Năm 2012 đã đánh dấu sự kiện châu Âu vượt qua Mỹ và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của ViệtNam. Tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt 29,09 tỉ USD (tăng 19,77% so với năm 2011). Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì trong những năm tới, EU sẽ là một trong những thị trường chiến lược cho hàng xuất khẩu của nước ta. Để doanh nghiệp trong nước chủ động hơn trong việc nắm bắt cơ hội và đối phó với các thách thức trong giao thương với các đối tác ở thị trường này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) và Phái đoàn EU đã tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – EU tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 29-5 vừa qua.
EU – đối tác chiến lược của Việt Nam trong những năm tới
EU là một thị trường lớn với 27 quốc gia và 490 triệu dân có thu nhập cao. Tổng kim ngạch ngoại thương của toàn khu vực lên tới gần 2.800 tỉ USD (chiếm gần một phần tư thương mại toàn cầu). Đầu tư ra nước ngoài của EU chiếm 47% FDI toàn cầu và EU nhận lại đầu tư từ bên ngoài khoảng hơn một nửa tỷ lệ đó (27%).
Trong giai đoạn 2002-2012, kim ngạch thương mại Việt Nam – EU tăng từ 4,99 tỉ USD lên 29,1 tỉ USD (5,9 lần). Theo tài liệu “Đề án tổng thể chương trình hành động của Chính phủ về phát triển quan hệ giữa Việt Nam và EU từ năm 2006 đến 2010 và định hướng năm 2015”, mục tiêu kim ngạch song phương năm 2010 đạt 15 tỉ USD, nhưng trên thực tế, đến năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai phía đã đạt được 16,3 tỉ USD. Trong ba tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU cũng đạt trên 6 tỉ USD (tăng 26,18% so với cùng kỳ năm 2012).
Thuế xuất khẩu sản phẩm giày dép vào EU chỉ còn 3,5 – 4% từ ngày 1-1-2014
Hiện nay, giữa Việt Nam và EU hầu như không có sự cạnh tranh về cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da, hóa chất, dược phẩm, sắt thép, phân bón…, còn xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thủy sản, cao su thiên nhiên, than đá, hạt điều…
Tóm lại, EU được kỳ vọng là một thị trường lâu dài và ổn định nên nhiều doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường này luôn mong đợi những hỗ trợ về hành lang pháp lý, nhất là Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences – GSP) mới của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Theo đó, tất cả các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế đáng kể so với hiện tại, chẳng hạn thuế xuất khẩu các mặt hàng giày dép sẽ giảm từ 7,69% xuống 3,5 – 4% (trong giai đoạn 2009-2013, sản phẩm giày dép không những không được hưởng GSP, mà còn phải đóng thuế chống bán phá giá khoảng 10%).
Tuy nhiên, theo ông Jean Jacques Bouflet – Tham tán công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam, chương trình ưu đãi thuế vẫn có những hạn chế. Thứ nhất, GSP là một ưu đãi của Liên minh châu Âu nên EU có thể đơn phương rút bỏưu đãi này. Thứ hai, cứ sau ba năm, EU lại thực hiện một lần tái đánh giá, một số nước có thể không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế nếu nằm trong bốn trường hợp sau: (1) Đạt được ngưỡng trưởng thành khi ba năm liên tiếp có thu nhập trung bình khá trở lên; (2) Có hàng hóa đạt ngưỡng trưởng thành khi tổng hàng hóa xuất khẩu sang EU vượt quá 17,5% tổng hàng hóa cùng loại từ các nước đang hưởng GSP (riêng hàng dệt may là 14,5%); (3) Có hàng dệt may, nông sản, thủy sản vi phạm điều khoản phòng vệ khi tăng từ 13,5% trở lên so với cùng kỳ năm trước đó; (4) Có hàng hóa thuộc danh mục tự vệ khi số lượng hoặc giá cả gây khó khăn cho các nhà sản xuất của Liên minh châu Âu.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, với chương trình GSP mới, một số nhóm hàng có khả năng hưởng ưu đãi ổn định là gỗ và than từ gỗ, nguyên liệu dệt, hàng điện tử… Những nhóm hàng chắc chắn đạt ngưỡng trưởng thành gồm cà phê, chè, gia vị, thủy sản, giày dép, còn nhóm hàng có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành hoặc nằm trong danh mục tự vệ là nhựa, quần áo và hàng may mặc.
Hiệp định FTA – đưa mức thuế suất về 0%
Trước những quy định khắt khe của GSP về “ngưỡng trưởng thành”, ngày càng có nhiều nước đang phát triển không được hưởng ưu đãi thuế nữa khi xuất khẩu một số mặt hàng vào khu vực này, trong đó có Việt Nam. Chương trình GSP mới quy định rất rõ ràng về quy chế trưởng thành và phòng vệ, nhưng lại không nêu quy định cụ thể về việc cho nhà xuất khẩu được hưởng lại GSP sau ngưỡng trưởng thành. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì đây có lẽ là cách để EU loại dần các nước được hưởng nhiều lợi ích từ EU. Vì vậy, Việt Nam và các nước đang phát triển khác cần nhanh chóng ký kết FTA – Hiệp định thương mại tự do song phương với EU để đảm bảo quyền lợi của mình về cán cân thương mại quốc tế.
Cuối tháng 4 vừa qua, phiên đàm phán thứ ba của Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, rào cản kỹ thuật trong thương mại… Theo dự kiến, hai phía sẽ kết thúc các vòng đàm phán FTA để đi đến ký kết vào năm 2014, từ đó Việt Nam và EU sẽ chuyển từ quan hệ hỗ trợ, phụ thuộc sang quan hệ đối tác bình đẳng. Khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tăng mạnh do 90% dòng thuế của các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này sẽ được giảm đến 0%. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thêm cơ hội được EU hỗ trợ công nghệ, đào tạo về kỹ thuật, thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật…
Không tỏ ra quá lạc quan về những lợi ích rõ ràng mà FTA mang lại, ông Đặng Hoàng Hải phân tích cả những thách thức đan xen với cơ hội từ hiệp định thương mại này. Nếu hàng hóa ViệtNamnhập khẩu vào thị trường EU được hưởng thuế suất 0% thì chúng ta cũng phải chấp nhận nhập khẩu hàng hóa đến từ EU với mức thuế rất thấp. Khi đó, thị trường trong nước sẽ có thêm nhiều nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như rượu, mỹ phẩm, ôtô, đồ trang sức, hàng thời trang… Gay go hơn nữa là các doanh nghiệp trong nước luôn lo đối phó với tình trạng cạnh tranh khốc liệt, nhất là trong những ngành sản xuất sử dụng công nghệ hiện đại và các lĩnh vực dịch vụ. Để tăng khả năng cạnh tranh, ông Hải khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước nên chủ động nâng dần chất lượng hàng hóa, đáp ứng cho được các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… Trong định hướng chiến lược xuất nhập khẩu đến 2020, hệ thống doanh nghiệp ViệtNamphải cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển xuất khẩu theo nhu cầu của từng nhóm thị trường cụ thể, trực tiếp xuất khẩu cho khách hàng, giảm thiểu các đại lý trung gian. Để tránh tình trạng hàng hóa được xuất sang thị trường EU mà đối tác không đủ khả năng tài chính, doanh nghiệp nên tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược là các chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn hoặc nhờ Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) kiểm tra số liệu tài chính của các đối tác ở thị trường này.
Thanh Nhã