Lois Gibson thường xuyên phải đối mặt với những tên tội phạm cực kỳ xảo trá. Trong vai trò nữ họa sĩ pháp y phục vụ cho Sở Cảnh sát Houston (HPD), bang Texas, miền Nam nước Mỹ, tài năng của Lois Gibson đã giúp cảnh sát xác định nhân dạng 751 tên tội phạm đồng thời cung cấp cấp bằng chứng cho hơn 1.000 vụ kết án.
Hiện nay Lois Gibson làm việc ở Học viện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại Texas và tư vấn cho cơ quan phát triển một phần mềm nhận dạng.
Con đường đến với sự nghiệp chống tội phạm
Mỗi ngày, Lois Gibson đều cần mẫn ngồi trước giá vẽ màu đen với mẩu than chì trong tay bên trong một căn phòng của HPD, gặp gỡ những người là nạn nhân của bọn trộm cướp, hung thủ giết người và những tên cưỡng dâm phụ nữ.
Họ cung cấp từng chi tiết có thể nhớ được về nhân dạng hung thủ cho Lois Gibson để xây dựng “bức tranh chân dung” một cách hoàn hảo nhất.
Lois Gibson chú ý từng cái gật đầu của các nạn nhân để thực hiện nét vẽ và cùng trao đổi với họ về đặc tính của hung thủ. Nữ họa sĩ thường đặt một số câu hỏi đơn giản như: “Chúng có biểu hiện như thế nào trên gương mặt?”.
Lois Gibson hoàn thành công việc của mình với niềm đam mê mãnh liệt và thực hiện trung bình khoảng 120 bức chân dung tội phạm trong một năm.
Gibson đến với nghề họa sĩ pháp y từ một biến cố vô cùng khủng khiếp trong cuộc đời. Khi mới trưởng thành, cô gái trẻ Gibson từ vùng quê Kansas tìm đến Los Angeles để nuôi mộng trở thành một diễn viên. Một đêm nọ, một gã đàn ông lân la đến gõ cửa nhà cô, và khi cô mở cửa, hắn tự xưng là một trong những hàng xóm của cô gái trẻ này.
Gã đàn ông này đã bất ngờ đánh đập cô đến bất tỉnh rồi cưỡng bức cô và tiếp tục hành hạ cô đến gần chết. Tuy nhiên vì quá xấu hổ nên cô không dám báo với cảnh sát, tuy nhiên cô vẫn nung nấu trong đầu ý tưởng tìm lại công lý cho bản thân mình.
“Những người ngồi đối diện với tôi đã trải nghiệm một điều khủng khiếp. Tôi phải chiếm được sự tín nhiệm của họ. Vẽ chân dung là một nghề thủ công, nhưng tâm lý và sự nhạy cảm quyết định thành công. Tôi sinh ra ở vùng núi Ozarks. Tôi thích vẽ từ khi chưa biết đi. Tôi bị một gã lạ mặt cưỡng hiếp tại nhà tôi ở Los Angeles. Tôi muốn tự sát, vì hắn đã hủy hoại cuộc đời tôi. Tôi xấu hổ không dám báo cảnh sát…”.
Lúc đó là năm 1972, Lois Gibson chỉ mới 21 tuổi và đang theo đuổi bộ môn diễn xuất và khiêu vũ. Đó là lý do khiến Lois Gbson thấu hiểu nỗi đau khủng khiếp của các nạn nhân bị cưỡng dâm đến với bà hôm nay.
Sau tai nạn, Lois Gibson lập tức rời bỏ Los Angeles và bay đến San Antonio để học khoa Mỹ thuật Đại học Texas.
Cô cũng theo học một trường Nha khoa, và mặc dù việc học không khiến cô thấy hứng thú nhưng nó đã cung cấp cho cô những kiến thức hữu ích về cấu trúc hộp sọ phục vụ cho công việc sau này.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Lois Gibson bắt đầu hành nghề vẽ chân dung cho du khách tại các điểm du lịch.
Sau khi vẽ được khoảng 3.000 bức chân dung, Lois tự tin có đủ kỹ năng cần thiết để hành nghề họa sĩ pháp y.
Lois Gibson tìm đến văn phòng HPD và sau đó nhanh chóng thuyết phục được các sĩ quan nhờ vào chính tài năng tuyệt vời của mình.
Năm 2005, Lois Gibson đã được sách Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là họa sĩ pháp y thành công nhất thế giới. Nhờ những bức vẽ của Gibson mà tòa án buộc tội được hàng loạt tên tội phạm, từ những tên bắt cóc phục nữ cho đến bọn giết người.
