Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) dự đoán đến năm 2050 sản xuất lương thực cần phải tăng 50% mới theo kịp tỷ lệ gia tăng dân số trên thế giới, nhưng điều đó không dễ đạt được.
Trong khi đó, một dự án đầy tham vọng – gọi là Dự án Rừng Sahara – được triển khai thử nghiệm với kế hoạch sử dụng nước biển và năng lượng mặt trời để phát triển nông nghiệp. Nhưng liệu dự án này có khả thi về mặt kỹ thuật?
Nông trại nằm giữa sa mạc Jordan
Bên trong nhà kính là dãy những chiếc lá nhỏ xíu của rau tàu bay, xà lách và cải thìa nhô lên khỏi lớp đất cát – mỗi chiếc lá nhỏ như đầu ngón tay.
Chưa hết: một loạt chậu đất trồng hoa loa kèn, quả thanh long, rau thìa là biển và cúc đồng tiền. Những quả dâu tươi điểm xuyết lá xanh.
Rồi đến từng dãy dây leo phủ lên hàng rào kẽm gai với những chiếc lá to như chiếc đĩa ăn cơm – đó là dây leo dưa chuột, rau húng quế và 9 giống cà chua khác nhau.
Blaise Jowett, người đứng đầu nhóm trồng trọt, nói với vẻ khiêm tốn: “Rau húng quế của tôi mọc có lan tràn một chút được trồng để dùng làm xốt pesto”.
Bên ngoài nhà kính, một con lạc đà đang gặm cỏ. Cát màu hồng nhạt trải dài đến dải núi đá ở phía đằng xa. Chỉ có những cây cỏ dày dạn lắm mới mọc được trên mặt đất. Không có nước. Cũng chẳng có cây cối gì cả.
Địa điểm này – nằm giữa sa mạc Jordan chỉ cách biên giới Israel có 1km và cách Biển Đỏ 15km – có lẽ là một trong những nơi không ngờ nhất trên trái đất được sử dụng để xây dựng nông trại.
Nhưng đó cũng là nơi phát triền nông trại một cách hoàn toàn hợp lý. Sylvie Wabbes-Candotti, chuyên gia phục trách tình huống khẩn cấp và phục hồi của FAO, giải thích: “Thách thức là sản xuất ra lượng lương thực với diện tích đất đai giới hạn có thể trồng trọt được – trong khi chúng ta biết rằng rất nhiều diện tích đất đang bị thoái hóa”.
Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với những thách thức toàn cầu khác mà một trong số đó là biến đổi khí hậu. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm Jordan, thách thức to lớn là khan hiếm nước ngọt.
Và cục diện trở nên nghiêm trọng hơn khi từng vấn đề này tác động lẫn nhau. Hiện nay, sản xuất lương thực tiêu thụ khoảng 70% lượng tiêu thụ nước ngọt toàn cầu đồng thời tạo ra 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Do đó, nếu chỉ nhắm đến nhiệm vụ tăng sản lượng lương thực sản xuất mà không thay đổi cách làm sẽ khiến cho vấn đề khí thải và sử dụng nước ngọt càng trở nên tồi tệ.
Hơn nữa, trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng xấu đi kết hợp với thực tế thiếu nước ngọt càng trở nên trầm trọng thì sẽ càng khó khăn hơn để sản xuất lương thực theo cách mà hiện nay chúng ta đang làm.
Joakim Hauge, CEO Quỹ Dự án Rừng Sahara – tổ chức thực hiện dự án Wadi Araba, phát biểu: “Chúng ta không thể xem biến đổi khí hậu như là một thách thức riêng biệt mà nó gắn kết với nước và sản xuất lương thực. Do đó, chúng ta cần xúc tiến những vấn đề này cùng với việc đối phó với biến đổi khí hậu. Câu trả lời cho thách thức là chúng ta phải tận dụng những gì mà chúng ta có đủ để sản xuất ra thứ mà chúng ta cần nhiều hơn”.
- Xem thêm: Nông trại organic độc đáo ở Đà Lạt
Nước ngọt – đó là tài nguyên mà Jordan cần nhiều hơn tất cả. Jordan – quốc gia khan hiếm nước ngọt thuộc hàng thứ 2 thế giới – có chưa tới 150m2 nước trên đầu người mỗi năm (trong khi nước Mỹ có hơn 9.000).
