Âm nhạc là một phần của cuộc sống hàng ngày, dù ở nhà hay ra ngoài với ống nghe gắn vào hai bên tai hoặc ngay cả trong những lúc tiệc tùng, lễ hội, dạ vũ… Các nghiên cứu khoa học về âm nhạc đã phát hiện nhiều lợi ích của âm nhạc cả về thể chất lẫn tinh thần.
1. Âm nhạc kích hoạt bộ nhớ của chúng ta
Thử hỏi ai chưa từng có ký ức trong đầu mình khi nghe lại một bài hát xưa cũ? Hai nhà nghiên cứu người Úc Bill Thompson và Amee Baird giải thích trong một bài viết đăng trong tập san The Conversation: “Âm nhạc có vai trò như một chất siêu kích thích. Nó kích thích nhiều khu vực rộng lớn của não bộ, kể cả những khu vực điều khiển động tác, cảm xúc và trí nhớ”. Các nhà khoa học thậm chí còn khẳng định rằng để gợi lại những kỷ niệm cá nhân, âm nhạc còn có tác dụng mạnh mẽ hơn cả các bức ảnh!
Rộng hơn, có vẻ như việc theo học các khóa học âm nhạc là rất tốt cho trí nhớ của chúng ta. Một nghiên cứu được các nhà khoa học Hong Kong thực hiện vào năm 2013 đã chứng minh những người trẻ đã qua khóa đào tạo âm nhạc có khả năng nhớ những từ học trong danh mục tốt hơn những người không quá khóa học âm nhạc. Cũng theo các nhà khoa học này: “Thời gian học âm nhạc thời thơ ấu càng dài, trí nhớ càng tốt, nhất là trí nhớ âm thanh và lời nói”.
2. Âm nhạc cải thiện thành tích thể thao
Âm nhạc khuyến thích chúng ta vượt qua chính mình. Bạn có thói quen chạy bộ với 2 ống nghe nhạc gắn vào tai? Đây là điều tốt vì theo các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Ursinus, Pennsylvania (Hoa Kỳ), âm nhạc giúp chúng ta cải thiện thành tích thể thao. Các nhà khoa học thực hiện thí nghiệm sau: 3 nhóm người từ 9 đến 80 tuổi đạp xe tại chỗ trong nhà trong vòng 2 phút để xem ai đạp nhanh nhất. Trong lúc đạp xe, nhóm 1 không nghe nhạc, nhóm 2 nghe nhạc nhẹ và nhóm 3 nghe nhạc techno (có tiết tấu nhanh).
Kết quả ghi nhận được như sau: tốc độ trung bình của nhóm 1 là 1,2km, nhóm 2 là 1,57km và nhóm 3 là 1,62km. Thí nghiệm này cũng có kết quả tương tự như đối với 3 nhóm chạy bộ, cho thấy chúng ta có khuynh hướng đạp xe và chạy bộ nhanh hơn khi tiết tấu âm nhạc nhanh hơn.
3. Âm nhạc cho bạn cảm giác dễ chịu, thoải mái hơn khi bị bệnh
Từ lâu, âm nhạc được xem là có tác dụng trị liệu. Liệu pháp âm nhạc (musicothérapie) cũng ngày càng được ứng dụng trong lĩnh vực y khoa. Âm nhạc làm giảm lo âu nơi các bệnh nhân ung thư. Ở người cao tuổi, âm nhạc giúp chống lại sự suy giảm của trí nhớ. Âm nhạc cũng được đặc biệt sử dụng như một liệu pháp bổ sung trong điều trị bệnh Parkinson. Hai nhà khoa học Bill Thompson và Amee Baird cho biết:”Nơi những bệnh nhân Alzheimer, các bài hát quen thuộc có thể kích hoạt hoạt động vùng trán của não bộ là vùng không bị thương tổn bởi những rối loạn do bệnh Alzheimer gây ra”.
