Tại sao nước Áo vẫn còn là “chiến trường của các điệp viên” và thủ đô Vienna vẫn là điểm đến quan trọng của các điệp viên nước ngoài?
Cái nôi của do thám toàn cầu
Ngày 9-7-2010, phóng viên Bethany Bell cho biết bà đã chứng kiến tận mắt từ khoảng cách an toàn một chiếc máy bay màu trắng được thuê mướn từ New York mang theo 10 điệp viên Nga đậu trên đường băng tại phi cảng Vienna, cách không xa một máy bay Nga có bốn điệp viên Anh – Mỹ ngồi ở trên. Đây có lẽ là vụ trao đổi điệp viên lớn nhất giữa Nga và Mỹ từ thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Trong số điệp viên được trao đổi có Sergei Skripal, điệp viên hai mang làm việc cho cả Nga và Anh vừa bị đầu độc vào năm 2018 cùng vợ và con gái tại thành phố Salisbury của Anh, nơi ông ta an cư với gia đình.
Vụ đầu độc dù không dẫn đến tử vong, nhưng đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Liên bang Nga và Vương quốc Anh. Không ngạc nhiên lắm khi Vienna được chọn làm nơi tiến hành cuộc trao đổi này.
- Xem thêm: Cuộc chiến gián điệp giữa Nga và Bắc Âu
Thủ đô của nước Áo từ lâu đã nổi tiếng là “cái nôi của thế giới do thám toàn cầu” và tiếp tục duy trì vai trò này cho đến tận hôm nay. Danh tiếng có được một phần do vị trí địa lý thuận lợi.
Do thám đã trở thành một “doanh nghiệp” đúng nghĩa tại Áo với sự tham gia của nhiều cơ quan tình báo nước ngoài và mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế.
Nhưng chính phủ Áo cũng có lúc bị rơi vào tình thế bối rối. Mới đây, một đại tá quân đội Áo về hưu đã bị các công tố điều tra về cáo buộc làm việc cho tình báo Nga trong một thời gian dài, từ năm 1990.
Vụ việc xảy ra không lâu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin là khách mời danh dự trong đám cưới của Ngoại trưởng Áo, bà Karin Kneissl, điều mà nhiều người dân Áo không hài lòng. Áo được xem là một trong số ít bạn bè của Nga trong Liên minh châu Âu (EU).
Vì vậy, việc ông Putin đến dự tiệc cưới của bà Kneissl là có thể hiểu được. Áo đã giải thích quyết định không trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau khi phát hiện vụ do thám.
Nữ điệp viên xinh đẹp Anna Chapman thuộc số 10 điệp viên Nga được Mỹ trao đổi lấy bốn điệp viên, kể cả Sergei Skripal mang cấp hàm đại tá trong lực lượng tình báo quân sự Nga, nhưng làm việc cho tình báo Anh.
Khi do thám mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế
“Nằm gần “Bức màn sắt” phân chia Đông – Tây, nước Áo “trung lập” là điểm nghe lén thuận tiện khi Liên Xô chưa tan rã”, ông Siegfried Beer, sử gia kiêm nhà sáng lập Trung tâm Tình báo, Tuyên truyền và an ninh Áo (ACIPSS), nhận định, “Đặt cơ sở tại Vienna trong thời kỳ Chiến tranh lạnh là có bàn đạp để thu thập tin tình báo tại Nam Tư, Hungary, Tiệp Khắc và xa đến Ba Lan”.
Hiện nay chính phủ Áo vẫn tìm mọi cách để giữ vai trò trung lập nên đã tạo không khí thoái mái cho tất cả những người nước ngoài nào muốn đi vào đất nước mình, kể cả các điệp viên.
“Do thám được xem là một doanh nghiệp tại Áo. Giống như các doanh nhân đến Áo để làm ăn, các điệp viên nước ngoài, không phân biệt xuất xứ, cũng được chào đón đến Vienna “làm ăn”. Họ mang theo nhiều tiền và đóng góp vào nền kinh tế Áo” – Beer nói.
Bộ phim kinh điển The Third Man khai thác đề tài chiến tranh cho thấy, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Vienna được chia thành bốn khu vực Đồng minh chống Đức Quốc xã (Allied zones) do Anh, Mỹ, Pháp và Liên Xô kiểm soát.
“Dù The Third Man tập trung vào buôn lậu thị trường đen hơn do thám, nó dựa vào kịch bản của Peter Smolka, một phóng viên Áo từng làm việc cho tình báo Anh và Liên Xô. Nay, Bức màn sắt không còn nhưng hàng trăm điệp viên vẫn còn ở Vienna!” – Beer nói.
Hiện nay, Vienna là nơi đặt một trong những trụ sở của Liên Hiệp Quốc và trụ sở của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Điều đó có nghĩa là nhiều quốc gia không chỉ có sứ quán tại đây mà còn thêm bộ phận nữa lấy danh nghĩa các tổ chức quốc tế với nhiều nhân sự là điệp viên trá hình. Họ được hưởng quyền miễn trù ngoại giao để hoạt động do thám!
Vài trăm điệp viên quốc tế bám trụ tại Vienna
Báo cáo hằng năm của Cục Bảo vệ Hiến pháp và Chống khủng bố liên bang Áo (BVT) xác định: “Áo là nơi ưa chuộng cho các hoạt động ngầm của các điệp viên nước ngoài và số điệp viên nước ngoài không hề giảm”.
Khi báo cáo được công bố, ông Peter Gridling, Giám đốc BVT, không nêu chính xác con số điệp viên nước ngoài đang hoạt động ở Áo mà chỉ nói “đông đến nhiều trăm người!”.
