Người xưa có câu “Ăn được ngủ được là tiên”, ý nói điều sung sướng nhất của con người là có sức khỏe tốt. Vì vậy, nhiều người thường tìm đến các sản phẩm quý hiếm như nhân sâm, nhung hươu, yến sào hay các loại thực phẩm chức năng để bổ sung dưỡng chất, giúp cơ thể khỏe mạnh.
Tuy nhiên, PGS Lê Chí Dũng, Trưởng khoa Bệnh học Cơ – Xương – Khớp, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh cho rằng chỉ cần lưu ý đến các thói quen và thường xuyên thực hiện một số động tác thể dục hằng ngày thì sức khỏe của chúng ta đã được cải thiện rất nhiều. Buổi trò chuyện với ông hy vọng sẽ giúp độc giả chủ động và nâng cao hiệu quả trong việc giữ gìn sức khỏe.
Thưa bác sĩ, để có sức khỏe tốt có phải chúng ta nên tránh xa thuốc lá, cà phê, bia rượu?
Không hẳn như vậy. Mỗi sản phẩm đều có những tác dụng tích cực nhất định, chẳng hạn thuốc lá và cà phê giúp đầu óc thư giãn, tăng tính tập trung, giúp cảm xúc dễ thăng hoa. Cà phê còn giúp phòng ngừa bệnh tim mạch, bệnh Parkinson, rượu vang tốt cho tim mạch, một số chất trong bia lại có ích cho việc tiêu hóa… Các sản phẩm này chỉ có hại cho sức khỏe khi dùng quá liều lượng cần thiết.
Cơ thể chúng ta có khả năng biến đổi cấu trúc, chức năng của các tế bào để thích nghi với điều kiện sống, đồng thời hệ miễn dịch luôn hoạt động tích cực để chống lại bệnh tật, trừ trường hợp cơ thể quá suy yếu hoặc mắc các bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch.
Chẳng hạn như với người hút thuốc thường xuyên, các cơ quan như niêm mạc mũi, phế quản… sẽ biến đổi để thích nghi dần, nhờ đó mà các chất độc từ thuốc lá ít có khả năng gây bệnh hơn. Còn với người hút thuốc lá thụ động, tức là ngửi khói thuốc do người khác hút, thì lại không có sự thích nghi nói trên nên rất dễ mắc bệnh ung thư tuyến ở các phế quản nhỏ…
Vậy vì sao phải kêu gọi không hút thuốc, hạn chế rượu bia?
Như tôi đã nói, cơ thể chúng ta chỉ có thể chịu đựng được một liều lượng chất độc nhất định. Quá nhiều chất độc sẽ tàn phá cơ thể nhanh chóng, các tế bào bị thay đổi theo hướng xấu đi và có thể trở thành tế bào ung thư.
Trên thực tế, không có nhiều người sử dụng thuốc lá, rượu bia đúng liều lượng cho phép. Cà phê thì có thể uống mỗi ngày một, hai ly, nhưng rượu bia thì hiếm ai uống đúng một, hai ly mỗi ngày, thuốc lá thì càng hút, liều dùng lại càng tăng.
Theo bác sĩ thì chúng ta nên sử dụng liều lượng các loại chất kích thích như thế nào để tốt cho cơ thể?
Các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới đã đưa ra chỉ dẫn về liều lượng các chất phù hợp với cơ thể, chẳng hạn mỗi ngày nên uống không quá ba ly cà phê, hai ly rượu vang và chỉ một chai hoặc một lon bia.
Theo tôi, đó chỉ là liều lượng tham khảo, còn uống nhiều hay ít là tùy theo thể trạng, điều kiện sức khỏe của mỗi người. Nói thế có vẻ “ba phải” nhưng mỗi cơ thể người là một cỗ máy hoàn chỉnh với hệ gien, thể trạng và sở thích khác nhau.
Hầu hết chúng ta đều có thể cảm nhận được giới hạn cho phép của cơ thể đối với thuốc lá, rượu bia, điều quan trọng là có đủ ý chí để dừng lại khi dùng vừa đủ hay không.
Thói quen ăn uống mỗi ngày cũng là điều được nhiều người quan tâm. Do hoàn cảnh sống và công việc, chúng ta rất khó duy trì được ba bữa ăn trong ngày cân bằng đầy đủ các chất cần thiết. Liệu điều đó có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe?
