Hãy dành tuổi 20 để học những kỹ năng đời sống hữu ích và như vậy bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận sự thành công sắp tới. Những kỹ năng này gồm việc ra quyết định và âm thầm lắng nghe. Ngoài ra còn có việc sống phù hợp với hoàn cảnh và kỹ năng thương lượng.
Tuổi 20, đối với vài người, là một khoảng thời gian mơ hồ. Tuy đã rời khỏi ghế nhà trường, bạn vẫn còn phải học hỏi nhiều điều trước khi trở thành một người lớn chững chạc.
Để giúp bạn qua được khoảng thời gian đầy hoang mang này, chúng tôi chọn lọc ra những kỹ năng hữu ích bạn nên có và những cách tốt nhất để trải qua tuổi 20.
Sống trong hiện tại
Kỹ năng này không có tính lãng mạn và có tính thiết thực hơn tên gọi của nó.
Trên mạng xã hội luôn có những bài viết kiểu “để đạt được hạnh phúc…”: “Để hạnh phúc, bạn chỉ cần không nợ nần. Chỉ cần mua một chiếc áo này là bạn sẽ trông thật đẹp và hạnh phúc. Chỉ cần thức dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày và làm việc một cách năng suất là bạn sẽ hạnh phúc”…
Theo Emma Seppala, một nhà tâm lý học của Đại học Stanford, thay vì cố theo kịp với tương lai thì sống trong hiện tại chính là chìa khóa dẫn tới hạnh phúc và thành công.
“Thật sự bạn không nhất thiết phải làm bất cứ điều gì như vậy để biết trân trọng những điều tốt đẹp mình đã có trong đời. Đây không phải là không có tham vọng mà là biết ơn những cái có thực”.
Làm quen với những cái nhất thời
Bạn không thể lên kế hoạch cho mọi thứ từ đầu tới đuôi được.
Đó là lý do tại sao Dylan Woon khuyên rằng ta nên học cách “làm quen với những cái nhất thời”. Anh chia sẻ: “Sau tất cả thì không có gì là chắc chắn. Thay vì cố bám vào sự chắc chắn không có thật, hãy đi ra khỏi vùng an toàn của bạn và xem bên ngoài có những gì mới mẻ. Bạn còn trẻ, bạn có thể chịu được những rủi ro nho nhỏ. Cuộc đời bạn nên là một chuyến phiêu lưu đầy ý nghĩa”.
Chân thật với mọi người
Khi tới trễ một buổi hẹn, bạn rất dễ viện cớ và đổ lỗi cho việc kẹt xe hay tàu điện bị trễ. Thay vì làm vậy, bạn chỉ cần xin lỗi mà không nhất thiết phải đưa ra một lý do nào cả. Thay vì cố giữ sĩ diện bằng cách đổ lỗi tại kẹt xe thì “tôi không để ý đến giờ giấc” là một câu trả lời hay hơn gấp trăm lần.
Tiếp nhận lời phê bình
Không ai thích bị nói là mình đang làm sai cả. Thậm chí còn không vui vẻ gì khi được chỉ bảo nên đổi sang cách làm việc hiệu quả hơn. Khi bị một người chỉ trích, ta rất dễ căm ghét và phớt lờ họ hoàn toàn.
Tuy nhiên, để thành công trong đời sống, bạn cần biết cách tiếp nhận lời phê bình, cách phản ứng tích cực với những lời phê bình đó và không bao giờ nghĩ xấu những người đã chỉ ra lỗi lầm của bạn.
Biết cách mở chuyện
“Giao tiếp có lẽ là kỹ năng bị đánh giá thấp nhất trong tất cả”, Deepak Mehta chia sẻ. Chính anh cũng thuộc kiểu người hướng nội và cảm thấy khó khăn trong việc bắt chuyện với người khác.
Tuy vậy, kinh nghiệm đã dạy anh rằng nếu có đủ can đảm để bắt chuyện với người ngồi kế bên, bạn rất có thể sẽ có được một người bạn mới, một đối tác kinh doanh mới hay thậm chí là có thêm ý kiến mới và thú vị cho một chủ đề đã cũ.
Nói lên điều bạn muốn
Kỹ năng để thúc đẩy sự nghiệp dễ dàng và được sử dụng ít nhất trong tất cả chính là việc mạnh dạn đưa ra yêu cầu của mình.
Nếu bạn không có đủ can đảm để xin được tăng lương, được thăng chức, hay thậm chí là để có được một thỏa thuận tốt hơn thì bạn sẽ không thể nào biến chúng thành hiện thực được đâu.
- Xem thêm: Tình yêu – món quà tuyệt vời cho tuổi 20
Nếu việc nói lên điều bạn muốn làm bạn cảm thấy lo âu thì bạn nên tập luyện ở những tình huống ngoài công việc. Một ví dụ là khi đi mua sắm ở chợ, bạn có thể trả giá để người bán rau hạ giá xuống cho bạn. Bạn càng đặt bản thân vào những tình huống khó xử nhiều bao nhiêu thì bạn sẽ càng thấy chúng không có gì để bạn phải thấy ngại ngùng cả.
