Tưởng nghề nghiệp ổn định hẳn hoi khi anh đạt trình độ chụp hình cho người mẫu thời trang và chân dung nghệ sĩ và có cả một studio. Thế nhưng, không hiểu sao Quang Thảo lại mê làm diễn viên. Quang Thảo biết con đường làm diễn viên tay ngang sẽ lắm gian truân. Anh học lớp diễn viên lồng tiếng, anh thử sức viết kịch bản. Mọi việc có vẻ trôi chảy khi kịch bản anh được đạo diễn Thanh Thủy dựng cho kịch truyền hình. Thảo viết chuyện đời thường duyên dáng và có tình, anh viết cho chuyên đề Chuyện xóm, chuyện làngcủa đài truyền hình suốt hai năm.
Có một ngày Quang Thảo nhận được điện thoại từ anh Thành Hội: “Anh chỉ muốn hỏi em một câu: Em có dám theo anh tới cùng không?”. Thảo biết đó là sự thử thách quyết liệt nếu mình nhận lời và đi theo nghiệp diễn.
Trong vở Anh về
Vai Phương trong Hãy khóc đi em là một cú choáng đối với Thảo. Đây là vai NSƯT Thành Lộc đã làm mưa gió trên sân khấu với nghệ sĩ Thanh Thủy, Hồng Ánh. Các cặp bài trùng nghệ sĩ này đã là dấu son của vở diễn. Đây là tác phẩm văn học Trăng nơi đáy giếng của nhà văn Thùy Mai, rất nổi tiếng được chuyển thể thành phim và sân khấu. Trong quá trình tập có lúc Thảo thấy ngợp vì áp lực của tất cả những điều thành công của tác phẩm, có lúc Quang Thảo thấy đuối, NS Thành Hội đã phải thét lên “Em ơi! Em diễn vì em là Quang Thảo, chứ đừng so sánh với anh Thành Lộc!”. Lúc đó Thảo chỉ còn một suy nghĩ: “Nếu có thất bại thì mình cũng sẽ thanh thản vì đã làm hết sức mình”. Trong phim Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Vinh Sơn người ta thấy vai này chỉ là một người đàn ông mờ nhạt gia trưởng thì trên sân khấu, Phương là người đàn ông đểu, lố bịch, dễ đổi màu. Thảo diễn ra được cái thói giỡn hớt, cợt nhả của những anh chồng ham hố khi người vợ mới còn xuân sắc. Trong mối quan hệ với người vợ trước, anh ta là một kẻ biết tận dụng thế mạnh của mình để được cung phụng. Vai diễn của Quang Thảo đã tìm được một lối đi riêng, phù hợp với ngoại hình và tuổi của anh.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã cho Quang Thảo nhiều cơ hội. Liên tục Quang Thảo được vào những vai có tính cách khác nhau Ông Thầy đồ đạo mạo trong Bàn tay của trời. Út Hơn chân thành, khẳng khái trong Tục lụy. Ở Tục lụy anh là người lính trở về sau chiến tranh. Vết thương trên đầu đã làm anh lúc điên, lúc tỉnh. Đây không phải vai diễn tâm thần để chọc cười hay làm khán giả thương hại. Với Út Hơn là một người lính nên đôi khi tính tốt bụng, thẳng thắn của anh cũng khá cực đoan. Sự bất bình của anh có khi cũng làm tổn thương người khác. Khi đi thực tế ở trại tâm thần, anh quan sát cái dại của người tâm thần khi lên cơn. Anh diễn ra nỗi đau tan nát của người lính khi trở về chứng kiến những tiêu cực của làng quê.
Trong vở Tục lụy
Quang Thảo có một gương mặt sáng, thích hợp vào vai những người đàn ông trung thực. Những loại vai này anh gần như không phải cố gắng diễn. Nhưng để xóa nhòa đi đường mòn trong lòng khán giả về mình, anh phải chứng tỏ mình là một diễn viên đa năng. Cuộc thử sức của Quang Thảo trong Chuyện bây giờ mới kể quả là một bất ngờ. Nhân vật Trần Thuyên có thể trở thành biểu tượng của người chiến sĩ trong chiến tranh. Anh đã biết sống và xả thân hết mình trong trận mạc. Nhưng khi anh được thăng chức, có cơ hội được ra Hà Nội đào tạo thì con người so đo trong anh bắt đầu trỗi lên. Sự dối trá và phản bội người con gái đã vì anh mà hy sinh và chịu oan trái đã làm anh biến dạng. Vai diễn của Quang Thảo đến đó bắt đầu tạo một hấp lực thu hút sự chú ý của khán giả. Anh diễn ra sự vụng dại của một người còn đang trút bỏ sự tử tế. Thoáng trong Trần Thuyên người xem thấy anh vẫn là người lính đáng yêu hôm qua và đang bị những cám dỗ lôi kéo. Anh lúng túng đưa cho cô gái cuốn nhật ký như một minh chứng và lật đật đuổi cô đi vì sợ bạn gái mới của mình trông thấy. Quang Thảo tạo được sự tinh tế trong hoàn cảnh kịch. Anh đã làm cho khán giả yêu thích nhân vật Trần Thuyên trước đó và cũng chính anh đã làm bùng nổ sự giận dữ của khán giả cũng với Trần Thuyên ngay sau đó. Một Trần Thuyên lạnh lùng trên chiếc ghế chức vị. Những thói xấu của con người, của xã hội đã nhập vào anh ta như chính anh ta sinh ra nó vậy. Quang Thảo đã góp phần tạo nên tiếng chuông cảnh tỉnh về cái ác, cái xấu đang xâm chiếm, hoành hành. Vai diễn ấy của anh tạo ấn tượng mạnh trong lòng khán giả, tạo sức nặng cho vở chính kịch.
Ngoài đời Quang Thảo là một chàng trai hiền lành. Thường ngày, anh dành thời gian để viết kịch cho thiếu nhi. Nhiều vở của anh trong chuyện Ngày xửa, ngày xưa được các em yêu thích như: Thần tiên xứ Phù Tang, Chúa tể muôn loài, Anly và thần Băng Giá, Đại chiến Hồng Hài Nhi, Tề Thiên Đại Thánh… Anh còn viết khá nhiều kịch cho truyền hình. Trong cuộc sống anh không cho phép mình lỡ hẹn sai giờ dù chỉ là một buổi tập. Quang Thảo hiện đang có một vị trí nhất định trong làng kịch nói của thành phố, nhưng anh vẫn mơ ước khi nào có vốn, sẽ mở một quán cơm chay để làm từ thiện, trở về với Thiền và chay tịnh.
Việt Nga
Ảnh Nguyên Vũ