Bạn có biết từ những bức tranh lãng mạn độc đáo của họa sĩ J. M. W. Turner của Anh đặt nền móng cho trường phái Ấn tượng cho đến các tác phẩm đầy ám ảnh của bậc thầy Hậu Ấn tượng Vincent Van Gogh (Hà Lan), tất cả đều sử dụng… nước tiểu bò?
Và đó không phải là nước tiểu của một con bò bình thường, mà phải là con bò chỉ được ăn duy nhất một loại lá là lá xoài.
Với chế độ ăn hà khắc ấy, chúng ốm dần ốm mòn đến chết. Song nước tiểu lại mỗi ngày một sánh vàng, thậm chí còn sáng lên óng ánh.
1. Màu vàng kỳ diệu nhất
Trong khi người phương Đông xem màu vàng là màu của sự vương giả thì phương Tây lại quan niệm rằng màu vàng là sắc màu của sự phản bội.
Judas Iscariot, kẻ phản bội Chúa Jesus, luôn khoác trên mình chiếc áo choàng màu vàng. Hầu hết các bức họa vẽ Judas Iscariot vào thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XV-XVII) đều lấy màu vàng làm màu chủ đạo.
Bước sang thế kỷ XVIII – XIX, màu vàng không còn quanh quẩn trên các bức bích họa tôn giáo mà thật sự lấn vào thế giới nghệ thuật đỉnh cao.
Nó vừa sáng chói lọi trong tranh phong cảnh của JMW Turner, lại vừa u ám trong tác phẩm cuối đời của họa sĩ “đắt đỏ” nhất mọi thời đại, Vincent Van Gogh.
Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn sẵn sàng trả cả hàng chục đến hàng trăm triệu đô la chỉ để sở hữu một bức họa của bậc thầy hội họa này.
Chỉ có điều, cho dù là màu vàng trong tranh của Turner hay màu vàng trong tranh của Van Gogh thì cũng đều từ… nước tiểu bò mà ra cả.
Để có được màu vàng chói lòa trong bức The Angel Standing in the Sun (Thiên sứ gọi mặt trời lên) của Turner, người Munger (Ấn Độ) ép buộc con bò của họ phải ăn lá xoài quanh năm suốt tháng.
Với nước tiểu của con bò không được ăn gì khác ngoài lá xoài ấy, người ta đem gạn lọc, đun sôi cho bay hết hơi nước, sau đó lại sấy khô, ép chặt thành từng miếng.
Những miếng “cao” nước tiểu bò này (thường được gọi là “piuri”) sẽ được chuyển tới châu Âu, bán cho tất cả các họa sĩ đang khao khát có được sắc màu vàng tinh tế bậc nhất.
Tại châu Âu, các họa sĩ gọi những miếng “cao” nước tiểu bò ấy là “vàng Ấn Độ”. Ai nấy đều điên cuồng vì nước tiểu bò kết tinh. Họ thi nhau phết nó lên các tấm giấy, bảng gỗ và các bức tường.
Không chỉ The Angel Standing in the Sun của Turner mà cả The Starry Night (Đêm đầy sao) của Van Gogh lẫn The Age of Innocence (Tuổi ngây thơ) của Joshua Reynolds (Anh) cũng đều lóng lánh… nước tiểu bò.
2. Những kiệt tác với “cao” nước tiểu
So với Turner và Van Gogh thì Reynolds biết sử dụng “vàng Ấn Độ” sớm hơn. Ông mài nước tiểu bò kết tinh vào màu nước, biến nó thành sắc vàng tươi sáng trong bức The Age of Innocence nức tiếng.
The Age of Innocence vẽ hình một cô gái nhỏ đang ngồi chơi một mình. Cô bé mặc chiếc váy màu vàng ngây thơ hệt như một thiên thần.
Thật khó mà tin được rằng màu vàng trong sáng trong bức tranh của Reynolds ấy lại là từ nước tiểu của con bò ăn toàn lá xoài chứa đầy acid!
