Từ thời Trung cổ, chuyện người tự bốc cháy đã được ghi chép lại. Chung quy là một người hoàn toàn bình thường đang nằm ngủ thì cả cơ thể bỗng nhiên bốc cháy, cháy đến mức ngay cả xương cũng hóa thành tro.
Không ai phát hiện được nguồn gây cháy. Ngoại trừ quần áo, giường hoặc ghế mà nạn nhân đang dùng, mọi vật xung quanh đều vẫn an toàn. Tại sao lại thế?
1. Thiếu nhân chứng
Năm 1470, tại Ý, chuyện người tự bốc cháy được truyền miệng khắp nơi. Người ta bảo rằng có một hiệp sĩ người Ý tên Polonus Vorstius đã uống vài ly rượu vang trước khi đi ngủ.
Chỉ là vài ly rượu thôi, thế mà cơ thể Vorstius càng lúc càng nóng phừng phừng. Bất ngờ, miệng chàng ợ ra lửa. Trước mặt phụ mẫu nghèo, bất lực vì không biết làm sao để cứu con, cả người Vorstius bốc cháy như ngọn đuốc.
Nhưng phải đến năm 1641, vụ người tự bốc cháy khó hiểu của Vorstius mới được ghi chép vào sách vở. Thomas Bartholin, lang y người Đan Mach, trong cuốn sách liệt kê các trường hợp bệnh trạng kỳ quặc Historiarum Anatomicarum Rariorum đã dành cho Vorstius một trang.
Song Bartholin cũng thừa nhận ông chỉ nghe lỏm câu chuyện này từ các hậu duệ của gia tộc Vorstius. Gần 200 năm đã trôi qua, nào ai biết chuyện Vorstius tự bốc cháy ấy là thật hay là giả.
Theo lý thuyết khoa học thì chuyện một người đang yên đang lành tự dưng bốc cháy là hoàn toàn viễn tưởng. Trên thực tế, muốn hỏa táng một thi thể người, buồng hỏa táng cũng phải đảm bảo nhiệt độ từ 760-980oC.
Và dù đã nóng đến non 1.000oC như thế, đôi khi xác bị hỏa táng vẫn sót lại vài đoạn xương. Nến, diêm hay tàn thuốc, tất cả đều không đủ khả năng để phát ra lượng nhiệt cỡ này. Nhiệt độ cơ thể người bình thường cũng chỉ là 37oC, làm sao chúng ta lại tự bốc cháy cho được.
Hầu hết nạn nhân của các vụ người tự bốc cháy sau này được ghi chép lại đều là phụ nữ cao niên. Họ cũng phải rất béo tốt hoặc ưa uống rượu. Phủ lên tro cốt trong các vụ người tự bốc cháy là một lượng mỡ khá lớn.
Chúng phát ra mùi cực kỳ kinh khủng và dù không ít vụ người tự bốc cháy được báo cáo, không vụ nào lại có nhân chứng đáng tin cậy.
2. Lý thuyết “Người ngọn nến”
Có vài giả thuyết xoay quanh hiện tượng người tự bốc cháy, song thuyết phục nhất chỉ có giả thuyết “Người ngọn nến”.
Theo giả thuyết này, cơ thể người đóng vai trò như cây sáp nến, còn quần áo hoặc thứ gì đó dễ bắt lửa ở gần là bấc nến. Khi “bấc nến” bắt lửa từ tàn thuốc (hay bếp than, lò sưởi), nó bén vào cơ thể, thiêu cháy da, làm tan mỡ.
Chất béo vừa chảy quay ngược trở lại, thấm vào “bấc”, duy trì ngọn lửa. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi “cây sáp người” cháy thành tro.
Trong một số thử nghiệm đốt thịt lợn, người ta nhận thấy lửa được tạo ra theo giả thuyết “Người ngọn nến” thường bốc thẳng lên trần nhà.
Nó cũng cháy rất chậm, tuyệt đối không lan sang ngang nên không hề gây cháy môi trường xung quanh. Giả thuyết “Người ngọn nến” cũng lý giải luôn tại sao lại có mỡ trong tro cốt. Nó chính là lượng mỡ còn dư sau quá trình đốt cháy.
Đôi khi, hiện trường án mạng người tự bốc cháy cũng còn sót lại bàn tay hay bàn chân của nạn nhân. Theo giả thuyết “Người ngọn nến” thì đó là vì tay, chân người ít mỡ hơn phần thân.
