Vụ án Serguei Skripal đưa cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây lên đỉnh điểm, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Nó dẫn đến việc trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga ra khỏi các nước châu Âu, Mỹ ồ ạt đến mức chưa từng thấy.
Vụ đầu độc điệp viên nhị trùng người Nga là một chương mới trong cuộc đối đầu muôn thuở giữa hai cơ quan tình báo Anh và Nga. Các điệp viên đang quay trở lại trong ngành ngoại giao cũng như trong trí tưởng tượng của các nhà văn.
Anh là một quốc gia tình báo siêu đẳng. Ngay từ thời nữ hoàng Elizabeth I, vị trí đảo quốc và nguồn tài nguyên hạn hẹp đã khiến cho Anh phải xem gián điệp và ngoại giao là những công cụ chính để khống chế thế giới.
Theo lệnh của nữ hoàng Elizabeth I, ngài Francis Walsingham đã lập ra một cơ quan mật vụ và phá vỡ được nhiều âm mưu ở quốc nội cũng như quốc tế.
Nhà văn kiêm nhà thơ Christopher Marlowe là một thành viên trong đó. Jonathan Swift, tác giả quyển Những cuộc phiêu lưu của Gulliver, và Daniel Defoe, tác giả của Robinson Crusoe cũng là điệp viên.
Những kẻ đối lập
Thế kỷ tiếp theo sau, Anh khống chế châu Âu bằng ngoại giao và tình báo theo nguyên lý “chia để trị”. Tranh giành địa vị thống trị thế giới với Pháp, người Anh tài trợ liên tục cho các vụ đầu độc Napoléon, các liên minh chống đối và nổi dậy tại Vendée (Pháp).
Bộ phim truyền hình nhiều tập Sharpe cho thấy người Anh ủng hộ tích cực những người kháng chiến Tây Ban Nha trong các vùng bị Napoléon chiếm đóng.
Là nhân viên tình báo Anh, đại tá Lawrence xứ Ả Rập (Thomas Edward Lawrence) đi vào lịch sử với công trình hủy diệt Đế chế Ottoman bằng cách hỗ trợ cho cách mạng Ả Rập tại bán đảo Ả Rập và vùng Palestine. Điệp viên Anh còn tổ chức ám sát hoàng đế Nga Paul I và Grigori Raspoutine.
Một trong những chính sách lớn của người Anh từ lâu là tiếp nhận mọi kẻ đối lập, vi phạm luật pháp của đất nước mình, “chống đối độc tài”. Bắt đầu là nhà văn Voltaire vào giữa thế kỷ XVIII.
Anh trở thành “hang ổ” của hàng chục ngàn “nhà đối lập” của mọi quốc gia, từ nhà cách mạng người Đức Karl Marx đến thành viên các phong trào Hồi giáo.
Những kẻ đào thoát khỏi Liên Xô và nước Nga tạo ra một thành phần đặc biệt như cựu đại tá tình báo KGB Oleg Gordievski, nhà đối lập Vladimir Boukovski, “thủ lĩnh chiến tranh” Tchetchenie Akhmed Zakaev và nhiều người khác.
Sự hiếu khách của người Anh dựa vào một tính toán thực tế: khi tiếp nhận những kẻ trốn chạy này, London có phương tiện để gây áp lực lên các nước liên quan và cả nhiều quyền lợi cụ thể: đó là những người giàu đáng nghi ngờ đến từ khắp nơi trên thế giới, nhất là nước Nga, mang theo những số tiền khổng lồ.
Các điệp viên cung cấp tin tức, những kẻ lừa đảo mang theo tiền, đủ để bù đắp cho các thiệt hại ngoại giao. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, mới đây cho biết Nga đang chờ đợi Anh cho phép dẫn độ không dưới 40 công dân phạm pháp của mình.
Cũng đừng quên tâm tư của giới lãnh đạo Anh. Họ xem tình báo là một môn thể thao đẳng cấp quốc tế, với “hương vị nguy hiểm” đặc biệt dành cho giới quý tộc lãng mạn. Nó được phản ánh trong văn học, điện ảnh và văn hóa dân gian.
Chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có nhiều nhà văn nổi tiếng trong lãnh vực trinh thám như: Somerset Maugham, Graham Greene, Anthony Burgess, Ian Fleming, John Le Carré, Frederick Forsyth và Arthur Koesler.
Chẳng phải vô cớ mà nước Anh được xem là quốc gia của truyện trinh thám nghẹt thở. Không có quốc gia nào khai thác chuyện tình báo một cách tỉ mỉ và có số lượng đồ sộ như nước Anh.
Danh sách là vô tận và có thể điểm qua những kiệt tác như: 39 bậc cầu thang (Alfred Hitchcock, 1939), Người đàn ông thứ 3 (1949), Điệp viên đến từ vùng đất lạnh (1965), Ipcress, nguy hiểm trước mắt (1965), còn chưa kể loạt phim truyện James Bond 007 và kết thúc với bộ phim bom tấn Kingsman: Mật vụ. Tình yêu trinh thám của người Anh giải thích lý do họ biết rõ công dụng và sử dụng nó vào các mục tiêu chính trị.