Theo Viện Sức khỏe và Y tế quốc gia Pháp (INSERM), âm nhạc thậm chí còn có thể giúp trẻ em vượt qua được chứng rối loạn đọc (dyslexie). Sau khi được chữa trị bằng liệu pháp âm nhạc “60% nhóm trẻ em của nhóm ‘nghe nhạc’ đã cải thiện kỹ năng đọc một cách rõ rệt”. Liệu pháp âm nhạc hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.
4. Âm nhạc ảnh hưởng đến việc lựa chọn bữa ăn của chúng ta
Tùy thuộc vào âm lượng của nhạc nền, chúng ta sẽ không gọi cùng một món tại nhà hàng. Điều này đã được khẳng định bởi một nghiên cứu do nhà khoa học Hoa Kỳ, Dipayan Biswas, thuộc Trường Đại học Kinh doanh Muma, Nam Florida, chịu trách nhiệm hướng dẫn. Khi nhạc nền trong nhà hàng mạnh hơn, số lượng thực khác gọi món ăn béo hơn tăng lên 10% so với khi âm lượng âm nhạc dịu hơn.
Hiện tượng này được giải thích như thế nào? Theo các khoa học gia, nhà hàng càng ‘ồn ào’, không khí càng căng thẳng hơn. Do đó, thực khách muốn ăn thức ăn có thể giúp họ an tâm, và thông thường đó là các món béo, mặn hay ngọt. Khi nhà hàng ít khách và âm nhạc dịu dàng, thực khách hoàn toàn nhận thức được sự lựa chón món ăn của mình và thường là các món ăn lành mạnh hơn.
5. Âm nhạc là nguồn cảm ứng sáng tạo
Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2012 được công bố trên tập san Journal of Consumer Research, âm nhạc là nguồn cảm hứng kích hoạt sự sáng tạo nơi người nghe. Lưu ý: Điều này chỉ thành hiện thực nếu âm nhạc không quá mạnh. Âm nhạc nhẹ giúp chúng ta suy nghĩ một cách trừu tượng hơn. Ngược lại, âm lượng quá cao có thể ngăn chặn suy nghĩ sáng tạo vì nó tạo ra quá nhiều thông tin để não bộ xử lý. Một nghiên cứu khác do 2 nhà khoa học Simone Ritter thuộc Trường Đại học Radboud (Hà Lan), và Sam Ferguson thuộc Trường Đại học Sydney (Úc), hướng dẫn cho rằng nghe âm nhạc vui sẽ thúc đẩy sự sáng tạo.
6. Âm nhạc giúp giải tỏa căng thẳng
Căng thẳng, lo âu, buồn thảm… Để thư giãn, không gì tốt hơn nghe âm nhạc! Thật vậy, âm nhạc tác động lên cơ thể và làm tăng sự bài tiết hormone kích thích cảm giác lạc quan, yêu đời, đồng thời làm giảm hormone tạo ra căng thẳng.
Để giảm stress hiệu quả, tất nhiên bạn phải nghe âm nhạc mà bạn thích. Theo một nghiên cứu thực hiện bởi Mindlab International, “thậm chí còn có bài hát có khả năng làm giảm stress đến 65%”. Trên thực tế, CD nhạc Weightless de Marconi Union này do các chuyên gia âm nhạc liệu pháp tạo ra nhằm mục đích duy nhất là giải tỏa stress, lo âu, trầm cảm… cho người nghe rất hiệu quả.
7. Âm nhạc tạo ra cảm giác mạnh mẽ
Điều này đã được chứng minh: âm nhạc có thể mang lại cực khoái. Nghe một ca khúc yêu thích có thể làm bạn nổi da gà hay lông dựng đứng, nước mắt lưng tròng, nhịp tim đập nhanh hơn, cơ thể cảm nhận sự rùng mình thoáng qua. Cảm giác này được Luke Harrison và Psyche Loui, 2 nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Wesleyan, bang Connecticut, Hoa Kỳ, gọi bằng cái tên “cực khoái da” và chỉ xuất hiện nơi 5% đối tượng nghe âm nhạc. Các khoa học gia đã phân tích những thay đổi của tiết tấu, nhịp điệu tăng mạnh dần lên hay một số chuỗi giai điệu du dương rất dễ gây ra cảm xúc. Đây là một ưu điểm khác của âm nhạc.