Chúng không cung cấp đủ nhiên liệu để sự cháy tiếp tục. Người bị béo phì hay nghiện rượu là dễ bị tự bốc cháy hơn cả. Cho dù là mỡ hay cồn cũng đều là nguyên liệu tuyệt vời để “nuôi” ngọn lửa.
Giả thuyết được biết đến nhiều thứ hai là lập luận của nhà khoa học Anh Brian J. Ford dành cho các trường hợp người tự bốc cháy không bị béo phì hay nghiện rượu.
Ford cho rằng trạng thái chuyển hóa Ketosis (một trạng thái thường thấy trong quá trình ăn kiêng. Vì thiếu glucose để đốt cháy, chuyển thành năng lượng, cơ thể sẽ chuyển sang đốt cháy mỡ thừa) đã làm gia tăng lượng axeton (chất lỏng dễ cháy, không màu) trong cơ thể, dẫn đến tự bốc cháy.
Tất cả các giả thuyết còn lại đều quá sức phi lý, ví dụ như bị sét đánh trúng hay cơ thể có hạt hạ nguyên tử, và hạt hạ nguyên tử này sẽ bùng phát thành ngọn lửa khi ai đó bị căng thẳng đến tột độ.
3. Chuyện người tự bốc cháy trong văn chương
“Điều đầu tiên mà hai gã đàn ông ngồi trong căn hộ ở trung tâm London, chờ lão già nát rượu Krook ở tầng dưới, người đã có hẹn sẽ gặp họ vào lúc nửa đêm, nhận thấy là cái mùi như thể ai đó đang rán thịt ôi.
Muội đen ở đâu cứ bay vào phòng. Một loại mỡ gì đấy có màu vàng vàng rõ bẩn thỉu bay lên cùng với muội, bám vào cửa sổ. Mùi thịt ôi chiên phát ra từ nó.
Qua nửa đêm, không thể đợi thêm được nữa, hai gã bèn xuống cầu thang. Cửa hàng của lão Krook vẫn lộn xộn, bẩn thỉu như mọi ngày, ngổn ngang chai lọ, xương xẩu, thêm cả mớ rác chưa vứt.
Nó khiến người ta khó chịu ngay cả khi bước vào giữa ban ngày. Nhưng đêm nay, họ còn cảm thấy có gì đó gớm giếc hơn nữa. Bên ngoài phòng ngủ của lão Krook, ngay sau cửa hàng, một con mèo bất thần nhảy ra, rít lên.
Bên trong phòng ngủ của của lão Krook, mùi hôi bốc lên tởm lợm. Mỡ màu vàng dính trên các bức tường và trần nhà như thể bị ai đó hất lên. Áo khoác và mũ của lão Krook vẫn nằm yên trên ghế, chai rượu gin thì chễm chệ trên bàn.
Ngoài con mèo đang rít lên nọ, không còn bất cứ dấu hiệu nào của sự sống. Hai gã huơ đèn lồng tìm kiếm xung quanh nhưng không thấy bóng dáng lão Krook đâu.
Thế rồi cả hai nhìn thấy đống tro trên sàn. Họ cứ nhìn chằm chằm rồi bất thần quay ngược lại đằng sau và chạy.
Hai gã cuống cuồng lao ra đường, la hét cầu cứu, nhưng đã quá muộn. Lão Krook không còn một dấu tích. Chắc hẳn lão đã biến thành nạn nhân của một vụ tự bốc cháy”.
Đó là nội dung đoạn trích gây náo loạn của Charles Dickens, đại thụ văn học Anh thế kỷ XIX, trong tiểu thuyết Bleak House. Hầu hết người Anh đều tin đây là chuyện có thật.
Dickens là một nhà văn hiện thực từng miêu tả chính xác các loại bệnh như bệnh đậu mùa, bệnh ngưng thở khi đang ngủ, bệnh lao phổi. Thế nên, dù Krook chỉ là nhân vật hư cấu, người ta vẫn cho sự việc được Dickens miêu tả là người thật việc thật.
Lẽ dĩ nhiên, vẫn có người không bị cuốn vào câu chuyện viễn tưởng này, trong đó có cả bằng hữu của Dickens, triết gia George Lewes.