Nghệ thuật này “đáng yêu” đến mức giới tinh hoa chính trị của nước Anh chấp nhận các quy luật và nguy cơ của nó đến tận những năm sau này.
Với vụ án Litvinenko và mới nhất là vụ Skripal, giới quý tộc Anh đã mất sự bình tĩnh huyền thoại của mình. Rõ ràng nước Nga đã chọc giận họ đến đỉnh điểm.
Máu mê trinh thám cộng với sự thù ghét người Nga giải thích phần nào cuộc xung đột kéo dài hàng chục năm qua và vượt qua quy ước tình báo thông thường từ lâu.
Sự căm ghét người Nga tại Pháp và Anh xuất hiện sau thời đại Napoléon, khi nước Nga trở thành một cường quốc tại lục địa châu Âu.
Rõ ràng từ những năm 1830, khi người Ba Lan nổi dậy chống đế quốc Nga, sự căm ghét người Nga đã bắt đầu hình thành tại châu Âu. Không phải vì đoàn kết với người Ba Lan, mà chỉ là muốn làm cho Nga yếu đi.
Mối quan hệ Anh – Nga căng thẳng hơn trong vấn đề “phương Đông” trong vụ eo biển Bosphore và Dardanelles dẫn đến cuộc chiến tranh Crimée (1853-1856) mà người ta gọi là “Canh bạc lớn giữa Anh – Nga” vào hậu bán thế kỷ 19.
Trong những năm 1855-1865, Alexandre Herzen và Nikolai Ogarev, dưới sự giám sát của chính quyền Anh, xuất bản những tạp chí Nga chống chính phủ đầu tiên gây ảnh hưởng mạnh trên giới trí thức tự do Nga.
Đầu thế kỷ 20, Anh trở thành nơi trú ngụ chính thức của giới đối lập Nga, đặc biệt là các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa, các nhóm Bolchevik và Mensevik.
Chính tại London đã diễn ra Đại hội II và V (1903, 1907) của đảng Xã hội Dân chủ Nga có sự tham gia của Lenin và Bolchevik được xác định là một phong trào. Phần lớn tài chính của Đại hội V là do các nhà công nghiệp Anh tài trợ. Họ có cảm tình với cách mạng Nga.
Ngoại trừ hai trận Thế chiến, trong đó Anh và Nga là hai đồng minh, chiến tranh gián điệp và thông tin giữa hai quốc gia này chưa bao giờ ngưng lại.
Chỉ cần nhắc lại vụ án Lockhart (1918), chiến dịch Trust và Sidney Reilly, người được mệnh danh là “vua điệp báo” tại Anh, khiến cho Ian Fleming tạo ra nhân vật James Bond.
Lịch sử còn ghi lại trường hợp “ngũ ca Cambridge” huyền thoại được Liên Xô tuyển mộ trong những năm 1930, mà nổi tiếng nhất là Kim Philby.
Đấu đá giữa các cơ quan mật vụ đặc biệt sôi động trong Chiến tranh lạnh, vào khoảng 1946-1991. Tên tuổi các “anh hùng” và những “kẻ phản bội” còn vang dội đến hôm nay.
Vụ án Profumo, tên của Bộ trưởng Quốc phòng Anh, gây chấn động đặc biệt, khiến ông phải từ chức vào năm 1963.
Chuyện cô gái bảo vệ Christine Keeler quan hệ mật thiết với Profumo và một sĩ quan tình báo Liên Xô tên Evgueni Ivanov thu hút công chúng Anh đến mê mệt.
Năm 1971, diễn ra một cuộc trục xuất ngoạn mục các nhà ngoại giao Liên Xô: 105 người phải rời khỏi London.
Khi Liên Xô sụp đổ, hưu chiến chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi. Từ cuối thập niên 1990, xung đột giữa hai cơ quan tình báo bùng phát trở lại dữ dội.
London vừa trở thành nơi trú ẩn của các đại gia Nga, những tên tội phạm kinh tế, các điệp viên đào tẩu và mọi kẻ đối lập với Moscow.
Nổi tiếng nhất là ông trùm Boris Berezovski, chết mờ ám vào năm 2013. Tuy nhiên những kẻ đối lập với Nga tại London, dù được cơ quan tình báo Anh khai thác tích cực, lại trở nên mất kiểm soát và hoạt động theo quy luật riêng của họ.
Chính vì thế, hàng loạt vụ ám sát không giải thích nổi đã vượt ngoài tầm khả năng và lý luận của tình báo cổ điển và có vẻ như nhằm phục vụ lợi ích của một vài thành phần thứ ba nào đó. Định kiến chính trị còn ám ảnh rất lớn.
