Không biết cái tên cháo tống có ý nghĩa gì, ai đặt tự bao giờ. Chỉ biết rằng cháo tống chỉ có ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà chỉ có vào dịp tết đến xuân về. Cháo tống “cấu tạo” bởi ba thành phần cơ bản: gạo thơm, cá lóc và rau đắng đất. Rau đắng đất ở miền Tây chỉ mùa khô mới có, còn cá lóc không đâu ngon bằng cá lóc miền Tây mùa tát đìa.
Dân miền Tây nói rằng: thịt cá thơm ngon vì cả năm cá rong ruổi ăn no, chóng lớn và tích tụ chất để mùa khô rút xuống đìa nằm ngủ chờ mưa. Rau đắng đất được coi là tinh hoa của đất, mảnh mai, trắng muốt mọc lên từ gốc rạ ngã khô, dù đắng nhưng vị ngọt lại đọng mãi trong cổ họng.
- Xem thêm: Món ngon miền biển Tây Nam bộ
Cá lóc bắt từ dưới đìa lặt vi, rửa sạch, lách lấy thịt cá gói trong lớp giấy bản vùi vào hũ gạo cho cám gạo hút khô nước cá. Đầu, xương và bộ lòng cho vào nồi lớn luộc chín vớt ra, nước luộc cá dùng để nấu cháo, thứ gạo càng thơm càng tốt. Thịt cá lóc xắt mỏng xếp vào đĩa, chuẩn bị thêm ít hạt tiêu, bột ngọt, ớt tươi, nước mắm nhĩ và rau thơm, hành tươi (củ để trần ăn sống, lá thái nhỏ với gừng thái chỉ cho vào cháo lấy mùi thơm).
Trước lúc ăn cháo làm lai rai vài xị đế với đầu, xương và bộ lòng cá luộc. Khi đã ngà ngà, mỗi người một tô lớn, dưới là rau đắng, trên để thịt cá rồi múc cháo đang sôi trên bếp lò đổ vào thêm tí hạt tiêu, bột ngọt, nước mắm, hành sống, ớt tươi, rau thơm… Lấy đũa lật cá từ dưới lên, thịt cá vừa chín tới cuộn cong cong ăn cùng rau đắng, hành trần, rau thơm. Ngọt, bùi, cay, đắng quyện hòa, húp thêm chút cháo nóng toát mồ hôi, rượu uống mấy cũng chẳng say.
- Xem thêm: Cháo lươn
Tết miền cực nam bán đảo Cà Mau, trời nắng chói chang, quần tụ bên nhau chúc mừng năm mới bằng nồi cháo tống “cây nhà lá vườn” vừa giải cảm, giã rượu, lại rất khỏe người.