Một phần vấn đề là quốc gia này có ba phần tư diện tích là sa mạc. Vấn đề khác nữa là nông nghiệp.
Hoạt động canh tác chiếm đến phân nửa nguồn cung nước ngọt của Jordan trong khi chỉ đóng góp có 3% cho GDP đất nước. Thứ mà Jordan có là nắng – thậm chí hết sức phong phú.
Trung bình, Jordan có khoảng 330 ngày nắng mỗi năm với trung bình một giờ trên một mét vuông nhận được trong khoảng từ 5 cho đến 7kW năng lượng.
Lượng năng lượng đó đủ để thắp sáng 14 bóng đèn truyền thống liên tục trong 8 giờ, 14 máy giặt với mỗi máy xử lý một mẻ giặt, hay một máy điều hòa không khí hoạt động trong 4 giờ – thứ có lẽ là cần thiết nhất cho Jordan.
Đó là một lý do khiến Cơ quan Thương mại Quốc tế (ITA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ nhận định năng lượng tái tạo là một trong những ngành công nghiệp có triển vọng nhất của Jordan.
Nước biển cũng là nguồn dồi dào ở Jordan. Mặc dù gần như không có biển, với lối ra Địa Trung Hải bị ngăn cách bởi Israel và Liban, song Jordan có 26km đường bờ biển giáp Biển Đỏ.
Đường bờ biển có lẽ không được dài cho lắm – nhưng với phương pháp mà Dự án Rừng Sahara đang thực hiện – có lẽ đó là tất cả những gì họ cần. Ý tưởng của dự án này được đánh giá ở chỗ sự đơn giản của nó.
Năng lượng mặt trời của Jordan giúp tách muối ra khỏi nước biển để từ đó có được nước ngọt dùng để tưới mùa màng.
Thêm vào đó, nước chảy ra sẽ làm mát nhà kính và mùa màng giúp đẩy khí carbon trong khí quyển vào lại đất đai.
Nói tóm lại, cả 3 thách thức trụ cột (sản xuất lương thực, tình trạng khan hiếm nước và năng lượng tái tạo) đều được giải quyết cùng một lúc. Bên cạnh sử dụng tài nguyên một cách bền vững, dự án cũng đem lại lợi ích khác nữa.
Một khi được nhân rộng một cách quy mô và thương mại hóa – nhất là khi phương pháp này được các nông trại khác trong nước ứng dụng – nó có thể đem đến cho Jordan những mặt hàng xuất khẩu có giá trị khác.
Hiện tại, Jordan nhập khẩu 98% lượng thực phẩm. Wabbes-Candotti, người làm việc trên khắp khu vực nhưng không tham gia vào Dự án Rừng Sahara, thừa nhận: “Jordan phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực bởi vì nguồn cung cấp nước ngọt thật sự thiếu thốn. Nếu bạn không thể dựa vào mưa nhưng bạn có được nguồn cung nước đáng tin cậy với nước được khử mặn, và khi đó nếu bạn có đủ vốn và làm chủ được công nghệ… thì bạn có thể tiến hành sản xuất lương thực và thậm chí còn có thể trở thành nước xuất khẩu lương thực nữa”.
Thế nhưng dự án chỉ mới được thực hiện có một năm và cũng chỉ mới được khởi động vào tháng 9-2017. Nhà kính và vùng phụ cận – nơi mà Blaise Jowett đang thử nghiệm trồng các loại cây khác – hiện đang chiếm diện tích bằng 4 sân bóng đá. Đây chỉ mới là giai đoạn thử nghiệm.
Nhưng một khi ý tưởng được chứng minh có hiệu quả, nhóm phát triển sẽ mở rộng mô hình lên 10 hécta vào năm 2020, sau đó tăng lên 20 hécta. Mặc dù vậy, chắc chắn sẽ có nhiều thách thức không nhỏ ở phía trước.
Thậm chí ngay bây giờ, dự án bắt đầu phải đối phó với khó khăn làm sao dùng nước khử mặn để trồng trọt trong môi trường sa mạc khắc nghiệt.
Hứa hẹn của Dự án Rừng Sahara
Kiểm soát nhiệt độ là một trong những yếu tố quan trọng mà dự án đối mặt. Bên trong nhà kính, 3 công nhân đang trồng cây dưa leo non theo dãy thẳng hàng ngay lối với nhiệt độ dao động xung quanh mức 25oC.