Rõ ràng người Anh đã trở thành nạn nhân của một hệ thống do chính mình tạo ra. Người Anh liên tục chửi bới và tức tối với cái chết của các ông trùm Nga tỵ nạn bởi chính họ đã tạo ra quy luật của trò chơi tình báo, khiến cho mọi cuộc thanh toán lẫn nhau đều diễn ra ngay trên lãnh thổ của mình.
Điều này không chỉ xảy ra với cộng đồng người Nga tỵ nạn, mà còn với các nhóm Hồi giáo được chính phủ Anh dung nạp với sự trợ giúp của các cơ quan tình báo. Ngày nay họ cũng trở nên mất kiểm soát và thanh toán lẫn nhau ngay trên đất khách.
Vụ án Skripal
Ngày 4-3-2018, cựu điệp viên nhị trùng người Nga Sergueil Skripal và con gái nằm ngất xỉu tại ghế đá công viên Salisbury ở Anh.
Rất nhanh, chính quyền Anh quả quyết họ bị đầu độc bằng một chất hóa học mang tên Novitchok được sản xuất tại Nga.
Xem đây là một âm mưu tấn công hóa học ngay trên lãnh thổ mình, London trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Rồi đến Mỹ và nhiều nước phương Tây khác cũng đồng loạt trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao khác. Moscow trả đũa.
Nga quả quyết chẳng có chứng gì chứng minh họ là thủ phạm và tin đây là âm mưu nhằm bôi nhọ để cô lập Nga của các nước phương Tây.
Trong khi hai nạn nhân đã bình phục, theo trang mạng nhật báo Nga Gazeta.ru, Tổ chức cấm Phổ biến Vũ khí Hóa học tuyên bố vào ngày 18-4-2018 rằng không thể xác định phòng thí nghiệm nào hay quốc gia nào chế tạo ra loại hóa chất gây tội ác nói trên.
Những điều kỳ cục trong thế giới tình báo
Nga và Anh không ngừng rình mò nhau từ lâu. Thế nhưng chỉ là vô ích. Các điệp viên nhị trùng người Anh như Kim Philby và Guy Burgess vẫn thường xuyên than phiền là người Nga xem những thông tin “sống chết” của họ như cỏ rác!
Nhiều tài liệu mà họ chuyển giao cho KGB vẫn chưa được dịch sang tiếng Nga! Trước tiên đó là vấn đề niềm tin. Người ta có thể tuyển mộ một kẻ phản bội, nhưng làm sao tin được hắn?
KGB vẫn luôn nghi ngờ những điệp viên quý giá như Kim Philby là kẻ trá hàng! Ngay cả khi Liên Xô sẵn sàng chi tiền cho một kẻ phản bội, y vẫn bị bỏ rơi. Câu chuyện của Richard Sorge là một điển hình.
Năm 1941, điệp viên Liên Xô này ở Tokyo vẫn thường xuyên thông báo cho Điện Kremlin biết Đức sẽ tấn công Liên Xô.
Ngày 15-5, ông báo trước cuộc tấn công sẽ diễn ra trong khoảng 20-6 đến 22-6. Nhưng thông tin này làm cho ông chủ nước Nga bực bội: Staline vẫn còn là đồng minh của Đức.
Ngày 22-6-1941, Đức tấn công ồ ạt làm cho cả Liên Xô chết điếng. Khrouchtchev và Brejnev không bao giờ tin vào tình báo.
Rodric Braithwaite, cựu đại sứ Anh tại Moscow, trong quyển sách Ngày tận thế và điên khùng, giải thích rằng tình báo chỉ hữu dụng khi phát hiện ra những bí mật chính xác như công thức hóa học của bom nguyên tử. Trái lại, rất khó đoán ý định thực sự của đối phương. Chẳng hạn trong thập niên 1980, cả tình báo Liên Xô lẫn phương Tây đều không biết trước các đối thủ có thể ngồi lại với nhau để kết thúc Chiến tranh lạnh.
Dù sao, ngày nay, phần lớn các bí mật quan trọng có thể nằm ở đâu đó như một trang giấy tư liệu của một trường đại học vô danh hay một trang web tối tăm.
Thế giới tình báo không phải là chiếc tủ sắt trong kho báu, mà là ở đâu đó trong một cửa hàng đồ lạc xon mà chủ nhân nó không hề có danh sách.
Nhà văn trinh thám John Le Carré đã từng viết: “Tình báo cung cấp thông tin không có bao nhiêu giá trị. Nhưng sự hấp dẫn lại nằm ở chỗ hoàn cảnh nó xuất hiện, chứ không phải là nội dung thực chất được tiết lộ”.
Tất cả nằm trong cái bí mật u ám đó. Mọi hành vi có bí ẩn bao quanh đều hấp dẫn công chúng. Chính vì thế các điệp viên đều gây chấn động khi bất ngờ chui ra từ trong lòng đất.