Đám thanh niên bây giờ ghét nhất là đi với “các cụ”. Đã nói đi du lịch, mọi thứ có dịch vụ sẵn, đi đứng cho nhẹ nhàng văn minh lịch sự.
Thời buổi cái túi du lịch cũng chọn đồ đẹp, ra vào khách sạn, resort đẹp đẽ bóng loáng, đi đứng, mở cái cửa ra vào, đi bằng cửa xoay, vậy mà cha mẹ vẫn cứ đùm đùm gói gói.
Đi lên xe xịn mà nào là cái giỏ đi chợ bằng nhựa đỏ choét, trong nhét nào chuối, măng cụt, có cả con dao thò ra. Không biết lỉnh kỉnh những gì, có cả lọ muối mè, chà bông, chanh ớt. Thì ra là cái thuở đói khổ cái gì cũng thiếu thốn đã ám ảnh.
Bà mẹ nói: sảy nhà ra thất nghiệp. Rồi có lúc cái tăm không có mà xài. Muốn gọt củ quả không có con dao. Đi quá bữa trưa của lũ con nít, cô con dâu nói đã có sữa tươi Vinamilk. Lũ trẻ chỉ việc hút là xong bữa.
Bà mẹ tiếc hùi hụi: tao mà biết đi trưa trời trưa trật thế này thì đã làm cơm nắm, cắt ra ăn với thịt rim mặn, cứ là ngon… quắt tai!
Nhưng các con của bà nói: “Thời buổi này ghé đâu chẳng có quán ăn. Gọi hải sản lại không ngon hơn cơm nắm muối mè hay sao”. Bà mẹ xót ruột: “Một ký ghẹ nó chém cả mấy trăm ngàn”…
- Xem thêm: Giấy tờ các cụ, rắc rối quá!
Những người trẻ tuổi thành đạt, làm ra tiền, đang có lối sống khác. Hằng năm phải đi nghỉ biển, tiêu tiền thoải mái, vì đây là lúc đồng tiền nó hầu lại ta.
Sau nữa, xã hội hiện đại, dịch vụ, người ta hầu mình tới chân răng cũng phải cho người ta sống với chứ. Cứ xem các tiệm ăn, nhà hàng sang họ đãi tiệc thì biết.
Đến nơi, bàn đã đặt trước, có ghi tên, riêng một phòng có người túc trực phục vụ. Hết đá, hết bia là tự động họ giải quyết, đâu phải kêu ời ời như quán bình dân nhộn nhạo. Còn giá cả ư? Có cả tô phở gần triệu đồng cơ mà.
Xã hội đủ các loại hàng, loại người tiêu xài, đừng có thắc mắc. Hãy chọn cái “phân khúc thị trường” hợp với mình. Thế thôi.
Người già thì bị lối sống của quá khứ ảnh hưởng nặng nề. Bây giờ đỡ rồi, chứ ngày trước cái túi cái hộp đựng hàng, ông bà cũng tích trữ, không vứt đi vì nó đẹp quá, nhựa cứng dầy dặn để dùng cũng tốt.
Sau rồi nhiều quá mà không dùng hết, phải vứt bỏ. Người già nghĩ: thế gian này vung phí của trời. Mà xưa ông bà đã dạy: phí của trời mười đời không có. Bà mẹ nghĩ: mọi thứ ta có đều là của trời đất đem lại cả. Vung phí là phí của trời.
Loay hoay thế nào lại đâm ra đúng mới chết chứ. Các nhà khoa học nói loài người đang lấy cạn kiệt của trái đất.
Khoáng sản, tài nguyên đào lên, rừng chặt đi, sông ngòi chết hết, động vật tuyệt chủng. Để phục vụ cho thói tiêu xài của loài người. Cho nên cái lý của người già vẫn đúng.