Giữ lời hứa
Có thể bạn đã hứa với một người bạn rằng bạn sẽ tới dự tiệc sinh nhật của họ, hoặc có thể bạn đã hứa với sếp trên rằng bạn sẽ làm thêm một nhiệm vụ.
Dẫu tình huống có là gì đi chăng nữa, bạn nên luôn giữ lời hứa của mình. Nếu bạn thất hứa, người khác sẽ mất lòng tin ở bạn. Lòng tin đó qua thời gian sẽ khó thể nào lấy lại như trước.
Giao tiếp một cách hiệu quả
Dẫu bạn có làm việc trong lĩnh vực nào đi chăng nữa thì bạn luôn có thể cải thiện kỹ năng nói và viết của mình. Hãy nghĩ ra những cách để bạn thách thức bản thân và sửa đổi cách bạn viết một bản email hay cách cư xử của bạn khi trong phòng họp.
Ví dụ: “Vào cuộc họp nhóm sắp tới, bạn hãy tránh đừng nói lên ý kiến hay nêu lên ý tưởng của mình khi vừa mới vào họp. Thay vì vậy, bạn hãy đếm tới 5 và nếu vẫn cảm thấy như ý kiến của mình sẽ đóng góp cho chủ đề thì hãy đứng dậy. Còn nếu vẫn thấy ngại, hãy ” thách” bản thân nói lên những gì bạn đang nghĩ trong đầu thay vì giữ im lặng.
Trở nên kiên trì
Ngoài niềm vui và hạnh phúc ra thì quãng đời còn lại của bạn sẽ có những lúc thất bại, buồn bã và chán nản. Bạn nên học cách vực dậy từ những khó khăn khi còn trẻ.
Tuổi 20 là lúc hầu như mọi người có ít những trách nhiệm mà sau này vào độ tuổi 30 và 40 sẽ tăng một cách chóng mặt. Đây là một thời điểm tuyệt vời để thử nghiệm, thất bại và lại đứng dậy. Hãy học cách vượt qua thất bại và trở nên kiên trì.
Học phép lịch sự ở bàn ăn
Trong quá trình đi làm bạn không thể tránh khỏi có những bữa ăn “xã giao” và không phải ai cũng rành về phép lịch sự trên bàn ăn cả.
Nhai nhóp nhép, không ngậm miệng khi nhai, liếm ngón tay và muỗng nĩa, hay đặt khuỷu tay trên bàn… cho thấy sự thiếu sót trong phép lịch sự và kỹ năng xã giao.
Sống phù hợp với hoàn cảnh
Carolyn Cho khuyên những “người lớn trẻ tuổi” hãy suy nghĩ kỹ càng về tất cả các khoản chi tiêu của mình. “Những thứ xa xỉ chỉ tuyệt vời khi bạn thật sự có đủ tiền để mua được chúng. Đừng mù quáng đi theo một lối sống sẽ không kéo dài được lâu. Hãy học cách sống khiêm tốn và tiết kiệm. Rồi bạn mới hưởng được quyền mua sắm theo ý thích của mình, nhưng phải theo một mức điều độ”.
Đối phó khi bị từ chối
Nhiều người sẽ dùng những năm tháng 20 tuổi để thử qua những trải nghiệm, công việc hay mối tình mới. Một số trong đó sẽ thành công và có kết quả tốt đẹp, và một số sẽ không.
Đây là một cơ hội tốt để học cách đối phó với việc bị từ chối, dẫu là trong công việc hay trong hẹn hò. Nó rất khó chấp nhận, nhưng bạn phải nhận ra một điều rằng từ chối là một lẽ thông thường.
- Xem thêm: 10 thói quen tuổi 20 để thành triệu phú
Hầu như không sự từ chối nào mang tính cá nhân cả, và quan trọng hơn hết là thế giới sẽ không tự hủy diệt nếu bạn bị từ chối đâu. Đừng quá nghĩ ngợi về nó. Hãy luôn ngẩng cao đầu và cứ tiếp tục tiến về phía trước.
Cuộc đời này có đầy thử thách. Tuổi 20 là quãng thời gian tuyệt vời để bạn tập trở nên cứng cỏi và tự dạy bản thân cách kiên cường về mặt thể chất lẫn tinh thần để có thể chào đón cả những niềm vui và nỗi buồn.
Học từ cuộc sống
Học hành không nhất thiết phải chỉ trong trường học. Việc học có thể diễn ra “ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào và với bất cứ ai”. Hãy luôn giữ cho suy nghĩ phóng khoáng, thường xuyên tìm cách mở rộng tâm trí của mình. Đọc sách, tập sử dụng ngoại ngữ hay học nhạc – bất cứ gì hợp với sở thích của bạn nhất.
Chấp nhận việc thay đổi
Nghiên cứu của Dan Gilbert, một nhà tâm lý học của Trường Đại học Harvard, cho thấy chúng ta không thể nào tưởng tượng được bản thân sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai.
Cũng dễ hiểu khi Joe Choi chia sẻ rằng “Hầu như không có cách nào để bạn lên kế hoạch cho bản thân của vài năm sắp tới cả”.