Đến The Angel Standing in the Sun, chuyện kiệt tác này được tạo thành từ “cao” nước tiểu bò lại càng khó tin hơn.
Gần như toàn bộ bức tranh ấy của Turner đều được vẽ bằng màu vàng. Dưới bàn tay mềm mại của Thiên sứ, sắc vàng tỏa rạng, phát quang lộng lẫy.
Sang The Starry Night của Van Gogh, màu vàng mất đi sự rạo rực đê mê của bình minh, chuyển sang sắc màu của sự đau đớn. Van Gogh vẽ bức tranh này trong thời gian thống khổ nhất cuộc đời ông, khi bị đưa vào bệnh viện tâm thần.
Lạ là dù cả cơ thể lẫn tâm trí đều mệt mỏi, sức sáng tạo của Van Gogh lại bùng nổ. Ông thể hiện nó qua mỗi nét cọ, tạo nên một The Starry Night nhức nhối trong tâm can người thưởng thức. Chỉ là nôi đau nhức ấy cũng nhờ… “cao” nước tiểu bò mà nên.
Còn với John Carner Sargent của Mỹ, hình ảnh một cô gái nhỏ thắp sáng ngọn đèn lồng khi trời vào chạng vạng trong một khu vườn kiểu Anh đã hớp hồn.
Lập tức, Sargent nhờ con gái của bằng hữu làm mẫu, vẽ tuyệt phẩm Carnation, Lily, Lily, Rose (Cẩm chướng, Lưu ly, Lưu ly, Hoa hồng).
So với bức họa The Age of Innocence của Reynolds thì hai cô bé trong Carnation, Lily, Lily, Rose cũng ngây thơ không kém.
Tất nhiên là lại một lần nữa, nước tiểu bò kết tinh đóng vai trò then chốt. Bởi vì chỉ với “vàng Ấn Độ”, Sargent mới biến hóa ra được đủ các gam màu từ cam đến vàng, mà màu nào cũng như tự phát quang.
3. Giải thoát cho bò
Trong thời gian mà Sargent vẽ Carnation, Lily, Lily, Rose, nghi ngờ về nguồn gốc của “vàng Ấn Độ” trong giới nghệ thuật ở châu Âu mới bắt đầu.
Người thì bảo rằng đó là nước tiểu của rắn, người lại cho đó là mật của lạc đà. Đến tháng 8-1883, người ta đã biết chính xác “vàng Ấn Độ” đến từ đâu nhờ một người có tên là Mukharji.
Sau khi được giám đốc Vườn thực vật Hoàng gia Kew cử tới Ấn Độ điều tra nguồn gốc của “vàng Ấn Độ”, Mukharji đã tới đây tìm hiểu. Rõ sự tình rồi, ông liền làm một báo cáo chi tiết, gửi đến Hội Nghệ thuật ở London (Anh).
- Xem thêm: Những quả táo ngàn vàng của Cézanne
Qua báo cáo, Mukharji khẳng định đã tận mắt nhìn thấy người ta chế tạo màu vàng từ nước tiểu của con bò chỉ ăn lá xoài như thế nào.
Ông cũng cho hay chính nhờ cả đời chỉ tiêu thụ lá xoài mà nước tiểu của con bò khốn khổ nọ mới mỗi ngày một… sánh vàng rạng rỡ.
Tất nhiên, Mukharji cũng không quên nói thêm rằng những con bò bị buộc phải ăn lá xoài liên miên trông rất gầy ốm. Dù vậy, vẫn phải mất thêm 25 năm nữa để thị trường màu vẽ châu Âu thôi khát cầu “vàng Ấn Độ”.
Và cũng nhờ vào đó, những con bò khốn khổ mới được giải thoát. Song dẫu “vàng Ấn Độ” đã vắng bóng, nhưng “tinh hoa” từ những chú bò bị hy sinh vì nghệ thuật thì vẫn còn đó, lộng lẫy trong những tác phẩm hội họa bất tử với thời gian.