Mặc dầu rất thân thiết với tác giả của Bleak House, ông vẫn công khai chỉ trích Dickens trên một tạp chí, khẳng định chuyện người tự bốc cháy trong Bleak House là quá sức phi khoa học.
Nhà văn Dickens thì ngược lại, cố bảo vệ “sự thật” trong viễn tưởng nọ. Ông trích dẫn nhiều câu chuyện cũ, thậm chí dựa cả vào những khám phá khoa học thời bây giờ, ví dụ như vì trong cơ thể người có oxy, chất khí tối cần cho lửa, nên chúng ta có thể bị tự bốc cháy.
4. Trong thế giới hiện thực
Án mạng người tự bốc cháy nổi tiếng nhất là vụ hỏa hoạn không rõ nguyên nhân xảy ra năm 1951 tại St. Petersburg, Florida, Mỹ. Nó giết chết một góa phụ 67 tuổi tên Mary Reeser.
Theo báo cáo, Reeser là người khá mập. Bà nặng 77kg, tự bốc cháy thành tro trên chiếc ghế bành. Trần nhà cũng như các bức tường của căn hộ phủ đầy bụi tro nhưng tất cả đồ nội thất đều vẫn nguyên vẹn.
Cass Burgess, thám tử điều tra nguyên nhân cái chết của Reeser tuyên bố không hề có dấu hiệu của ete, dầu hỏa hay napalm, những thứ dễ bốc cháy tại hiện trường.
Tuy nhiên, hơn 50 năm sau, vào năm 2009, chính Jerry Blizin, phóng viên đã từng đưa tin vụ hỏa hoạn của Reeser năm 1951, lại đính chính có nguyên nhân gây cháy. Ông cũng kết luận, vụ hỏa hoạn này có thể không hề bí ẩn chút nào.
Chính xác vào đêm Reeser qua đời, bà bảo với con trai của mình rằng bà sẽ không ăn bữa tối. Sau đó, Reeser uống 2 viên thuốc ngủ rồi lên ghế nằm.
Trước khi rơi vào giấc ngủ, Reeser hút một điếu thuốc. Con trai của bà đã xác nhận điều này. Rất có thể tác dụng của an thần của thuốc ngủ đã khiến bà ngủ thiếp đi trong khi chưa dụi tàn thuốc. Lửa từ tàn thuốc vì thế bén vào quần áo, kế đến là chiếc ghế bành, và cuối cùng là cơ thể Reeser.
Vì nguyên nhân là “tự bốc cháy” nên các vụ người tự bốc cháy đều được đóng vì không có thủ phạm gây án. Chuyện này tất nhiên là hợp lý. Chỉ có điều, nếu tự bốc cháy là hiện tượng tuyệt đối không thể xảy ra thì sao?
Có hai khả năng được đưa ra: một là nạn nhân tự sát, hai là nạn nhân bị giết. Nếu họ tự sát, chúng ta không còn gì để bàn. Nhưng nếu họ bị giết, chẳng phải hung thủ đã chạy tội trót lọt hay sao?
Ít nhất, tòa án Pháp cũng từng thụ lý một trường hợp án mạng người tự bốc cháy. Sự vụ xảy ra vào một buổi tối năm 1725 trong một khách trọ của Pháp.
Sau khi xong việc, chủ quán là ông Jean Millet lên nhà trên đi ngủ. Vợ ông, một phụ nữ khét tiếng nghiện rượu, thì vẫn còn ở trong nhà bếp.
Khoảng 2g sáng, Millet thức giấc vì ngửi thấy mùi lạ. Ông lò dò bước xuống cầu thang, nhìn thấy tro bám khắp nơi.
Trên sàn nhà bếp, lẫn trong đống tro kỳ quặc là vài mảnh xương vụn. Đó cũng chính là những gì còn sót lại từ thân thể người vợ nghiện rượu nặng của Millet. Cũng trong nhà bếp, trừ chỗ vợ Millet gục xuống, mọi đồ vật, bao gồm cả giường rơm và bồn tắm bằng gỗ, đều không hề hấn gì.
Tòa án đưa Millet lên thành nghi phạm số một. Họ kết án ông tội giết người và đưa ra mức phạt cao nhất, tử hình. Ngay sau khi tòa tuyên án, Claude-Nicolas Le Cat, bác sĩ của Millet liền nhảy vào phản bác.
