Diễn đàn nhắm vào ba mục tiêu chính là: Gợi mở sự chuyển đổi toàn diện, Tiến hành hội nhập khu vực và Các giải pháp khu vực cho sự hồi phục toàn cầu. Từ kết quả các cuộc họp tại Nay Pyi Taw, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEP) đã đúc kết một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tại các nước Đông Nam Á (ASEAN), nổi bật là hai thách thức.
Singapore, nền kinh tế có chỉ số cạnh tranh đứng thứ hai thế giới
Thách thức thứ nhất là về tính cạnh tranh toàn cầu. Tính cạnh tranh là động lực quan trọng của sự hội nhập và phồn vinh, nhưng nhìn vào bảng Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2012-2013 của WEP, có thể thấy nước ASEAN đi đầu trong lĩnh vực này là Singapore có chỉ số cạnh tranh toàn cầu xếp thứ hai trong 144 nước khảo sát, còn nước có chỉ số thấp nhất trong ASEAN là Campuchia xếp thứ 85. Sự cách biệt quá lớn về tính cạnh tranh toàn cầu trong nội bộ ASEAN nói lên sự thiếu đồng bộ, thiếu sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong khối. Tuy nhiên, theo nhận định của WEP, đây không phải là một thách thức lớn, vì nền kinh tế có chỉ số cạnh tranh thấp nhất ASEAN là Campuchia vẫn được xếp cao hơn nhiều nước đang phát triển khác như Mông Cổ, Bangladesh, Pakistan, Nepal và Timor-Leste (Đông Timor), nước chuẩn bị gia nhập ASEAN. Mặt khác, cũng theo WEP, phần lớn các nước ASEAN đang đi đúng hướng, đã cải thiện hoặc duy trì vị thế của họ từ năm 2005 đến nay.
Thách thức thứ hai là về nông nghiệp và an toàn lương thực. Nông nghiệp là động cơ quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Đông Nam Á, có thể giúp cho hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, đồng thời cũng có thể dẫn đến nguy cơ nghiêm trọng nếu không được quản lý và cải tiến phù hợp. Theo Lisa Dreier, Giám đốc chương trình Các sáng kiến cho an toàn thực phẩm và phát triển của WEP, để đáp ứng nhu cầu của một dân số đang ngày một gia tăng, Đông Nam Á và cả thế giới cần phải nâng cao sản lượng lương thực mà vẫn sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, như đất và nước. Để làm được điều này, họ cần cải tiến chủng loại hạt giống, sử dụng ít nước hơn hoặc sản xuất nhiều mùa vụ trên cùng một khu vực trồng trọt. Cơ giới hóa theo kỹ thuật hiện đại cũng là một phương cách hiệu quả giúp gia tăng năng suất và tiết kiệm chi phí sản xuất. Sáng kiến “Tầm nhìn mới về nông nghiệp” là một chương trình của WEP nhằm tạo ra mô hình mới trong sự hợp tác công – tư, biến nông nghiệp thành một động lực dẫn đến các cơ hội về kinh tế, sự bền vững về môi trường và an ninh lương thực. Sáng kiến này đang được thực thi có hiệu quả tại Việt Nam và Indonesia, những nơi có sự hợp tác giữa chính quyền trung ương và địa phương với khu vực tư, với các tổ chức quốc tế và người nông dân nhằm cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, ba nhà lãnh đạo Myanmar, Việt Nam và Lào đã đưa ra cam kết hợp tác cùng phát triển. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lưu ý về việc cần có những hành động mạnh nhằm hoàn tất các mục tiêu hội nhập của ASEAN và cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa những nước ASEAN nằm trong đất liền, nhất là ở Hành lang Kinh tế Đông Tây. Bên cạnh lời cam kết trên, Bộ trưởng Du lịch các nước Myanmar, Indonesia, Philippines và Campuchia cũng đồng tình thiết lập một hệ thống visa thông minh chung nhằm thu hút khách du lịch đến từ các châu lục trên thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp