Tọa đàm trong cuộc hội nghị tại Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, ông Coeure khẳng định các gói viện trợ kinh tế được giới thiệu bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vận dụng chính sách tiền tệ mới, nỗi hoang mang về một cuộc chiến tiền tệ đã dấy lên vì mọi người chưa rõ thị trường quốc tế sẽ bị tác động tiêu cực ra sao. Hồi tháng 4, BOJ đã công bố chiến lược tiến hành chính sách mới của họ nhằm nỗ lực kết thúc vài thập niên bị đình trệ kinh tế bằng việc bơm hơn 1,4 ngàn tỉ USD vào nền kinh tế Nhật. Mặc cho những lý giải đã được cả hai chính phủ Mỹ và Nhật đưa ra, việc in thêm tiền của Mỹ và Nhật đã dẫn đến tình trạng hoang mang tại những quốc gia khác, trong đó người ta đặc biệt lo ngại rằng nhóm một số nước khác sẽ bị lạm phát, bong bóng bất động sản lại nở ra và hàng xuất khẩu của họ kém sức cạnh tranh hơn. Như một phản ứng tức thời, ngay trong tháng 5, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng đã bất ngờ cắt lãi suất cơ bản 0,25%, xuống còn 2,5% nhằm giải tỏa những áp lực gia tăng đối với đồng won sau khi đồng yen liên tục giảm giá.
Ông Coeure còn nhấn mạnh thêm rằng sự thay đổi chính sách tiền tệ của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới không được dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ tài chính. Khi đối diện với sự gia tăng trong dòng tiền từ nơi khác đến, bước phòng thủ đầu tiên của các nước là những điều chỉnh mang tính kinh tế vĩ mô. Các biện pháp quản lý dòng vốn có thể được dùng đến, nhưng nên áp dụng một cách cẩn trọng và chỉ tạm thời nếu như tất cả những lựa chọn khác tỏ ra không hữu hiệu. Ngoài ra, Giám đốc ECB cũng nhìn nhận việc chia sẻ rủi ro đã được quan tâm nhiều hơn tại châu Âu kể từ sau cuộc khủng hoảng vừa qua tại đây, song liệu cố gắng đó sẽ kéo dài được bao lâu và hệ thống tài chính toàn cầu có vững mạnh lên không sẽ vẫn là một câu hỏi khó dành cho giới nghiên cứu lẫn nhà làm luật thế giới.
B. Trịnh theo Reuters