Nhiều người cung cấp thông tin cho cảnh sát bắt giữ hung thủ sau khi nhìn thấy những bức vẽ của Gibson trên truyền hình hay trên mặt báo.
Nhưng không chỉ sử dụng tài năng nghệ thuật của bản thân để thay đổi các cuộc đời, Lois Gibson còn có nhiều hoạt động khác.
Gibson thành lập một trường gọi là Viện Nghệ thuật Pháp y và đào tạo trung bình 20 học viên những kỹ năng vẽ chân dung với hy vọng ngày sẽ càng có thêm nhiều họa sĩ pháp y phục vụ cho các sở cảnh sát khắp nước Mỹ.
Gibson còn đào tạo nghệ sĩ pháp y đầu tiên cho Israel tên là Gil Gibli và là đồng tác giả (với Deanie Francis Mills) cuốn sách Faces of Evil (Những Gương mặt Ác quỷ).
Và Gibson cũng xuất hiện trong chương trình truyền hình mang tên “America’s Most Wanted” (Tội phạm truy nã đặc biệt ở Mỹ).
Mặc dù hiện nay tuổi tác đã cao, Lois Gibson vẫn tiếp tục trợ giúp những người khác tìm kiếm công lý.
Trong một cuộc phỏng vấn, Gibson cho biết: “Gần như hầu hết các nhân chứng mà tôi gặp gỡ lúc đầu đều bảo họ không thể nhớ được gì cả hoặc không thể nhớ đủ mọi chi tiết để tạo nên được bức chân dung của thủ phạm. Công việc của tôi là phải tìm cách để họ có thể nhớ ra được những gì mà họ có thể nhớ được và tôi đã làm được. Đó là lúc tôi đang ngồi với những người vừa phải chứng kiến điều tồi tệ nhất trong cuộc đời”.
Cảnh sát trưởng HPD Charles McClelland đánh giá: “Gibson là nghệ sĩ thiên tài. Tôi đã từng chứng kiến những vụ nạn nhân chỉ nhớ được rất ít khi trả lời một loạt câu hỏi của các thám tử, thế nhưng sau khi trò chuyện với Gibson khoảng 4 hay 5 giờ đồng hồ, Gibson có thể vẽ ra được bức chân dung có thể nói là vô cùng chính xác”.
Những thách thức gay go nhất cho nghệ sĩ pháp y
Đối với một số người, Lois Gibson là người có trực giác gần như siêu phàm. Số người khác cho rằng Gibson là nhà tâm linh. Bất chấp được gán danh hiệu gì, Gibson sử dụng tài năng của mình để khai thác thật nhiều chi tiết từ tiềm thức của nạn nhân.
Thậm chí, những nhân chứng không muốn hợp tác cũng không thể làm nản lòng Gibson. Nếu như họ cứ khăng khăng “không nhìn thấy bất cứ điều gì” và nói thẳng là chỉ phí thời gian vô ích, Gibson vẫn kiên trì thuyết phục họ.
Trong một vụ án cưỡng dâm, nhân chứng là người tài xế xe buýt giận dữ ném bức vẽ của Gibson vào sọt rác ngay khi nó vẫn chưa hoàn thành.
Về sau, bức vẽ được một thám tử nhặt lại và nhờ đó mà bắt giữ được kẻ cưỡng dâm. Trong vụ này, người phụ nữ nạn nhân bị mù và đang mang thai 7 tháng. Hung thủ cười cợt nạn nhân và tin rằng cô ta không thể xác định được nhân dạng của hắn.
Thế nhưng, giọng nói của hung thủ được nạn nhân nhận ra từ một số nghi phạm mà cảnh sát tạm giữ đồng thời so sánh với bức vẽ chưa hoàn thành của Gibson và xét nghiệm mẫu ADN thu thập từ hiện trường vụ án cưỡng dâm.
Cuối cùng, kẻ cưỡng dâm bị tống vào tù trước sự ngỡ ngàng của hắn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho Lois Gibson là những nạn nhân trẻ em.
Là mẹ của hai đứa con, Gibson luôn thận trọng hết mức khi thực hiện bức vẽ phác thảo từ nạn nhân trẻ em.
Gibson từng làm việc với bé gái 9 tuổi chứng kiến mẹ mình bị cưỡng bức, tra tấn bằng điếu thuốc lá cháy dở và cuối cùng bị giết chết.
