Tại đất nước Trung Quốc khao khát hiện đại hóa, nhiều di sản có nguy cơ bị xóa sổ. Một doanh nhân giàu có, hay làm việc thiện, không tiếc tiền của và công sức để dời chuyển rừng hòng cứu hàng vạn cổ thụ và hàng chục ngôi nhà cổ thời Minh khỏi bị dìm trong nước của một đập thủy điện. Một dự án vĩ đại kéo dài suốt 16 năm.
Một kế hoạch di dời không tưởng
Một cây cổ thụ đứng oai phong và lộng lẫy giữa một bãi cỏ rộng xanh rờn, với dây băng đỏ cột quanh thân ở gần gốc cây. Phải bảy người dang tay mối ôm trọn thân cây vĩ đại.
Cây long não hơn 1.000 năm tuổi ấy, được mệnh danh là “cây vua”, trước đây cây vươn cao trên đất Giang Tây, cách nơi này 800km, đã trải qua nhiều triều đại lớn.
Thế nhưng “cây vua” và các đồng loại có nguy cơ bị biến mất theo một dự án đập thủy điện do chính phủ Trung Quốc thông qua vào năm 2002.
Số phận của cây long não ấy, cùng với hơn 10.000 cây khác, đã rẽ sang một hướng khác: được trồng lại trong một khu nghỉ mát sang trọng ở vùng phụ cận Thượng Hải.
Thật là điều kỳ diệu khi cây vẫn sống sau khi bị đào lên và trải qua một chuyến đi dài. Cây ấy được xem là biểu trưng cho sự tồn tại khó tin tại Trung Quốc, khi hàng vạn hécta rừng và nhiều làng mạc cổ xưa biến mất mỗi năm dười sự tấn công khốc liệt của xu hướng hiện đại hóa, đập thủy điện, thành phố mới và cao ốc.
50 dinh thự của các thương gia giàu có và quan lại thời phong kiến cùng vùng cũng thoát khỏi số phận bị nhấn chìm bằng cách tháo dỡ từng viên gạch, từng viên ngói, rồi được lưu trữ nhiều năm, trước khi được dùng để xây những biệt thự sang trọng, dưới sự quản lý của Tập đoàn khách sạn Aman rất được ưa chuộng bởi các ngôi sao điện ảnh hay những người thích sự độc đáo.
Thế ai đúng sau chiến dịch giải cứu vĩ đại trên? Chỉ một người: Madong, 44 tuổi. Khởi đầu câu chuyện này, vào năm 2002, nhà triệu phú khẳng định ông sẵn sàng lao xuống nước, không suy nghĩ, cũng chẳng dự đoán tương lai.
Ông giải thích: “Lúc còn nhỏ, tôi từng cứu những trẻ sắp chết đuối do tôi bơi giỏi. Giờ cũng vậy, tôi cứu những cây này. Đó như một phản xạ, một bản năng”.
Madong vừa tròn 28 tuổi khi về thăm cha mẹ ở Phủ Châu, thủ phủ tỉnh Giang Tây. Ông xa quê vài năm trước đó. Rồi ông hay tin dự án xây dựng đập và hồ trữ nước sẽ nhấn chìm làng mạc và rừng.
Công trình trên thuộc dự án lớn lao, nhằm phục vụ tươi tiêu trong vùng. Hàng chục cây to đã bị đốn, cưa khúc, nằm dọc các con đường. Người dân hy vọng bán gỗ, kiếm được chút tiền.
Madong thổ lộ: “Tôi cảm thấy buồn vô hạn, cả đau đớn”. Không có vấn đề sinh thái hay kinh doanh gì trong đầu ông lúc ấy, ông chỉ cảm thấy đó là việc phải làm, như một nhiệm vụ.
- Xem thêm: Marie Diouf: “Nữ hoàng muối” của Senegal
Madong lớn lên trong thành phố hơn 3 triệu dân này. Xuất thân nghèo khó, rồi nhanh chóng đạt thành công nhờ quảng cáo và kinh doanh bất động sản, tích lũy một tài sản nho nhỏ.
Nhưng để cứu một phần khiêm tốn của di sản, ông sẽ phải hiến toàn bộ 16 năm sắp tới của đời mình. Một dự án xem ra phi lý, ứng biến theo từng giai đoạn, thế nhưng Madong lại không có kinh nghiệm gì, chỉ có nhiệt tình. Một con đường đầy chướng ngại, tiêu tốn một phần lớn vốn và thời gian, cả ngày lẫn đêm.