Tuy nhiên, ông cho biết mật độ điệp viên không thuộc EU hoạt động tại thủ đô Brussels của Bỉ đã vượt qua Vienna. Gerhard Mangott, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Innsbruck, nhận định: “Các điệp viên nước ngoài thường tìm cách tuyển dụng mật báo viên Áo làm việc cho họ để tránh bị phát hiện”.
Ông cũng ngạc nhiên khi nghe chính phủ Áo công khai vụ viên đại tá làm việc cho Nga khi hai nước đang có mối quan hệ rất nồng ấm với nhau.
“Các cơ quan mật vụ nước ngoài hoạt động tích cực tại Áo và thích tuyển người Áo đang làm việc trong các cơ quan xung yếu” – Mangott nói và cho biết chính ông từng bị KGB của Nga và MI6 của Anh chài mồi.
“Một điệp viên Nga đến gặp tôi vào thập niên 1990 để mời tôi làm việc cho Nga. Cùng thời gian này, MI6 mời tôi làm mật báo cho họ. Vì vậy, tôi chắc chắn có nhiều người Áo đang làm việc cho các cơ quan mật vụ nước ngoài. Do thám chính trị đã trở thành bình thường tại Áo” – ông nói.
Beer bổ sung: “Các chính trị gia cần hiểu rằng do thám tại Áo đã trở thành một doanh nghiệp mà bất cứ ai cũng có thể liên quan chứ không chỉ có viên đại tá vừa bị tố cáo.
Thay vì đổ lỗi cho Nga, người Áo nên nhìn lại mình và tự hỏi tại sao đất nước này cứ duy trì mãi vị thế “sân chơi” của các tổ chức mật vụ nước ngoài và tại sao phải mất 25 năm, một sĩ quan Áo do thám cho Nga mới bị phát hiện!”.
Cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất sau Chiến tranh lạnh
Ngay sau khi máy bay mang các điệp viên trao đổi trở về đất nước mình, chính phủ Mỹ công bố “đã hoàn thành mỹ mãn” cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất với Nga từ thời Chiến tranh lạnh.
Tại tòa án Mỹ, tất cả 10 điệp viên Nga được trao trả đều thừa nhận mình là “điệp viên cho một nước ngoài hoạt động bất hợp pháp tại Mỹ”.
Nhưng họ không bị truy tố vì tội rửa tiền. Máy bay chở điệp viên trao trả của Nga và Mỹ đến cùng thời điểm tại phi cảng Vienna.
Trao đổi xong, máy bay Mỹ đáp xuống một căn cứ không quân Anh để thả các điệp viên Anh xuống đó trước khi về Mỹ, còn máy bay Nga bay thẳng đến Moscow.
Các hình ảnh trên truyền hình chỉ thấy máy bay mà không thấy mặt những điệp viên được trao đổi vì cầu thang cả hai máy bay được phủ kín.
Không điệp viên nào lưu lại Áo mà tất cả đều lên máy bay. Luật sư của chuyên viên hạt nhân Igor Sutyagin làm việc cho Anh khẳng định thân chủ ông có mặt trên chuyến bay từ Moscow.
Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo: “Trong cuộc trao đổi có 10 điệp viên Nga bị buộc tội tại Mỹ và có bốn điệp viên phương Tây bị buộc tội tại Nga. Cuộc trao đổi lịch sử này đã tạo cơ hội cho cả hai bên trong việc xây dựng mối quan hệ tin cậy”. Chỉ mất 90 phút đậu tại phi cảng, cả hai máy bay đã cất cánh trở lại.
Các điệp viên được trao đổi là ai?
Do đường dài, máy bay Mỹ Vision Airlines Boeing 767-200 cất cánh từ New York phải quá cảnh tại căn cứ không quân Brize Norton RAF ở Oxfordshire, Anh.
Không rõ những điệp viên Anh được trao đổi sẽ ở lại Anh hay bay đến một nơi an toàn khác. Nga sử dụng máy bay Yak-42 để trao đổi tù nhân.
Các điệp viên Nga rời phi cảng Domodedovo của Moscow và đi lên một chiếc xe buýt. Họ sẽ được lấy lời khai và cách ly khỏi báo chí một thời gian.
Bốn điệp viên được Nga trao trả gồm Igor Sutyagin, nhà khoa học hạt nhân bị kết án năm 2004 vì do thám cho CIA; Sergei Skripal, cựu sĩ quan tình báo quân sự Nga (GRU) bị bỏ tù năm 2006 vì do thám cho Anh; Alexander Zaporozhsky, cựu nhân viên Cục Tình báo nước ngoài Nga (SVR) bị bỏ từ năm 2003 và Gennady Vasilenko, cựu nhân viên KGB bị bỏ tù năm 2006 vì buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Các công tố Mỹ cho biết các điệp viên Nga thuộc một tổ tình báo đội lốt công dân bình thường, một số sống như vợ chồng trong nhiều năm, nhưng tất cả đều được đặt dưới sự điều khiển của SVR để lấy thông tin tình báo Mỹ.
Chỉ có năm người được tiết lộ tên thật và tất cả đều nhận án tù dài hạn. Luật sư của điệp viên Anna Chapman (còn được gọi là Anya Kushchenko) đánh giá thấp vai trò của các điệp viên Nga này tại Mỹ.
“Những thông tin họ thu thập rất dễ tìm thấy trên internet” – ông nói.
Luật sư John Rodriguez của điệp viên Nga Vicky Pelaez cho biết “người tuyển dụng” Nga làm việc trực tiếp với thân chủ của ông chỉ hứa khoản tiền lương nhỏ 2.000 USD/tháng và một ngôi nhà miễn phí tại Moscow sau khi hoàn thành nhiệm vụ. “Nhưng thân chủ tôi có thể rời Nga bất cứ lúc nào để về lại quê nhà ở Peru” – ông nói.