Chia sẻ với báo chí về nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng ba đặc khu Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc là nơi nhạy cảm về an ninh – quốc phòng, Việt Nam vẫn có thể phát triển mà không cần thành lập ba đặc khu đó.
GS Nguyễn Mại cho hay, FDI đã làm thay đổi nước ta rất nhiều về phương thức sản xuất, tiêu dùng, phân phối và tư duy của người Việt Nam về sản xuất và tiêu dùng cũng thay đổi theo. Tuy vậy, thu hút FDI có những hạn chế, đặc biệt là từ khi phân cấp quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài cho chính quyền địa phương được bắt đầu từ năm 2006.
Theo ông Mại, khi đó Thủ tướng đã phân cấp cho UBND các tỉnh thành, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép, xúc tiến đầu tư, chọn dự án… Bên cạnh những mặt lợi, việc phân cấp cũng mang lại không ít hệ lụy. Ví dụ như năm 2008, vốn đăng ký FDI tăng lên 72 tỉ USD nhưng có 20 tỉ USD không thực hiện được.
“Cái đó là do địa phương không thực hiện quyền lựa chọn, vì thế có nhiều dự án rởm. Nhiều dự án 4-5 tỉ USD mà nhà đầu tư không có tiềm lực, chỉ chực chờ bán dự án, bán không được thì trả lại cho tỉnh”, ông Mại nói.
Ông Mại dẫn chứng trường hợp khu kinh tế Nhơn Hội rộng 12.000ha tại Bình Định nhưng 10 năm trông chờ, hy vọng vào dự án hóa chất, lọc dầu của Thái Lan trị giá tới 22 tỉ USD cuối cùng lại không thực hiện được.
“Giờ cả một khu rộng lớn như vậy, làm hạ tầng tốt như vậy nhưng không có bao nhiêu dự án. Tỉnh phải chuyển đổi thành khu đô thị du lịch. Đấy là hệ quả điển hình để thấy nếu ta không tăng cường quyền lựa chọn chủ đầu tư thì ta không thể thực hiện được mục tiêu thu hút FDI để thay đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới”, ông Mại nhận xét.
Bàn luận về việc giữ hay bỏ mô hình phân cấp, ông Mại cho biết vấn đề này đã được nói đến khi tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Khi đó có 2 luồng ý kiến. Một luồng là ý kiến của các chuyên gia và một số bộ, cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại việc phân cấp, nên phân cấp thế nào để đảm bảo lợi ích quốc gia và địa phương.
- Xem thêm: Đặc khu kinh tế: được và thua
Luồng ý kiến còn lại là của các địa phương, cho rằng nên tiếp tục phân cấp. “Thậm chí có một nữ đại biểu là giám đốc một sở KH-ĐT còn nói trước mặt Bộ trưởng KH-ĐT là tùy các anh, các anh cho thì cho, không cho thì rút – một cách nói theo kiểu phản ứng tiêu cực. Thế nên tôi cho rằng đã phân cấp mà bây giờ rút lại là rất khó”, ông Mại cho hay.
Theo ông, có thể vẫn phân cấp nhưng để hiệu quả thì phải theo hai hướng. Một là nâng cao tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh, của ban quản lý các khu công nghiệp.
“Phân cấp không chỉ có nghĩa là anh nhận được quyền mà còn là anh phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước dân tộc này về việc thu hút FDI. Ta đều biết rõ, chừng nào kỷ cương được nâng cao, trách nhiệm người đứng dầu được nâng cao thì chừng đó bất cứ việc gì được phân cấp mới thực hiện hiệu quả được”.
Hướng thứ hai là khi phân cấp cần thêm các điều kiện. Ông Mại cho rằng nước ta đang thiếu hai điều kiện: một là các định mức kinh tế kỹ thuật, thiếu rất nhiều định mức quốc gia; hai là các hướng dẫn thanh tra giám sát.
“Việc giải quyết vấn đề môi trường đâu phải đơn giản. Nếu không có định mức kỹ thuật cho từng dự án công nghiệp, xây dựng, gang thép thế nào thì không thể giám sát được. Chúng ta đang thiếu rất nhiều các định mức quốc gia. Có nhiều cái rất đơn giản nhưng vẫn không có, ví dụ như chuyện chung cư, quỹ bảo trì vẫn không giải quyết được”, ông Mại nói.
Tiếp theo, chuyên gia này cho rằng cần phải nghiêm túc trong thanh tra, giám sát, tránh để xảy ra thảm họa môi trường. “Nếu chúng ta có hệ thống giám sát, theo dõi kỹ lưỡng thì sẽ hạn chế được thảm họa xảy ra. Cần coi việc phân cấp không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm”.
Đối với vấn đề quốc phòng an ninh trong thu hút FDI, ông Mại nhấn mạnh đây là điều đặc biệt quan trọng, bởi FDI là một mảng của kinh tế đối ngoại, liên quan đến quan hệ với các nước.
Thừa nhận các dự án FDI của Việt Nam có thời kỳ xem nhẹ an ninh quốc phòng, đặc biệt là các dự án trồng rừng, khai thác khoáng sản ở các vùng chiến lược, ông Mại lưu ý: “Nhiều người cho rằng không có nước nào mà không gắn việc đầu tư với các hoạt động gián điệp”.
- Xem thêm: Để xây dựng thành công đặc khu kinh tế
Ông Mại cũng nhắc lại dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. “Lúc bấy giờ, tôi có góp ý kiến, không chỉ về góc độ kinh tế mà còn về an ninh quốc phòng. Vân Đồn rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng, Bắc Vân Phong cũng thế, đặc biệt là Phú Quốc – bên kia là Campuchia và người ta đang đặt vấn đề chính quyền đó của ai. Ta không thể chọn ba nơi đó làm đặc khu để ảnh hưởng an ninh quốc phòng.
“Ta có thể phát triển kinh tế mà không cần ba đặc khu đó. Nhờ ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều người có vai trò trong bộ máy nhà nước nên dự luật đặc khu bị hoãn, đó chỉ là một ví dụ…”, ông Mại nói.