Trong điều kiện như thế, những cây mọc gần tường nhà kính nhất sẽ bị quá nóng rồi chết đi cho nên đợt cây tiếp theo phải được di chuyển ra xa hơn.
Cùng với Blaise Jowett và người quản lý cơ sở Frank Utsola, bạn có thể dạo bước quanh phía sau nhà kính đến căn phòng làm mát riêng biệt – không khí dễ chịu hơn thấy rõ sau khi hệ thống được bật lên.
Hệ thống có thể giảm nhiệt độ trong nhà kính khoảng 15oC. Ở một nơi mà những ngày hè nhiệt độ có thể lên tới 45oC, tức là không thể nào chịu nổi đối với thậm chí những cây cỏ có sức sống nhất, thì điều này có ý nghĩa then chốt. Frank Utsola cho biết cách thức vận hành của hệ thống “rất dễ giải thích”.
Nước mặn được bơm vào một đường ống chạy dọc theo phía trên của bức tường hướng ra gió. Bức tường được bao phủ một lớp giống như tấm “chăn” để hút nước xuống; khi gió thổi qua, nước bay hơi, làm mát không khí (nguyên tắc hoạt động của nó cũng giống như treo một chiếc khăn ẩm trong nhà vào ngày nóng).
Đồng thời, muối nặng hơn sẽ bị chặn lại. Thay vì bật những chiếc quạt chạy bằng năng lượng mặt trời, thông thường người ta lợi dụng nguồn gió thổi qua thung lũng từ phía Bắc – một hướng gió mà phòng làm mát được thiết kế để tận dụng tối đa.
Nhiệt độ nóng bức chưa phải là yếu tố duy nhất mà cây trồng phải chống chọi. Vào ban đêm, nhiệt độ có thể xuống đến 7oC.
Vào lúc đó, lượng nước trong các đường ống trên trần nhà vốn được ánh nắng mặt trời làm ấm vào ban ngày sẽ được tận dụng để giúp giữ ấm cây trồng vào ban đêm.
Trong khi đó, các cây trồng trong nhà kính được cung cấp nhiều nước hơn là rễ của chúng có thể hấp thu; phần nước dôi dư chảy ra được tích tụ lại trong những bể chứa ở phía cuối nhà kính.
Blaise Jowett sử dụng lượng nước này để thử nghiệm trên những loài cây bên ngoài trên những khoảng đất được xử lý với các độ mặn khác nhau nhằm mục đích đánh giá xem độ mặn bao nhiêu là chấp nhận được.
Trong tổng số 864 loài cây bên ngoài nhà kính, 49 cá thể đã chết. Một số loại cây được Jowett trồng chỉ để cung cấp dưỡng chất cho đất.
Ngay cả khi nhóm nghiên cứu nắm được làm cách nào trồng trọt trên sa mạc, vẫn còn một trở ngại mà họ vẫn chưa vượt qua được: làm sao vận chuyển nước biển từ Biển Đỏ cách đó 15km một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, nước được xe tải chuyển đến cứ mỗi 2 ngày, nhưng đó không phải là cách làm bền vững nếu dự án mở rộng.
Joakim Hauge chia sẻ: “Để mở rộng quy mô, chúng tôi cần một đường ống nối từ biển để bơm nước vào. Đó là điều mà hiện nay chúng tôi đang cố gắng huy động vốn”.
Vấn đề không phải là đào một con hào. Một lựa chọn là cho đường ống đi theo lộ trình của đường dẫn trị giá 10 tỉ USD đã được lên kế hoạch từ lâu để dẫn nước từ Biển Đỏ đến Biển Chết.
Hoặc là nó có thể đi dưới con đường chính gần nhà kính – gọi là Xa lộ Thung lũng Jordan – nhưng sẽ cắt ngang qua khu vực thuộc nhiều quyền sở hữu – từ chính phủ cho đến tư nhân.
Bất chấp mọi khó khăn phía trước, cả nhóm vẫn lạc quan. Họ đang chuẩn bị một số nghiên cứu để chứng minh đường ống dẫn có thể tạo ra giá trị không chỉ cho Dự án Rừng Sahara ở quy mô thương mại mà còn cho phần còn lại của cộng đồng – chẳng hạn như bằng cách tạo ra việc làm và cơ hội kinh doanh.