Giới quan sát quốc tế cho rằng vẫn chưa thể khẳng định giới trẻ Myanmar sẽ nhận được những lợi ích gì từ những dòng đầu tư nước ngoài đang bắt đầu tác động đến các ngành công nghiệp nội địa, từ sản xuất đến du lịch, đồng thời lo ngại rằng nếu không cẩn thận thì trình độ tri thức thấp của họ sẽ làm nảy sinh tệ nạn và nhiều căn bệnh xã hội khác.
Giới trẻ Myanmar cần được đào tạo kỹ năng làm việc
Mới đây, Chính phủ Myanmar đã thông qua các đạo luật ngăn cấm lao động cưỡng bức, cho phép công nhân thành lập công đoàn và thông báo về kế hoạch cải tổ hệ thống giáo dục. Hàng loạt tổ chức mạnh thường quân nước ngoài, bao gồm các chính phủ Thụy Điển, Nhật Bản và Úc, đang tài trợ ngân sách cho nhiều dự án đào tạo tay nghề và thúc đẩy tuyển dụng lao động trẻ cho Myanmar. Theo ông Steve Marshall – một quan chức của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chuyên theo dõi về Myanmar, chính quyền nước này đang rất băn khoăn làm sao giải quyết tình trạng thất nghiệp của giới trẻ vì họ hiểu rõ rằng xây dựng nền móng giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực mới không phải là chuyện ngày một ngày hai. Thực tế cho thấy thất nghiệp ở lứa tuổi thanh niên đang là mối quan ngại của toàn cầu. Cụ thể, ILO ước tính có tới 40% trong số 160 triệu người thất nghiệp trên thế giới thuộc nhóm tuổi từ 15 đến 24, đã vậy 85% trong số một tỉ người trẻ ở độ tuổi ấy đang sống tại các nước đang phát triển. Tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong nhóm thanh thiếu niên trung bình cao gấp hai, ba lần ở người lớn. Họ thường phải làm những công việc tạm thời, có thu nhập thấp và không được cung cấp trang bị an toàn lao động.
Giới chuyên gia quốc tế khẳng định Myanmar đang cần những chương trình hỗ trợ người thất nghiệp tìm kiếm việc làm và vừa học vừa làm tại các lớp đào tạo kỹ năng ngắn hạn. Việc hình thành những tổ chức dạy nghề có khả năng cung cấp một đội ngũ lao động có chất lượng cũng rất cần thiết khi độ tuổi trung bình của quốc gia có 55 triệu dân này chỉ ở con số 27. Bà Aung San Suu Kyi – lãnh đạo phe cánh tả tại Myanmar và từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 cũng chỉ rõ tình trạng thất nghiệp của giới trẻ chính là một trong những thử thách lớn nhất khi đất nước này chuyển từ thể chế quân sự chuyên chính sang thể chế dân chủ. Hiện tại, cho dù Myanmar đang nhận được sự quan tâm từ quốc tế và đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc cắt giảm thuế suất, xây dựng đặc khu kinh tế và ban hành dự luật đầu tư nước ngoài mới, vẫn có một lượng không nhỏ thanh niên đang rời bỏ đất nước với hy vọng tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông Mung Gualnam – người đang quản lý một công ty chuyên về cung cấp lao động tại Yangoon cho hay công ty ông hằng tháng đưa được khoảng 60 công nhân Myanmar đến Malaysia hoặc Singapore làm việc. Tại nước ngoài, những người có trình độ thấp kiếm được trung bình khoảng 400 USD (ở trong nước chỉ 100-200 USD), còn kỹ sư hoặc cử nhân sẽ kiếm được 1.500 USD (ở trong nước chỉ 200-300 USD).
Lâm Kiên theo Christian Science Monitor