Tiến vào trận chiến vũ trang với thanh mã tấu, cung tên và túi đựng ống tên được xem là lý tưởng nếu bạn đang ở vào thời Trung cổ.
Nhưng trong Thế chiến thứ hai, những vũ khí như vậy cũng giống như đồ chơi của trẻ con so với công nghệ hiện đại.
Một thanh kiếm không thể nào chống lại súng trường và xe tăng. Tuy nhiên đối với John Malcolm Thorpe Fleming Churchill, biệt danh “Mad Jack” (Jack Cuồng), không có gì tốt hơn cho bằng tự vũ trang với một thanh kiếm “đáng tin cậy” và cung tên.
Trung tá John Malcolm Thorpe Fleming “Jack” Churchill (16-9-1906 đến 8-3-1996) là một sĩ quan người Anh đã chiến đấu trong Thế chiến thứ hai chỉ với thanh kiếm và cung tên.
Chào đời ở Ceylon trong một gia đình đã cư ngụ lâu đời ở hạt Oxfordshire, vùng đông nam nước Anh, ông tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng gia ở Sandhurst năm 1926.
Trước Thế chiến thứ hai, Mad Jack làm biên tập viên cho một tờ báo ở Nairobi, làm người mẫu và diễn viên đóng vai phụ trong phim The Thief of Bagdad (Tên trộm thành Bagdad) do ông tinh thông về bắn tên.
Năng khiếu cung tiễn này đã đưa ông đến Oslo (Na Uy), tại đây ông đã thi bắn tên cho đội tuyển Anh trong giải vô địch thế giới năm 1939.
Hẳn nhiên vào thời gian này, châu Âu đang lao nhanh vào Thế chiến thứ hai. Mad Jack đã rời khỏi quân ngũ sau 10 năm phục vụ, nhưng vui vẻ quay lại bởi lẽ “đất nước đã lâm vào bế tắc vì vắng mặt tôi”. Ông trở lại quân đội sau khi Hitler xâm lăng Ba Lan vào tháng 9-1939.
Tháng 5-1940, Mad Jack là người đứng thứ hai trong một đại đội thuộc bộ tư lệnh bộ binh. Ông luôn luôn đi bộ trong trận chiến với một cây cung và túi tên, kèm theo chiếc túi đựng thanh gươm to bản của dân miền núi Scotland đeo bên hông. Tuy đó là những vũ khí đã lỗi thời, Churchill vẫn ưa thích chúng.
Ông từng nói một câu để đời: “Theo quan niệm của tôi, bất cứ một sĩ quan nào chiến đấu mà không có trang bị kiếm là không thích hợp”.
Tài xạ tiễn
Thanh kiếm thời Trung cổ của ông không chỉ để trang trí. Trong trận đánh Dunkirk năm 1940, với 300.000 quân mắc kẹt trên bờ biển và cần được sơ tán, Churchill đã hạ gục một lính Đức bằng một phát tên: đó là trung sĩ Đức Feldwebel.
Từ đó, ông đã trở thành người lính Anh duy nhất bắn hạ kẻ thù bằng cung tên trong Thế chiến thứ hai. Sau đó, ông chạy xe môtô với túi tên đeo một bên và chiếc mũ của viên hạ sĩ quan Đức treo ở chiếc đèn pha.
Theo con trai ông kể lại, lúc thấy toán lính Đức tiến tới, ông nói với mọi người: “Xem này, tôi sẽ bắn trúng vào tên lính Đức đầu tiên”. Và ông đã làm được điều đó.
Sau trận đánh ở Dunkirk, ông tình nguyện vào đội đặc công. Em trai của ông, Thomas “Tom” Churchill, cũng vào quân đội và lãnh đạo một lữ đoàn đặc công trong thời chiến.
Sau chiến tranh, Thomas viết một quyển sách có nhan đề Chiến dịch Đặc công, kể lại chi tiết những câu chuyện của các anh em ông trong Thế chiến.
Người em trai út của họ, Robert, biệt danh “Buster”, phục vụ trong quân đội Na Uy và bị chết trên chiến trường năm 1942.
Một mình dẫn độ 42 tù binh
Năm 1941, Mad Jack tình nguyện vào Chiến dịch Cung tiễn, tấn công vào một căn cứ của Đức ở Na Uy: ông dẫn hai nhóm quân tấn công và phá hủy hai đội pháo binh Đức trên đảo Maaloy.
Trên chiếc tàu đưa ông tới bờ biển, Churchill đứng ở mũi tàu, chơi kèn túi bản nhạc Khúc quân hành của những người Cameron. Khi họ đổ bộ, ông dẫn đầu đoàn quân với thanh kiếm cầm trên tay.
Thanh kiếm lại hỗ trợ ông hữu hiệu một lần nữa vào năm 1943, khi Mad Jack là sĩ quan chỉ huy ở Salerno, đội quân của ông được điều ra chiến tuyến. Vấn đề là họ chưa được huấn luyện.
