Với nhiều người nước ngoài ở Việt Nam, có những điều đã trở nên quá quen thuộc, ví dụ như việc liên tục đổ mồ hôi vì trời nắng nóng; việc được tất cả mọi người xung quanh, kể từ những đứa trẻ trên đường gọi mình là “Tây”, và cả việc bị tính thêm tiền cho bất cứ cái gì mình mua. Khoản tiền tính thêm này thường được chúng tôi gọi đùa là “thuế đánh vào người da trắng” (mặc dù nó được áp dụng cho người nước ngoài bất kể màu da nào). Tiền đề cơ bản của việc tính giá cao hơn bình thường này là việc người Việt Nam cho rằng người nước ngoài thường giàu (và “nai”) hơn người địa phương. Chính vì thế, họ thường đưa ra một cái giá vượt xa giá thông thường.
Tất nhiên, sau vài lần phải trả 80.000 đồng cho một ký cam, bạn bắt đầu trở nên thông minh hơn. Dần dần, sau khi đã học được một số câu tiếng Việt như: “Bao nhiêu?” và “Đắt quá!”, bạn bắt đầu biết cách mặc cả để mua hàng với giá hợp lý hơn.
Tuy nhiên, khi đó bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy thái độ thất vọng của một số người bán hàng. Họ tỏ ra bực bội và thậm chí là giận dữ vì bạn cả gan cố để không bị lừa. Trong số những người cáu kỉnh nhất có cả người phụ nữ ngọt ngào bán trái cây lúc nào cũng bảo bạn: “Tôi để cho cậu giá tốt nhất đấy” và có cả những ông chạy xe ôm sẵn sàng hét giá cắt cổ.
Nhưng trong khi những người nước ngoài sống ở Việt Nam trở nên thông minh hơn để biết rằng trên thực tế một suất bún chả không tốn hết một ngày lương, thì khách du lịch lại trở thành đối tượng bị “chặt chém” chính. Báo Thanh Niên gần đây tường thuật việc một khách du lịch người Úc và hai đứa con phải trả 1,3 triệu đồng cho một chuyến xích lô 5km ở Hà Nội – nhiều gấp 10 lần giá bình thường. Một cặp đôi người Úc khác phải trả 980 ngàn đồng cho một chuyến taxi chỉ khoảng 98 ngàn đồng vào cuối tháng 4 vừa qua vì người tài xế đã lợi dụng việc họ không thành thạo tiền Việt để lừa tiền.
Thỉnh thoảng tôi nghe những cuộc tranh luận về việc đối xử với khách du lịch như hiện nay liệu có công bằng hay không. Một bên cho rằng làm như vậy là lừa đảo và đáng trách, nhưng bên kia lại bảo nếu khách du lịch ngây ngô và giàu đến mức trả tiền mà không suy nghĩ gì thì đó là lỗi của họ. Nhiều người tỏ ra bênh vực những người bán hàng nghèo cố kiếm thêm vài đồng bạc (tất nhiên theo cách không trung thực cho lắm). Bạn nghĩ gì về đạo đức cũng được, nhưng có một điều chắc chắn, đó là: Việt Nam cần ngành du lịch phát triển và nếu bạn đối xử với khách du lịch như cái máy rút tiền ATM, có lẽ họ sẽ không muốn quay trở lại.
Trong quý I năm 2013, số khách du lịch đến Việt Nam (vốn được kỳ vọng là một thị trường tăng trưởng nhanh) giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự lấn át của kiểu tư duy ngắn hạn trong việc moi tiền khách du lịch mà không quan tâm đến tương lai có vẻ như đang nhận được hồi chuông cảnh báo. Những người bán hàng cần hiểu rằng đối xử với khách nước ngoài bằng sự tử tế và tôn trọng là cách tốt nhất để có được sự yêu mến của họ và từ đó thành công hơn trong công việc kinh doanh. Con người (mà cụ thể ở đây là khách du lịch) vốn là những cá thể hành động theo thói quen. Vì vậy, nếu bạn cho họ thấy họ đã có thời gian tốt đẹp ở đất nước bạn và được đối đãi tử tế, họ sẽ thích bạn và luôn muốn quay trở lại.
Đây là cách mà các nhà kinh doanh phải đi theo nếu họ muốn du lịch phát triển. Người ta cần nhìn vào bức tranh lớn để nhận ra rằng chính những người tử tế sẽ là những người đến đích trước. Nếu Việt Nam thật sự mong muốn trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực thì Việt Nam nên theo đúng luật chơi.
Lê Tâm dịch