Ăn uống cân bằng các chất tất nhiên rất tốt cho sức khỏe nhưng không nhất thiết mỗi bữa ăn đều phải có đủ một lượng đạm, đường, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất nhất định.
Hằng ngày chúng ta chỉ cần ăn uống tương đối đều các chất trên cùng rau quả là được. Bên cạnh đó, chúng ta cứ ăn nhiều hơn những món mình thích hoặc cảm thấy thèm (trừ trường hợp phải kiêng cữ do bệnh tiểu đường, gout…), vì đó có thể là tiếng nói của cơ thể khi thiếu chất. Hơn nữa, niềm vui và sự thích thú trong ăn uống cũng là một điều tốt cho sức khỏe.
Hiện nay, các loại thực phẩm độc hại tràn lan và nhiều dịch bệnh cũng đang đe dọa thì ăn theo sở thích có phải là một nguy cơ?
Với các thực phẩm bị nghi ngờ chứa nhiều chất độc hại thì chúng ta cần tránh hoặc hạn chế ăn. Tuy nhiên, tôi cho rằng nỗi ám ảnh các chất độc hại từ thực phẩm còn dễ làm chúng ta mắc các bệnh về tâm lý, tinh thần hơn là ăn phải một ít các chất này.
Bác sĩ cho rằng sức khỏe tinh thần quan trọng hơn cả sức khỏe thể chất?
Đúng vậy! Ăn uống đủ chất, tập luyện thể thao chuyên cần mà tinh thần không khỏe thì bệnh tật sẽ đến “gõ cửa” nhanh chóng.
Nhưng trong thời đại công nghiệp hiện nay, chúng ta rất khó giữ sức khỏe tinh thần, bằng chứng là tyã lệ người bị stress, trầm cảm ngày một tăng…
Muốn có sức khỏe tinh thần thì phải cố gắng tập thói quen nhìn về mặt tích cực của mọi vấn đề. Sống có ích và giúp đỡ cho mọi người không chỉ đem lại niềm vui cho bản thân, mà còn cho những người khác.
Ngoài ra, mỗi người cũng nên có từ hai đến ba niềm đam mê để theo đuổi. Không có đam mê trong công việc, trong cuộc sống thì chúng ta không còn niềm vui trong phấn đấu vươn tới thành công. Nếu chỉ có một đam mê duy nhất thì khi không đạt được sẽ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, khi đạt được lại chỉ vui trong chốc lát, rồi sau đó còn bị hụt hẫng.
Liệu chúng ta có bị rơi vào tình trạng kiệt sức khi “lao” từ đam mê này đến đam mê khác?
Sẽ không thể kiệt sức nếu chú ý một chút đến việc nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian tái tạo năng lượng. Ngồi làm việc liên tục cả ngày thì nguồn năng lượng của trí óc sẽ bị cạn kiệt, tế bào não sẽ bị hư hại.
Nghỉ ngơi không có nghĩa là để thời gian trôi qua vô ích. Não có hàng tỉ tế bào thần kinh, cả đời chúng ta cũng không sử dụng hết. Hoạt động về trí não càng tốt khi kích thích được càng nhiều tế bào thần kinh làm việc. Sau khi làm việc về một lĩnh vực, chẳng hạn tính toán khoảng hai, ba giờ, chúng ta nên chuyển sang lĩnh vực khác như âm nhạc, văn chương để nhóm các tế bào thần kinh phụ trách về năng lực tư duy logic được nghỉ ngơi, phục hồi, đồng thời kích hoạt được nhiều nhóm tế bào thần kinh khác phụ trách về tư duy nghệ thuật, tư duy ngôn ngữ… làm việc.
Cơ xương khớp có cần thời gian phục hồi như trí não không, thưa bác sĩ?
Có chứ! Những người ngồi làm việc nhiều thì các cơ quanh cột sống phải hoạt động để giữ cột sống, tạo ra các chất thải, dần dần dẫn đến hiện tượng mỏi hay đau nhức, về lâu dài sẽ bị thoái hóa, hư hỏng. Ngồi lâu ở một tư thế cũng gây quá sức chịu đựng đối với xương khớp, làm máu lưu thông không đều đến các cơ quan trên khắp cơ thể.