Người già đi với người trẻ lắm cái không phù hợp. Ông bố sáng sớm đã dậy (có đem theo chai nước trà pha sẵn) nhâm nhi xong, đem sách ra đọc, con cháu vẫn chưa dậy.
Đọc sách chán, ông đem cái bàn cờ bé xíu, chơi một mình. Mấy lần định gõ cửa phòng các con rồi lại không dám. Đã hơn 8 giờ sáng chúng vẫn ngủ im thim thít. Giờ giấc sinh hoạt của ông đảo lộn.
Sáng sớm là ông phải ăn sáng, đọc báo, tưới cây. Đằng này ngồi chóc ngóc trong phòng máy lạnh của khách sạn chẳng biết làm gì, bụng đói meo.
Lũ con ngủ dậy, có đi ăn sáng cũng phải 9 giờ. Đến trưa, ông đói thì chúng vẫn còn no. Ngồi vào bàn ăn, mấy đứa cháu chỉ đòi cơm chiên Dương Châu. Mà mỗi đĩa cơm có chút xíu làm ông nhớ cái nồi cơm điện thoải mái ở nhà. Người già, nói thật, cho đi chơi chỉ… phí của giời.
Bà mẹ nói chẳng đâu sung sướng như ở nhà. Bà còn lấy làm lạ sao thấy nhiều khách nước ngoài, đàn ông bụng phệ, đàn bà tóc bạc, Âu có, Mỹ có, nhiều nhất là người già Nhật, mặc quần lửng, áo thun, bụng đeo cái dây mề gà túi đựng tiền, cứ thế là đi.
Bây giờ Tây balô trẻ đi đâu cũng cầm chai nước suối đã thấy ít xuất hiện trên phố, mà đông người già. Muốn thấy Tây trẻ thì phải ra những con tàu đi câu, đi lặn biển… đứa cháu 9, 10 tuổi hỏi những câu bà không nhớ: bà có biết ông Darwin không?
Ông nghĩ ra thuyết tiến hóa, ban đầu mọi người cười ông, sau đúng y boong. Bà có biết biển chết không? Nó mặn gấp năm lần biển thường.
Nó còn không đồng ý bà cứ ờ, ừ, nhìn bâng quơ chỗ khác. Mà phải nhìn vào cái hình vòi rồng xoáy hoặc hình cô gái nổi trên mặt biển chết, vì không bị chìm.
Con người ngày càng thông minh, các thế hệ sau không biết còn tiến tới đâu. Rồi cũng đến lượt chúng già đi và tụt hậu. Chẳng biết lúc ấy của trời có còn không để nuôi loài người.
- Xem thêm: “Đứa trẻ” già
Nhưng nỗi quan tâm của đám trẻ tất nhiên về việc khác. Họ thương cha mẹ nhưng cũng dễ nổi nóng khi trong sinh hoạt quá khác nhau.
Nề nếp của họ bây giờ phải là cái nhà gọn gàng sạch sẽ, sống nhẹ nhàng thanh lịch, không quá nặng nề về ý nghĩa làng quê. Cha mẹ thì chịu sống trong căn nhà cũ, đủ các đồ tạp nham không chịu vứt đi cái gì.
Đầu giường một tủ thuốc, nhiều thứ quá hạn cũng không biết vì uống làm sao kịp. Nhiều thứ quá. Buổi sớm là lúc ngủ ngon thì ông bà dậy, gây hàng loạt âm thanh khó chịu: ho, khạc, mở máy nước, dập cửa ầm ầm, mở tủ kêu ken két…
Thế mà khi hỏi thằng cháu có cần người già ở trong nhà không, mới lên 10 nó đã biết nói thế này: “Có người già để ta biết mình có thể sống lâu đến đâu”.
“Nếu tính người già khó chịu thì làm sao?”. “Thì ta tha thứ!”. Cha mẹ nó nói: “Như ngày xưa cha mẹ cũng tha thứ cho con cái bao nhiêu tội lỗi đó”…