Xã hội ngày càng phát triển, thế giới nghề nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận học sinh do chưa am hiểu hết về ngành nghề đã lựa chọn nghề không phù hợp. Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT cần có sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó vai trò của gia đình trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông là đặc biệt quan trọng.
Với học sinh THPT, việc lựa chọn nghề nghiệp đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Các em thường bận tâm với những câu hỏi “Vào đại học hay đi học nghề?”, “Vào trường nào, học nghề gì?”. Nếu quyết định chọn một nghề đối với một số em đã có cơ sở thì đa số học sinh THPT còn khá mù mờ, phiến diện trong định hướng. Có nhiều nguyên nhân, song một trong số các nguyên nhân cơ bản là do các em chưa được chuẩn bị để bước vào cuộc sống thực tế, không được thông tin đầy đủ về các ngành nghề khác nhau trong xã hội.
Gia đình có vai trò rất quan trọng trong định hướng nghề nghiệp cho con em
Cha mẹ với tư cách là nhà giáo dục đầu tiên khởi nguồn cho việc hình thành và phát triển nhân cách, cũng như định hướng nghề nghiệp của trẻ phù hợp với yêu cầu của thời đại, cụ thể là:
1. Cha mẹ phải là những tấm gương về tinh thần tận tụy và có trách nhiệm với công việc trong cuộc sống hằng ngày. Họ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành những phẩm chất nghề nghiệp cho con. Cha mẹ phải luôn cập nhật những kiến thức văn hóa nói chung và xu hướng phát triển nghề nghiệp nói riêng cũng như những tri thức về tâm lý lứa tuổi học sinh THPT. Có như vậy mới có thể giáo dục hướng nghiệp cho con cái một cách có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội.
2. Gia đình phải là một tập thể đoàn kết, nhất trí về mục tiêu và phương pháp giáo dục hướng nghiệp cho con. Việc đánh giá những khả năng, mặt mạnh mặt yếu của từng thành viên gia đình để giáo dục định hướng cho con về phẩm chất, năng lực và sở trường. Trên cơ sở đó có điều kiện để phát huy vai trò của từng thành viên trong gia đình trong việc giúp con nhận ra khả năng của bản thân trong việc lựa chọn nghề trong tương lai.
3. Giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT phải được thể hiện ở việc biết phát huy truyền thống nghề nghiệp của gia đình. Cha mẹ phải giúp con cái có hiểu biết đầy đủ về những nghề truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ để các em có quyền tự hào và có trách nhiệm phát huy những nghề truyền thống đó.
- Xem thêm: Giáo dục – hôm nay và ngày mai
Việc đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT trong gia đình được xem xét trên các phương diện như nhu cầu, sở thích, năng lực và sở trường của các em. Nếu các em thường xuyên tham gia vào hoạt động giúp đỡ công việc nhà thì trong suy nghĩ sẽ dần hình thành một thái độ tích cực đối với lao động. Ngoài ra, cha mẹ thường có ảnh hưởng đến nội dung cuộc sống của con cái vì họ có nhiều kinh nghiệm thực tế, lại gần gũi nhất và hiểu rõ năng lực, sở thích của con cái.
Phát huy vai trò của gia đình trong định hướng nghề nghiệp
Trò chuyện với con rất quan trọng, có tác dụng nâng cao nhận thức về các mối quan hệ trong gia đình và bổn phận, trách nhiệm trong gia đình của con cái; bồi dưỡng tình cảm gia đình cho con, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy con tích cực hành động trong việc góp phần xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Đây chính là cơ sở nhằm cung cấp cho học sinh những hiểu biết liên quan đến nghề nghiệp, thế giới nghề nghiệp, hệ thống trường đào tạo, tìm hiểu những nghề có thể phù hợp với năng lực của con cái.