Vì vậy, những người trẻ cần nghỉ ngơi sau khoảng hai giờ ngồi làm việc liên tục, người từ 50 tuổi trở lên thì sau khoảng một giờ. Chỉ cần vài phút đi lại, thư giãn, trò chuyện vui vẻ, tập các động tác nhẹ nhàng như xoay người, cúi gập người trên ghế cũng đủ để thải bớt các chất bã, thư giãn xương khớp, tăng tuần hoàn máu.
Xương khớp của người làm việc văn phòng thường không khỏe do ít có cơ hội hấp thụ vitamin D từ ánh sáng mặt trời và cũng hạn chế về thời gian vận động, tập thể dục thể thao. Liệu uống các loại sữa bổ sung canxi được quảng cáo nhiều trên các phương tiện truyền thông có giúp cải thiện được sức khỏe xương?
Câu hỏi này có hai vấn đề cần làm rõ như sau:
Thứ nhất là việc uống các loại sữa bổ sung canxi không mang lại hiệu quả như mong đợi vì nhiều người chưa hiểu rõ về quy trình tái tạo xương. Cơ thể muốn tạo xương thì trước hết cần tạo ra xương non từ nhiều chất hữu cơ mà chủ yếu là đạm, đường và vitamin C. Xương non nhờ lắng đọng chất vô cơ mà chủ yếu là canxi và phốt pho để tạo xương chắc khỏe hơn. Như vậy, nếu không có xương non thì lượng canxi đổ vào cơ thể cũng chẳng có tác dụng gì, thậm chí có thể gây bệnh cho thận, bàng quang.
Nguồn cung cấp canxi không chỉ có trong sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…) mà còn có trong các loại rau màu xanh lục, đường nâu, tôm cua, hải sản… Tất cả các loại sữa đều có canxi, từ sữa đặc có đường đến sữa tươi, sữa bột, không nhất thiết phải chọn các loại sữa được quảng cáo thái quá.
Cần lưu ý là việc cung cấp canxi cho cơ thể phải lâu dài để cơ thể duy trì men tiêu hóa sữa nên cần duy trì thói quen uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa trong tất cả các giai đoạn cuộc đời. Nếu chỉ khi về già mới uống nhiều sữa thì vừa không hấp thu được nhiều, vừa dễ bị tiêu chảy do thiếu loại men này.
Thứ hai, hệ cơ – xương – khớp chắc, khỏe nhất nếu chúng ta rèn luyện các môn thể dục thể thao từ nhỏ. Còn việc tập các động tác thể dục vào buổi sáng thường không tốn nhiều thời gian, công sức mà rất tốt cho sức khỏe. Vấn đề là chúng ta có duy trì được thói quen đó hay không.
Vì sao chúng ta nên tập thể dục vào buổi sáng, thưa bác sĩ?
Tập thể dục vào lúc nào trong ngày cũng tốt cả, nhưng buổi sáng là tốt nhất vì cơ thể sau một đêm hầu như không hoạt động thì cần khởi động lại trước một ngày mới và tăng sự thích nghi với ngày dài làm việc.
Xin bác sĩ hướng dẫn một số động tác thể dục nên tập vào buổi sáng?
Chỉ cần tập hít thở, thả lỏng cơ lẫn tâm trí và tập vận động tất cả các khớp khoảng 30 phút là tốt. Nếu bận rộn quá thì cố gắng duy trì việc tập thể dục buổi sáng từ 10-15 phút và tranh thủ tập các động tác nhẹ nhàng, dưỡng sinh giữa giờ làm việc.
Tập hít sâu và thở ra đều đặn nhằm tăng lượng oxy trong máu, tăng sự co bóp của tim để thúc đẩy tuần hoàn máu.
Thả lỏng tâm trí trong một khoảng thời gian nhất định, cố gắng không suy nghĩ đến công việc, đến những điều phức tạp là một cách luyện tập tinh thần, giảm nguy cơ stress.
Tập các khớp có thể lắc quay được như quay đầu quanh cổ, quay hoặc phẩy tay, xoay mình nhẹ nhàng. Các động tác này phù hợp với mọi lứa tuổi, nhưng những người lớn tuổi chỉ nên thực hiện chậm rãi, nhẹ nhàng.
Xin cảm ơn bác sĩ về những hướng dẫn trên!