Sau đó, bé gái cũng bị hung thủ cưỡng bức. Gibson cố gắng trò chuyện để có được niềm tin mà đồng ý hợp tác từ bé gái nạn nhân đang hoảng loạn tinh thần.
Cuối cùng, Gibson thuyết phục được bé gái nói ra thời khắc kinh khủng nhất trong đời mình và hung thủ bị bắt giữ sau khi một bác bảo vệ gần khu chung cư của bé gái nhận diện được hung thủ từ bức vẽ của Gibson.
Nhân chứng nhỏ tuổi nhất mà Gibson phỏng vấn là cậu bé chỉ mới lên 4 tuổi ở Ulysses bang Kansas, miền Trung nước Mỹ.
Cậu bé chứng kiến cảnh cha mẹ bị hành hung dã man đến chết. Với sự giúp đỡ từ cậu bé, Gibson phác họa được chân dung kẻ thủ ác gần như chính xác. Hắn chính là kẻ hàng xóm của cậu bé.
Lois Gibson kể: “Cậu bé chỉ biết tiếng Tây Ban Nha. Tôi vẽ rất nhanh và đưa nó xem. Rồi cậu bé chợt thốt lên: Tại sao cô vẽ người đó? Và tôi biết đã thành công. Cảnh sát chỉ cần đi qua bên kia đường là tóm được thủ phạm.
Tôi đã giúp cậu bé tìm ra công lý bằng cách nói với nó: cô muốn vẽ người đàn ông đã làm bố mẹ cháu đau. Làm việc với nhân chứng không khó, chỉ cần nói sao cho họ hiểu ý mình. Tôi thường kể là chính tôi từng suýt bị sát hại cho nên nhờ đó mà nhận được nhiều đồng cảm”.
Lois Gibson cũng làm nên nhiều điều kỳ diệu với xác chết – đó là tái tạo gương mặt từ hài cốt của những xác người vô danh.
Gibson đã chứng tỏ được năng lực kiệt xuất của mình khi tái tạo chân dung nạn nhân chỉ từ phần đầu hay xương sọ của thi thể đã phân hủy. Một trong những vụ án nổi tiếng nhất của Lois Gibson có lẽ là vụ gọi là “Baby Grace” năm 2007.
Gibson được cảnh sát gọi đến thị trấn Galveston miền nam Texas để hợp tác khám nghiệm một xác em bé vô danh phát hiện trong một container hàng hóa.
Lúc đó, Gibson biết nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đang chờ đợi bà. Gibson nhớ lại thi hài đứa bé giống như “con búp bê nhựa nhăn nhúm” có tóc và đeo băng vải màu hồng.
Cuối cùng, Gibson cũng hoàn thành bức vẽ chân dung em bé và thông báo nó trên truyền hình quốc gia.
Ngay lập tức, bà ngoại em bé ở bang Ohio nhận diện được cháu gái 2 tuổi mất tích của mình tên là Riley Ann Sawyer và gọi điện ngay đến cảnh sát. Cuối cùng, cha mẹ của Riley bị buộc tội giết chết chính con ruột của mình và họ bị kết án tù chung thân.
Nhưng may mắn là không phải vụ án nào của Gibson đều kinh khủng. Lois Gibson được mời giảng dạy một khóa học kéo dài một năm tại Trung tâm An ninh Công cộng Đại học Northwestern và bà xuất bản cuốn sách huấn luyện dày 422 trang Forensic Art Essentials (Những điều cốt lõi của Nghệ thuật Pháp y).
Lois Gibson cũng thường tổ chức những buỗi diễn thuyết về nghề nghiệp của bà. Lois Gibson tự tin mình đã “làm công việc tốt đẹp nhất trên thế giới” bởi vì bà đã giúp mang lại công lý cho các nạn nhân và tống những kẻ xấu vào nhà tù.
Mặc dù tuổi tác đã cao song Lois Gibson cho biết bà vẫn chưa có kế hoạch về hưu mà vẫn tiếp tục vẽ chân dung tội phạm cho đến khi nào sức khỏe và trí tuệ còn cho phép.
Theo Gibson, cộng đồng nghệ sĩ pháp y ở Mỹ rất nhỏ, chỉ vào khoảng 20 người mà trong đó chỉ vài người làm việc toàn thời gian.
Lois Gibson chính là người được tôn trọng nhất trong cộng đồng này. Năm 2010, Lois Gibson xuất bản cuốn tự truyện về cuộc đời nghệ sĩ pháp y của mình tựa đề The Times of My Life.