: Hai người bạn thân là Bổn và Huy hứa hẹn sẽ kết thông gia với nhau.
Bổn có con gái là Hoa, Huy có con trai là Lương. Huy vì gia cảnh nên không đi học được, Huy giúp đỡ Bổn ăn học nên đỗ cử nhân. Khi Pháp đánh chiếm Nam kỳ, gia đình Huy bị cướp phá. Huy chết. Vợ con lưu lạc gặp nhiều tai ách gian truân. Rồi mẹ con lại gặp nhau, Lương đến nhà cậu nương tựa.
Nhớ lời cha dặn, Lương tìm đến nhà ông Bổn để xin đính ước với Hoa, nhưng ông Bổn đã chết. Sau Lương thi đỗ được bổ làm thư ký ở Nam Vang (Phnom Penh), vẫn mang ý định tìm Hoa”.
So với trước, việc tìm kiếm tài liệu hiện nay dễ dàng hơn nhiều. Với tờ Nông cổ mín đàm, có thể ngồi ở nhà, mở máy lạnh, tìm đọc qua mạng internet. Nhanh chóng.
Nhưng rồi cái gì cũng có hai mặt của nó. Vừa rồi, lên chơi nhà người bạn. Khách được gia chủ mời ngồi chung bàn, hai cháu nhóc – con gái chủ nhà ngồi bàn bên cạnh. Giây lát sau, thêm một khách khác dẫn theo bé nhóc đến; và bé được ngồi chung bàn với người lớn.
Quan sát và thấy rằng, cả ba cháu gái tuổi lên năm, lên mười chẳng hề nói với nhau một lời nào, chỉ vừa ăn vừa cắm cúi vào chiếc điện thoại.
Đâu rồi tiếng nói cười đùa nghịch của đứa trẻ khiến ba mẹ đôi lúc phải nhắc nhở: “Đùa nghịch vừa thôi, nói nhỏ lại để người lớn nói chuyện”.
Viết đến câu này, tự dưng lại nhớ đến thuở hoa niên quá đi mất. Ai lớn lên trong đời, không từng nghe câu ấy từ ba, từ mẹ?
- Xem thêm: Tản mạn chuyện Mỹ từ California
Sáng nay, cậu em trai út gọi điện thoại là sắp đến ngày dời mộ ba. Chuyển về nghĩa trang Hòa Sơn. Song thân lúc sống gần nhau thì mất đi cũng gần nhau.
Con cái ai lại không mong muốn điều đó? Bất chợt, trong đầu đã nghe vọng lên nhịp đi của câu thơ lục bát: “Lạy ba, xin dời mộ ba/ Ba về cạnh mẹ ngôi nhà tình chung/ Trời an lạc. Đất bao dung/ Xét phong thủy đã điệp trùng núi non/ Đã nghe nhịp sóng Thu Bồn/ Hòa cùng Non Nước sắt son Ninh Bình/ Từ bóng đã hiện hữu hình/ Hình và bóng mãi nặng tình ngàn sau/ Trải qua những cuộc bể dâu/ Cội nguồn còn đó nhớ nhau lại về…”. Ấy là ngày 26-4-2018.
À, ở Đà Nẵng – quê nhà của mẹ y có Ngũ Hành Sơn, người dân vẫn quen gọi Non Nước. Nào ngờ ở Ninh Bình – quê của ba cũng có danh lam thắng cảnh Non Nước. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Xét về thơ ca ngợi phong cảnh non sông cẩm tú ở Đà Nẵng, chắc chắn Ngũ Hành Sơn vẫn là nơi các tài tử phong lưu đề thơ/ vịnh thơ nhiều nhất. Riêng về Non nước ở Ninh Bình, không thể không nhắc đến bài thơ vịnh của Trương Hán Siêu. Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét về ông: “Là người chính trực, bài bác dị đoan, có tài văn chương và chính sự”; được Hưng Đạo Vương chọn làm “môn khách”, có thể lui tới doanh trướng của ngài.
Chính Trương Hán Siêu là người đặt tên Dục Thúy cho Non Nước – hiểu theo nghĩa “núi có hình con chim trả đang tắm gội”.
Bài thơ này, chép theo bản dịch của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học: “Sắc núi vẫn xanh tươi/ Sao người chậm về chơi/ Lòng sông bóng tháp đẹp/ Hang đá cảnh chùa vui/ Cuộc thế từ nay biệt/ Thân nhàn biết trước sai/ Năm hồ trời đất rộng/ Câu cá muốn tìm vui”.
Thơ góp phần tôn vinh vẻ đẹp của thắng cảnh. Ngược lại, thắng cảnh cũng tạo niềm cảm hứng cho thơ.
Đọc Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình do Trương Đình Tưởng chủ biên (NXB Thế Giới – 2004) biết rằng, dưới chân núi Dục Thúy từ năm 1998, người dân Ninh Bình đã lập đền thờ Trương Hán Siêu.
Nhân đây, cũng cần ghi lại một giai thoại lịch sử. Rằng, năm 1282, nhằm đối phó với giặc, triều Trần triệu tập các vương hầu quý tộc họp hội nghị ở bến Bình Than, ai nấy cũng thể hiện quyết tâm đánh giặc. Trần Quốc Tuấn dâng Hịch tướng sĩ lên vua Trần Nhân Tông.
Tuy nhiên, ngài âu lo là làm thế nào có được cùng một lúc hàng trăm bản Hịch tướng sĩ chuyển đến các tướng sĩ đang trấn giữ ngoài các biên ải? Biết được điều này, Trương Hán Siêu đã có sáng kiến độc đáo là huy động, tập hợp các môn sinh viết chữ tốt.
Trên một khoảng sân rộng, đúng vào giờ ngọ, đứng trước hàng trăm môn sinh đang chỉnh tề chờ lệnh, ông dõng dạc: “Hỡi các ngươi, vận nước như chuông treo chỉ mành, mỗi chúng ta phải trăm người như một, phò vua cứu nước.
Nay, ta truyền các ngươi chép Hịch tướng sĩ để ban bố khắp trong thiên hạ. Hỡi các ngươi! Chữ viết phải rõ, nét chữ phải đẹp. Phải toàn tâm toàn ý với lời vàng chữ ngọc để không phụ lòng Đại vương”.
Trương Hán Siêu vừa dứt lời, một tiếng trống hiệu hùng dũng vang lên. Lúc ấy, cả hàng trăm môn sinh bắt đầu miệt mài chép từng chữ, từng câu do ông đọc sang sảng.
Khi nắng chiều ngả dài trên bến sông Bình Than, Hịch tướng sĩ cũng vừa viết xong. Hưng Đạo Vương rất lấy làm hài lòng.
Nhờ sáng kiến này, các tướng sĩ ngoài biên ải đã kịp thời nhận được lời hiệu triệu phấn khích tinh thần chiến đấu, hừng hực khí thế “Sát Thát”.
Khi Hịch tướng sĩ được phổ biến nhanh chóng, đồng loạt trong quân ngũ đã góp phần tạo nên sức mạnh chung.
Thoáng đó, vừa mới ăn tết, đã thấy tết đi xa lắm rồi. Thời gian trôi qua nhanh quá đi mất. Chẳng mấy chốc nữa, y cũng sẽ sống như tâm thế trong câu thơ của Trương Hán Siêu: “Câu cá muốn tìm vui”. Liệu có thanh nhàn được thế không?