Vào mỗi tuần ở quận Ichigaya của Tokyo, nằm cách trung tâm khu phố sầm uất và náo nhiệt Shibuya chừng 3,2km về phía Đông, một tài xế lặng lẽ đỗ chiếc ô tô màu đen bên ngoài tòa nhà văn phòng trông có vẻ bình thường.
Tài xế chở một vị khách đặc biệt mang theo tập hồ sơ quan trọng: đó là các bản báo cáo tình báo tuyệt mật được trình lên nhóm chuyên gia cố vấn an ninh thân cận nhất của thủ tướng Nhật Bản. Tòa nhà văn phòng – có tên gọi đơn giản là “C1” – nằm bên trong khu phức hợp an ninh cực kỳ nghiêm ngặt của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Tuy nhiên, “C1” không phải là cơ sở quân sự bình thường mà là trụ sở Cục Tình báo tín hiệu (DFS) – phiên bản Nhật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Lịch sử DFS bắt đầu từ thập niên 1950 và vai trò của cơ quan là nghe lén mọi cuộc giao tiếp điện tử song các chiến dịch cũng như trụ sở của nó luôn được Chính phủ Nhật Bản giữ bí mật gần như tuyệt đối. Phần đông quan chức Nhật Bản – ngoại trừ một vài nhân vật thân tín nhất của thủ tướng – không hề biết gì về mọi hoạt động của DFS. Thêm vào đó, cơ quan chỉ được kiển soát bởi một khung pháp lý hết sức hạn chế và không hề chịu bất cứ sự giám sát độc lập nào.
Hiện nay, một cuộc điều tra của Đài Truyền hình Nhật Bản NHK lần đầu tiên tiết lộ một số chi tiết về hoạt động nội bộ DFS. Dựa vào một số hồ sơ mật và những cuộc phỏng vấn nhiều quan chức đang làm việc hay đã về hưu của DFS, chương trình giám sát Internet, các cuộc gọi di động và liên lạc email qua mạng vệ tinh của tổ chức tình báo bí mật được hé lộ trước công chúng. Theo đó, DFS sử dụng khoảng 1.700 nhân viên và sở hữu ít nhất 6 cơ sở gián điệp nghe lén.
Để so sánh, NSA sử dụng khoảng hơn 30.000 người còn GCHQ – cơ quan tình báo tín hiệu Anh – biên chế hơn 6.000 người. Toàn bộ dữ liệu nghe lén thu thập từ các cơ sở gián điệp được gửi về “C1” phân tích. “C1” có tầng bên trên mặt đất và 4 tầng hầm. Một nhân viên giấu tên đang làm việc cho DFS tiết lộ: “Rất ít người được phép bước vào tòa nhà DFS cũng như biết được những gì mà nơi đây đang làm”. Cũng theo người này, DFS có hệ thống do thám quy mô lớn gọi là XKEYSCORE, được sử dụng để sàng lọc nội dung hàng núi dữ liệu email, trò chuyện trực tuyến, lịch sử duyệt Web và thông tin về hoạt động truyền thông xã hội của mọi người.
Theo quy định Hiến pháp Nhật Bản, loại chương trình gián điệp XKEYSCORE “không được phép sử dụng” nhằm bảo vệ quyền riêng tư của người dân. DFS – theo tiếng Nhật Bản là “Denpa-Bu”, nghĩa là “bộ phận sóng điện từ” – hiện có 11 bộ phận khác nhau, trong đó mỗi bộ phận chịu trách nhiệm xử lý một đề tài khác nhau, như là: phân tích thông tin, an ninh và an toàn công cộng và viết mật mã. Tuy nhiên, các bộ phận được bố trí biệt lập và rất hạn chế giao tiếp với nhau.
Mỗi căn phòng trong tòa nhà “C1” được cấp bộ khóa cửa khác nhau và chỉ có vài người chọn lọc được cấp phép truy cập thông tin mật mới có chìa mở khóa (bằng mật mã và hệ thống nhận dạng). DFS được coi là nhánh lớn nhất của Cơ quan tình báo Quốc phòng Nhật Bản – tổ chức có nhiều cơ sở tập trung vào nhiều lĩnh vực như là phân tích hình ảnh vệ tinh. Atsushi Miyata, người làm việc cho DFS và Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào giữa những năm 1987 và 2005, cho biết công việc của ông là do thám hoạt động quân sự của các quốc gia láng giềng như là Triều Tiên.