Ông nỗ lực thay đổi phán quyết của tòa án bằng cách lý giải đây chỉ là một vụ tự bốc cháy. Le Cat thành công. Millet được tha bổng.
Suốt từ thế kỷ XVIII-XIX, người châu Âu lo ngại uống nhiều rượu sẽ bị tự bốc cháy. Rượu thường khiến người uống rơi vào trạng thái say mèm, mất nhận thức, thậm chí là bất tỉnh, nên dù có bị tự bốc cháy, nạn nhân cũng không hề nhận thức được.
Đến cả các lang y và nhà khoa học cùng thời cũng tin rượu là một trong các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng người tự bốc cháy. Họ lý giải rằng, sau khi vào dạ dày người, rượu sẽ biến đổi thành chất khí dễ cháy, khiến cơ thể trở thành thứ dễ bắt lửa.
Năm 1799, một bác sĩ của phương Tây còn lập hẳn một danh sách rượu xếp theo thứ tự dễ bốc cháy. Đứng đầu danh sách là rượu gin, tiếp đến là brandy và whisky, cuối cùng là rum. Dầu đúng hay sai, sự hiểu nhầm này cũng đã khởi động một trào lưu tốt đẹp, ngừng uống rượu.
5. Vẫn còn là bí ẩn
Trước năm 1974, tất cả các nạn nhân của hiện tượng người tự bốc cháy đều mất mạng. Còn trong năm 1974, một nạn nhân của nó lại may mắn sống sót. Người đó là nhân viên bán hàng tên Jack Angel.
Hay tin, Larry E. Arnold (người đề xuất giả thuyết hạt hạ nguyên tử trong cơ thể) lập tức đến phỏng vấn và ghi lại chi tiết sự việc. Angel kể lại rằng anh ta thức dậy và nhận ra toàn thân đều bị bỏng.
Một tay của Angel còn bị bỏng nặng đến nỗi phải cưa cụt. Lạ là quần áo của Angel thì vẫn lành nguyên. Arnold bèn lý giải Angel bị bốc cháy từ bên trong. Ông cũng hồ hởi khẳng định Angel là nạn nhân sống sót duy nhất của vụ việc người tự bốc cháy.
Trái với niềm tin của Arnold, nhà văn kiêm nhà nghiên cứu các chủ đề huyền bí Joe Nickell (Mỹ), tác giả cuốn Real–Life X–Files: Investigating the Paranormal lại không nghĩ như vậy. Vốn là người từng thành công lật tẩy trò lừa Bigfoot, ông nhanh chóng bước vào điều tra.
Kết luận của Nickell cho thấy, Angel chỉ đơn giản là bị bỏng nước nóng vì tội táy máy tự sửa máy nước nóng. Trước khi bịa chuyện tự bốc cháy, Angel từng đâm đơn kiện nhà sản xuất máy nước nóng RV nhưng không thành.
Đừng vội cho rằng thật giả đã ngã ngũ tại đây! Năm 2010, tại West Galway, Ireland, một người 76 tuổi tên Michael Faherty được báo cáo là đã qua đời tại nhà riêng. Theo như nội dung điều tra, ông ấy rất có thể là một nạn nhân của hiện tượng người tự bốc cháy.
Tầng dưới và trần nhà xung quanh vị trí Faherty bị cháy thành tro có bị hư hại đôi chút, nhưng hầu hết các phần còn lại của ngôi nhà thì không. Điều tra pháp y cũng cả quyết, lò sưởi của Faherty không phải là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn.
Đứng trước hiện trường khác thường, điều tra viên Ciaran McLoughlin vô cùng bối rối. Ông thậm chí phải lục lọi cả các văn bản y khoa về người tự bốc cháy để xem có sự trùng khớp nào hay không.
Sau mớ tài liệu ghi chép về hiện tượng người tự bốc cháy, McLoughlin còn tìm gặp các chuyên gia để tham khảo ý kiến. Đáng tiếc, ông vẫn không tìm thấy câu trả lời. Giấy chứng tử của Faherty vì thế vẫn để trống ô nguyên nhân dẫn đến cái chết.
“Tôi chỉ có thể nói rằng cái chết của Faherty hình như rất giống với kiểu người tự bốc cháy, chứ không biết giải thích gì hơn”, McLoughlin thừa nhận. Nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn đã lấy mạng Faherty, theo ông, cần phải được tìm hiểu thêm nữa.