Cha mẹ cần thường xuyên trao đổi, tâm tình trò chuyện với con, tận dụng mọi cơ hội có thể trao đổi, tiếp xúc, gần gũi con trong khi cùng làm việc nhà, sinh hoạt giải trí, đi chơi hoặc trong những tình huống thích hợp nhằm xây dựng quan hệ gắn bó, giúp con chủ động chia sẻ suy nghĩ của mình. Cha mẹ nên xuất phát từ những mong muốn, từ những tấm gương sáng và kỳ vọng của mình để hướng con cái đến những điều cần thiết phải rèn luyện và học tập ngay từ khi con khôn lớn. Đồng thời, cha mẹ còn phải biết khéo gợi mở để con cái bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm, tâm tư nguyện vọng để có biện pháp điều chỉnh hợp lý. Để làm được điều đó, cha mẹ phải luôn lắng nghe, tôn trọng con và là những tấm gương sáng về mọi mặt, nói đi đôi với làm, tạo niềm tin vững chắc cho con.
Giáo viên chủ nhiệm cũng có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh vì là người hầu như hằng ngày tiếp xúc với các em, biết được rõ khả năng, tính cách, hoàn cảnh của các em, dễ tâm sự với các em, qua đó thiết kế các hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chủ động kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô giáo bộ môn để tăng cường các hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho con em mình, thống nhất với các thầy cô giáo về kế hoạch, nội dung giáo dục, cách học tập ở trường và ở nhà của con, thường xuyên trao đổi thông tin về kết quả học tập và rèn luyện, năng lực và chiều hướng phát triển của con để có biện pháp định hướng nghề nghiệp cho tương lai.
Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm, phối hợp với các lực lượng giáo dục khác như tập thể sư phạm nhà trường, đoàn thanh niên, khu phố, hàng xóm, bạn bè của con để nắm bắt, theo dõi những thay đổi về hành vi, thái độ, suy nghĩ của con trong từng thời điểm và có những biện pháp giúp đỡ con học tập, rèn luyện và tham gia các phong trào hoạt động xã hội ở địa phương, xác định ngành nghề phù hợp.
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng hoạt động giáo dục hướng nghiệp do nhà trường thực hiện và cho rằng học lên cấp THPT thì mới định hướng việc chọn nghề, chọn trường cho con. Quan điểm như vậy là chưa đúng. Giáo dục hướng nghiệp là hoạt động chung của cả tập thể sư phạm và gia đình, xã hội, trong đó là hệ thống biện pháp tâm lý – sư phạm – y học giúp thế hệ trẻ chọn nghề phù hợp với năng lực và sở trường.
Cha mẹ cần dành thời gian tìm hiểu và tham gia các cuộc hội thảo tư vấn nghề nghiệp của nhà trường, của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về yêu cầu, tính chất, đặc điểm và tính đặc thù của ngành nghề mà mình muốn định hướng cho con cái. Đây chính là không gian trực quan về môi trường nghề nghiệp để có thể định hướng chính xác đâu là ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực của con em mình. Những hiểu biết cặn kẽ cùng sự định hướng kịp thời sẽ tạo tiền đề quan trọng để các em xác định hướng đi đúng mà không bị loay hoay, lạc vào những mơ ước viển vông về ngành nghề sẽ học.
Việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp cần làm đồng bộ trong khoảng thời gian dài, từ khi các em có hiểu biết về cuộc sống. Gia đình và nhà trường cùng phát hiện, bồi dưỡng tiềm năng, giúp các em hiểu rõ bản thân, có hiểu biết về các nghề, chuẩn bị tâm lý cho ngành nghề mình lựa chọn, xác định ý thức và thái độ đúng đắn để vươn tới.
Tóm lại, giáo dục hướng nghiệp là một phần quan trọng trong hoạt động giáo dục của trường THPT, góp phần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục – đào tạo của nhà trường và là bước khởi đầu quan trọng của quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Các học sinh có được định hướng nghề nghiệp phù hợp sẽ hướng tới một tương lai vững chắc. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm chăm lo của cả gia đình, nhà trường và xã hội.