Madong giải thích: “Việc “di lâm” này uớc tính phải mất 16 năm ròng rã, cũng chẳng đem lại cho tôi xu nào. Tôi phải làm việc trong sự hoài nghi bản thân và của người chung quanh. Nhiều người can ngăn tôi, khuyên tôi từ bỏ việc “đội đá vá trời” ấy. Thời gian gần đây, tôi cũng nhìn lại mình, nhận ra rằng tôi không hề biết gì về công trình mà tôi dấn thân”.
Thế nhưng vào năm 2002 ấy, dù sự hoài nghi của các chuyên viên địa phương, Madong vẫn tổ chức dời chuyển nhiều ngàn cây bị nguy cơ nước nhấn chìm về vùng đất rộng ở phía Nam Thượng Hải, cách đó gần 800km, một vùng ngoại ô san sát các cánh đồng.
Phong trào đô thị hóa hỗn loạn chưa vươn tới vùng đất này. Khí hậu vùng này tương tự ở Giang Tây, hẳn thích hợp với cây long não, nhưng chưa ai hình dung một công trường lạ lùng như vậy. Kết cục lại rất bấp bênh.
Madong kể: “Khi tôi hỏi ý kiến các chuyên viên (tổng cộng 7 người), tất cả đều cho rằng cơ may sống sót của “King tree” chưa đến 10%. Không chỉ “Cây vua”, những cây cùng độ tuổi khó chịu đựng chấn thương mà tôi sắp gây ra cho chúng. Tôi đành phải thử thôi. Chẳng có gì để mất, ngoài thời gian và tiền bạc. Tôi không phải kỹ sư hay kiến trúc sư. Khi ta không biết gì, ta chẳng sợ gì cả”.
Một cuộc sống mới cho cây và nhà cổ
Cây đồ sộ nhất nặng khoảng 80 tấn, với cành và rễ tua tủa, không thể chở đi nếu để nguyên tình trạng như thế. Vì vậy, các cây long não phải được tỉa nhánh, tỉa bớt rễ để đưa lên toa kéo của xe tải lớn.
Riêng “cây vua” phải theo một chế độ “làm gầy” khắc nghiệt để trở nên nhẹ hơn, trọng lượng còn khoảng 30 tấn.
Để mở đường cho việc dời rừng, các công trình đắp đường được tiến hành trên suốt 800km hành trình, gồm cả mở đường mới, xới sâu đường dưới cầu để xe có thể đi qua và cả trả chi phí để dời một phần trạm thu phí trên xa lộ.
Thách đố lớn nhất là cuộc chay đua với thời gian: cần hạn chế hết mức khoảng thời gian giữa lúc bứng gốc và trồng lại. Phần còn lại của cành bị cưa được bảo vệ bằng những băng vải đay như người bị thương được băng bó.
Đoàn cây lên đường, tháng này sang tháng khác, bất kể thời tiết, dù mưa như thác đổ, sa lầy, hàng hóa bị lật… Khí tượng như thách thức nhóm phụ trách, nhiều lần họ phải cầu cứu các cần cẩu đồ sộ, được trang bị những “cánh tay” dài.
Theo cuộc hành trình là hàng chục tấn đất ở Giang Tây, chứa trong một guồng xe tải, để làm tăng tối đa cơ may thuần dưỡng cho cây. Đất sẽ được pha trộn, theo tỷ lệ 70%, ở đất mới.
Các cây long não sẽ được trồng lại theo hướng như ở nơi cũ, được tưới và được canh gác chu đáo. Madong đến thăm “cây vua” mỗi ngày và thì thầm nói chuyện với cây. Vài tháng sau, lá bắt đầu mọc.
- Xem thêm: Người giàu nhất thế giới làm từ thiện
Các nhà thực vật học uy tín ở Thượng Hải đến tận nơi quan sát, họ rất bất ngờ, điều tưởng là không thể đã xảy ra. Tổng cộng, 80% cây được trồng lại đã sống.
Cùng lúc ấy, tại thành phố quê hương của Madong, 50 ngôi nhà cổ được xác định giá trị, một số hầu như đổ nát, những nhà khác là nơi cư ngụ của những gia đình không có điều kiện tìm chỗ trú ở nơi khác và chờ bị trục xuất.
Những nơi ở chẳng có chút tiện nghi nào và không thích ứng với cuộc sống hiện nay. Phòng không cửa sổ, sáng lờ mờ nhờ những vuông sân trong nhỏ.
Những ngôi nhà ấy được xây dựng cách nay 500 năm hay 600 năm, vào thời đại mà người ta hiếm khi ở trong nhà, chỉ về nhà để ngủ hay khi cần chỗ ẩn thân. Những ngôi nhà ấy cũng sắp bị nhấn chìm và không ai quan tâm cứu chúng.