Miyata chỉ rõ: “Thậm chí, DFS cũng không chia sẻ dữ liệu rộng rãi bên trong Bộ Quốc phòng cho nên không ai biết những người khác đang làm gì”. NSA hợp tác với một loạt các đối tác khác biệt nhau tại một số quốc gia trên thế giới bao gồm từ Anh và Thụy Điển cho đến Ả Rập Saudi và Ethiopia. Tuy nhiên, quan hệ đối tác giữa NSA và Nhật Bản được coi là phức tạp nhất cũng như bị phá hỏng bởi sự mất niềm tin lẫn nhau.
Trong tài liệu tháng 11.2008, một trong những sĩ quan tình báo cao cấp nhất của NSA mô tả đối tác Nhật Bản “rất hoàn hảo” trong việc thực hiện sứ mạng tình báo tín hiệu song lại bày tỏ sự thất vọng rằng họ giữ bí mật một cách thái quá giống như thời Chiến tranh lạnh. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cộng đồng tình báo Nhật Bản trong mọi chiến dịch do thám các quốc gia khắp châu Á.
Cách Tokyo khoảng hơn 1.000 mét về phía Tây Nam là 2 thị trấn nhỏ gọi là Tachiarai và Chikuzen với dân số tổng cộng khoảng 44.000 người. Quân đội Nhật Bản – được gọi là Lực lượng Phòng vệ (JSDF) – đặt một căn cứ trên khoảng đất nằm giữa 2 thị trấn Tachiarai và Chikuzen. Nhưng căn cứ không được sử dụng để huấn luyện binh sĩ mà chính là một trung tâm gián điệp quan trọng bậc nhất của Nhật Bản.
Bên trong căn cứ, một hệ thống ănten to lớn trông giống như những quả banh golf khổng lồ. Người dân địa phương cho biết họ lo ngại sóng radio cực mạnh của “những quả banh golf” gây tổn hại cho sức khỏe cũng như làm nhiễu loạn sóng tivi của họ. Do đó, chính quyền Nhật Bản biệt phái một số quan chức đến trấn an người dân địa phương đồng thời mỗi năm đều chi trả số tiền khoảng 100.000 USD bồi thường tình trạng nhiễu sóng cho hội đồng thị trấn Chikuzen.
Chương trình mang tên mã “MALLARD”
Theo tài liệu mật rò rỉ được DFS chia sẻ cho NSA vào tháng 2.2013, Nhật Bản sử dụng Tachiarai để tiến hành chương trình gián điệp Internet mang tên mã MALLARD. Trước đó vào giữa năm 2012, căn cứ tuyệt mật của JSDF giám sát giao tiếp điện tử truyền qua mạng vệ tinh và mỗi tuần thu thập dữ liệu khoảng 200.000 phiên truy cập Internet để sau đó lưu trữ và phân tích trong thời gian 2 tháng. Giữa tháng 12.2012 và tháng 1.2013, Tachiarai bắt đầu sử dụng công nghệ do thám thu thập thông tin về những cuộc tấn công mạng có nguy cơ xảy ra.
Về sau, lượng dữ liệu thu thập tăng vọt lên đến khoảng 500.000 phiên truy cập Internet mỗi giờ – nghĩa là 12 triệu mỗi ngày! Để xứ lý hàng núi thông tin, DFS phải nhờ đến sự giúp đỡ của NSA. Chris Auguatine, người phát ngôn cho NSA, từ chối bình luận về sự hợp tác với Nhật Bản đồng thời tuyên bố: “Bất cứ sự hợp tác nào giữa các tổ chức tình báo đều tuân thủ pháp luật”. Nhiệm vụ của DFS tại Tachiarai là tập trung giám sát mọi hoạt động của các quốc gia trong khu vực.