Churchill đã cầm gươm dẫn đầu những người lính. Từ trong bóng tối, ông nhảy về phía đám lính canh Đức, kiếm giơ cao, bọn lính Đức quá hoảng sợ trước “quái nhân” và chúng đầu hàng. Ông dẫn độ 42 tù nhân trong đêm với sự trợ giúp của một người bạn duy nhất và thanh kiếm của mình.
Sau này ông kể lại: “Tôi vẫn làm như thế nếu bạn chứng tỏ được với bọn Đức rằng bạn “trên cơ” chúng. Chúng sẽ khóc lóc nói ‘jawohl’ (vâng thưa ngài) và ngoan ngoãn tuân thủ trong mọi tình huống”.
Bị bắt và thoát hiểm
Kế tiếp, Churchill được cử đến Nam Tư, ở đó từ đảo Vis, ông đã tổ chức hàng loạt những cuộc đột kích tấn công quân Đức. Tháng 5-1944, một chiến dịch lớn hơn được tổ chức bao gồm ba cuộc tấn công vào các vị trí riêng biệt trên đỉnh đồi.
Mad Jack dẫn một nhóm tiến lên đồi, đội quân “pha tạp” này gồm 1.500 quân kháng chiến, 43 lính đặc công, cộng thêm 40 lính biệt kích tăng cường.
Quân kháng chiến chỉ đánh cầm chừng ở hậu tuyến. Chỉ có sáu người lính biệt kích và ông đến được mục tiêu. Một khẩu súng cối bắn gục hết sáu người kia, rốt cuộc chỉ còn trơ lại mỗi một mình Churchill.
Jack phát hiện thấy bản thân mình đang ở trong tầm ngắm của địch quân. Ông bèn lấy chiếc kèn túi, và dạo bài Phải chăng em sẽ không trở lại nữa, cho tới khi những trái lựu đạn của bọn Đức hạ gục ông bất tỉnh và ông bị bắt.
Churchill bị tống vào trại tập trung Sachsenhausen sau khi bị thẩm vấn. Bọn Đức tin rằng ông có quan hệ họ hàng với thủ tướng nước Anh Winston Churchill, và xem ông như một tù nhân “xuất chúng” do vai vế của ông.
Đúng như bạn nghĩ, Mad jack không phải là loại người cam lòng ngồi yên trong trại tù. Ông tổ chức vượt ngục vào tháng 9 bằng cách chui qua một đường cống cũ nằm phía dưới hàng dây kẽm gai. Ông và một người bạn bị bắt trở lại không bao lâu sau đó và bị đưa sang một trại giam ở Áo.
Tháng 4-1945, hệ thống đèn chiếu sáng của trại tù ở Áo bị hỏng. Churchill nhân cơ hội này lẻn trốn trong đêm tối.
Ông đi bộ trong tám ngày, vượt qua 150 dặm, sau đó ông chạy về phía những chiếc xe vũ trang của quân đội Mỹ ở Ý.
Ông cố gắng thuyết phục họ rằng ông là một trung tá người Anh mặc dù bộ dạng ông lúc đó vô cùng tơi tả. Ông đã trở về an toàn.
Ước muốn được chiến đấu
Chuyện vẫn chưa hết đối với Mad Jack. Ông thất vọng khi cảm thấy rằng chiến tranh đã ngơi bớt và ông đã quên đi chiến cuộc được một năm rồi. Thay vì quay về nhà, tự ông đăng ký sang Myanmar, nơi cuộc chiến chống Nhật Bản vẫn còn đang sôi sục.
Vào thời gian ông sang Myanmar, Mỹ đã thả những trái bom xuống Nagasaki và Hiroshima; điều này đồng nghĩa là chiến tranh về cơ bản đã kết thúc.
Anh chàng Churchill mất hứng thốt lên: “Nếu không có bọn Mỹ khốn kiếp đó, chúng ta còn có thể chiến đấu thêm 10 năm nữa!”.
Kết thúc chiến tranh không có nghĩa là kết thúc những cuộc phiêu lưu của Churchill. Ông quyết định luyện tập làm lính nhảy dù, và khi đã thành thạo, ông được gửi tới Palestine làm phó chỉ huy Tiểu đoàn 1.
Sau đó, ông trở thành một huấn luyện viên quân đội ở Úc, nơi ông nảy sinh đam mê môn thể thao lướt ván. Ông giải ngũ năm 1959 và đến năm 1996 ông qua đời ở Surrey, thuộc miền Đông Nam nước Anh.
Tháng 3-2014, Câu lạc bộ Những Nhà thám hiểm Hoàng gia Na Uy xuất bản một quyển sách tôn vinh Churchill, gọi ông là một trong những nhà phiêu lưu và thám hiểm xuất sắc nhất mọi thời đại.
Chuyện gia đình
Churchill kết hôn với Rosamund Margaret Denny, con gái của Sir Maurice Edward Denney và là cháu gái của Sir Archibald Denny, vào ngày 8-3-1941. Họ có hai con, Malcolm John Leslie Churchill (sinh ngày 11-11-1942) và Rodney Alistair Gladstone Churchill (sinh ngày 4-7-1947). Jack Churchill không có liên hệ gì với Winston Churchill, thủ tướng nước Anh trong Thế chiến thứ hai.