Madong bị sốc vì sự bỏ mặc ấy, trong khi ở Thượng Hải, nơi ông lưu trú kể từ năm 2000, kiểu kiến trúc thuộc địa thế kỷ 19 rất được quan tâm.
Madong bỏ thời gian thăm viếng chốn hoang phế ấy, lịch sử của những thế hệ nối tiếp nhau sống nơi đây như lướt qua mắt ông, như ông đọc một cuốn sách. Ông cảm thấy kiến thức của mình phong phú lên rất nhiều.
Nhờ những thợ thủ công địa phương, được truyền đạt những kỹ năng tinh xảo thời cổ, những công trình này có thể được tháo dỡ mà không gây thiệt hại.
Ở nhà xưa này, đinh không được sử dụng trong lắp ráp sườn nhà hay khung cửa gỗ. Tất cả được lồng, cài với nhau, ăn khớp một cách chính xác, đòi hỏi kiến thức và sự tinh xảo.
Các bó xà, các cột và các bảng điêu khắc, các đống gạch và chồng ngói, cửa… đều được ghi chú và cột bằng dây đai trên bệ nâng. Các yếu tố nhỏ nhất đều được đánh dấu.
Tất cả được chuyển đến một xưởng trước đây sản xuất máy điều hòa không khí, gần Thượng Hải, xưởng cũ này biến thành kho trữ vật liệu xây dựng xưa. Lúc ấy là năm 2005. Phải làm việc cật lực trong hai năm ròng rã để di dời nhà và thực vật.
Đống gạch ngói và cây to ấy sẽ dùng để làm gì? Lại phải mất nhiều tháng suy nghĩ, tìm tòi, chịu áp lực và căng thẳng tưởng chừng tìm ra lối thoát rồi lại lâm vào ngõ cụt.
Madong kể: “Tôi hình dung sẽ xây một bảo tàng, một làng nghệ sĩ từ những ngôi nhà cổ trên. Rồi tôi lại nghĩ hay là xây khách sạn, như là Hilton, Four Seasons, Banyan Tree, những thương hiệu uy tín. Nhưng chẳng cái nào đi đến đích”.
Rốt cuộc, Madong quyết định xây tư dinh, như một ngôi nhà chứng nhân, thử nghiệm những cách bài trí mới theo những chuẩn mực của thế kỷ 21. Ở đây, Madong đối mặt với các kiến trúc sư, họ không hiểu ý ông, muốn ông xây lại theo kiểu cũ.
10 thợ thủ công làm việc trong một xưởng được thay đổi chức năng mà Madong thuê. Những thợ này được tuyển ở Tứ Xuyên, là những người cuối cùng nắm giữ kỹ thuật làm nhà của người xưa.
Họ phục chế từng yếu tố một dành cho biệt thư đầu tiên, được xây dựng giữa một vườn cây long não, tre khổng lồ và hồ cảnh.
Một “vườn địa đàng” được hoàn tất vào năm 2009, là nơi Madong đặt văn phòng (ông không cư ngụ ở đây), được bài trí bàn ghế và vật trang trí của thời xa xưa, chẳng hạn con ngựa bằng sứ thế kỷ 6, hay viên gạch khối xuất xứ từ Vạn Lý Trường Thành, niên đại 1369.
Khung cảnh cổ kính hiếm có ấy đã thu hút sụ chú ý của ban điều hành Tập đoàn khách sạn Aman. Tập đoàn uy tín này vừa khai trương một khách sạn hoành tráng, vào năm 2008, trong khuôn viên Cung điện mùa hè ở Bắc Kinh, và tìm một địa điểm thích hợp ở Thượng Hải. Aman sẽ là người điều hành hoạt động, còn Madong là chủ nhân khu đất sẽ xây khách sạn tương lai.
Một resort sang trọng, được khởi sự thi công vào năm 2013, dự định khai trương vào cuối năm 2017, nhưng bị chậm, điều thường thấy ở những công trình đồ sộ.
Khu đất mênh mông 40 hécta này mang tên Amanyangyun, gồm 26 biệt thự, với kích cỡ khác nhau, được tái xây dựng từ gạch tháo dỡ, cho chúng một cuộc sống thứ hai.
Bài trí nội thất tôn trọng những yếu tố gốc và nguyên tắc phong thủy, được thiết kế bởi kiến trúc sư Kerry Hill ở Australia. Tiện nghi khó nơi nào sánh bằng.
Giá một đêm là 12.000 euro tại biệt thự lớn nhất. Còn các triệu phú cũng có thể trở thành sở hữu chủ của một trong số 13 biệt thự đang được rao bán, với giá từ 30 triệu USD.