Joe đã kể lại câu chuyện của mình làm ví dụ. Anh đã học ngành kỹ sư khi còn học đại học, và anh không hề nghĩ rằng sau này mình sẽ chuyển đến sống ở vùng nông thôn Đông Âu để thu hoạch ngô – nhưng quả thật anh ấy đã làm vậy.
Khi sống ở châu Âu, anh đã không nghĩ mình sẽ có ngày chuyển đến sống ở một tòa nhà sang trọng ở thành phố New York – nhưng đó chính xác là chuyện đã xảy ra.
Hãy sẵn sàng đón nhận những bất ngờ (với hy vọng là kiểu bất ngờ vui vẻ) trong cuộc đời bạn sau này.
Đặt ra quyết định
Chiếc cầu kết nối giữa việc phân tích đến hành động đóng một vai trò hiệu quả trong quá trình ra quyết định – biết được mình nên làm gì dựa trên những thông tin có sẵn.
Nếu bạn là kiểu người hay nghĩ ngợi nhiều thì hãy cân nhắc làm thử “bài kiểm tra bóp cò súng” đã được viết trong cuốn sách The Achievement Habit (tạm dịch: Thói quen thành đạt) của giáo sư ngành kỹ sư của Đại học Stanford, Bernard Roth.
Hãy giả vờ như đang có người chĩa súng vào đầu bạn và cho bạn 15 giây để đưa ra một quyết định. Chắc chắn bạn sẽ chọn được một điều gì đó – và như vậy sẽ giải tỏa được rất nhiều áp lực.
Quảng bá bản thân
Đây không phải là một kỹ năng dành riêng cho những doanh nhân chuyên nghiệp.
Có thể quảng bá bản thân là một kỹ năng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đối với công việc, bạn phải quảng bá bản thân với khách hàng và những nhà tuyển dụng tiềm năng.
Để có một người bạn đời, bạn phải quảng bá bản thân và các giá trị mình có thể đem lại cho đời sống của họ. Hãy thử kể một câu chuyện về chính bạn, vì như vậy người ta sẽ dễ nhớ hơn. Và hãy đảm bảo rằng câu chuyện đó sẽ khiến người nghe bàn bạc sôi nổi.
Cách thương lượng
Tác giả và nhà phát thanh podcast James Altucher đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc phát triển những kỹ năng thương lượng. Anh đặc biệt nhắc tới những lời khuyên anh học được từ Chris Voss, cựu đàm phán cứu con tin của FBI.
Những lời khuyên đó bao gồm việc khiến cho người khác nói “không” nhưng mục đích sau cùng là “có”. Một ví dụ là khi bạn đang thương lượng các điều khoản trong công việc và bạn không có được những gì mình muốn, bạn có thể hỏi quản lý tuyển dụng “Sếp có muốn em thất bại không ạ?”. Đương nhiên câu trả lời sẽ là không – và từ đó bạn có thể bắt đầu thúc đẩy để có được những gì bạn muốn.
Lắng nghe một cách thầm lặng
M. Malhan chia sẻ: “Khi huấn luyện bản thân để trở thành một NGƯỜI LẮNG NGHE THẤU HIỂU hơn, bạn sẽ có thể giao tiếp hiệu quả hơn và xây dựng thêm những mối quan hệ lành mạnh trong đời sống”.
Như Dave Kerpen, CEO của Likeable Local, đã chia sẻ với Business Insider, nghe là kỹ năng quan trọng nhất – và cũng bị đánh giá thấp nhất – trong kinh doanh và đời sống.
- Xem thêm: 11 điều Ron Rule, CEO của As Seen on TV đã học được ở những năm tuổi 20 sẽ giúp bạn thành công
Nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu của mình, hãy thử qua kiểu “trò chuyện và suy nghĩ”. Khi đó hai người sẽ làm thành một cặp và một người sẽ bắt đầu nói trong khi người kia giữ im lặng.
Sau đó, người thứ hai sẽ suy nghĩ về những gì người thứ nhất đã nói cho tới khi người thứ nhất thấy thỏa mãn thì thôi. Sau đó hai người sẽ đổi vai cho nhau. Mục đích của các buổi trò chuyện và suy nghĩ là để giảm bớt các sự tương tác hời hợt và thay vào đó là những cuộc trò chuyện mà hai bên thấu hiểu được lẫn nhau.
Cách kiên nhẫn
Ta không thể chối cãi tầm quan trọng của việc có tham vọng và làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu của mình – dẫu đó có là giành được một vị trí cấp cao trong công việc hay mua được một căn nhà.
Nhưng cũng đừng cảm thấy chán nản nếu tới tuổi 25 mà bạn vẫn chưa được thăng chức hay chưa có đủ tiền trả trước cho một căn nhà.
Hãy học hỏi từ Steve Kobrin: “Không có gì tốt đẹp xảy ra sau vẻn vẹn một đêm cả. Chúng cần thời gian để sinh sản và phát triển. Chúng cần ta phải cực chăm chỉ. Cần ta suy nghĩ thật nhiều. Cần trải qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại, và học hỏi từ những sai lầm đó”.