Hiện thời, vẫn chưa có tài liệu rò rỉ nào tiết lộ cơ sở ở Tachiarai thu thập thông tin giao tiếp điện tử của công dân Nhật Bản thông qua những chương trình do thám như là MALLARD. Luật pháp Nhật Bản cấm mắc nối thu thập dữ liệu giao tiếp điện tử mạng cáp viễn thông trên mặt đất nếu không có lệnh từ tòa án, nhưng hành vi giám sát giao tiếp qua đường truyền không dây như là vệ tinh không bị kiểm soát bởi luật pháp cho dù Hiến pháp nước này không cho phép xâm phạm quyền riêng tư.
Theo Richard Tanter, giáo sư Đại học Melbourne (Australia) chuyên nghiên cứu hoạt động do thám của chính quyền, hơn 200 vệ tinh “có thể quan sát thấy” từ Tachiarai – nghĩa là căn cứ có thể dễ dàng đánh cắp dữ liệu đường truyền. Trong số hơn 200 vệ tinh này, có ít nhất 30 thiết bị của Trung Quốc và số còn lại thuộc sở hữu của Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí Mỹ hay các quốc gia châu Âu. Tất cả số vệ tinh này đều là mục tiêu gián điệp của DFS từ căn cứ Tachiarai.
Một người phát ngôn cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối bình luận về chương trình MALLARD song nhấn mạnh rằng “các hoạt động thu thập thông tin” rất cần thiết cho an ninh quốc gia và “tiến hành theo quy định luật pháp”. Người phát ngôn cũng thừa nhận Bộ Quốc phòng có “các văn phòng trên khắp đất nước” với nhiệm vụ thu bắt tín hiệu giao tiếp điện tử nhưng chỉ tập trung vào hoạt động quân sự cũng như về “các mối đe dọa tấn công mạng”mà “không hề thu thập thông tin người dân”.
“Anonymous Internet”
Tháng 10.2013, DFS có kế hoạch triển khai chiến dịch được mô tả với tên gọi “Anonymous Internet” (“Internet Ẩn danh”) với mục đích thu thập dữ liệu về sự sử dụng một số công cụ trình duyệt ẩn danh như Tor của người dân. Cụ thể, Tor cho phép người dùng che giấu địa chỉ IP máy tính trong khi duyệt web. Tor không chỉ là công cụ ưa chuộng của giới báo chí và những người chống đối chính quyền mà còn được bọn tội phạm sử dụng để thực hiện những hành vi phạm pháp.
Tháng 4.2013, cảnh sát Nhật Bản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet tìm cách ngăn chặn bọn tội phạm sử dụng Tor. Trước đó vào năm 2012, cảnh sát điều tra nhiều lần bị tấn công mạng với hàng loạt đe dọa giết chóc từ một hacker gọi là “Demon Killer” (tạm dịch: Sát thủ Quỹ dữ). Hacker sử dụng Tor để tránh né thành công mọi nỗ lực dò tìm của cảnh sát trong suốt 7 tháng.
Mọi hoạt động của DFS tại Tachiarai và những nơi khác nhận được sự trợ giúp từ một tổ chức gọi là “J16” – đơn vị kỹ thuật kết nối với Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Tuy nhiên, chính quyền Nhật Bản hoàn toàn không biết gì về sự hợp tác mật thiết giữa DFS và “J16”. Một nhân viên DFS giấu tên chỉ tiết lộ “J16” cũng hợp tác với NSA trong môi trường tuyệt mật. Vai trò của “J16” được cho là phân tích mã độc và nghiên cứu phát triển các biện pháp chống trả – như là “bức tường lửa” – nhằm ngăn chặn một cách hiệu quả hành vi xâm nhập mọi hệ thống máy tính của Nhât Bản.
Giữa các năm 2000 và 2005 (tức trước khi chương trình gián điệp tín hiệu MALLARD được phát triển), thị trưởng Tachiarai lúc đó là Hitoshi Miyahara được giới chức DFS cho xem bản đồ kế hoạch xây dựng căn cứ mà trong đó có bản vẽ về đường hầm ngầm. Miyahara được phép tham quan công trường xây dựng song không được phép bước xuống tầng hầm ngầm.