Từ tháng 4-2019, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ có thêm bảy đường bay nội địa và quốc tế. Việc mở ra nhiều đường bay, tăng chuyến, kết nối Cần Thơ đi khắp nơi trong và ngoài nước đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng phát triển du lịch, đầu tư, thương mại của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Những đường bay kết nối
Ngày 2-5 vừa qua, chuyến bay đầu tiên của hãng AirAsia đi từ Bangkok đã đáp xuống sân bay Cần Thơ, khởi đầu cho một đường bay nữa trong những đường bay mới kết nối hành trình từ ĐBSCL của Việt Nam đến với các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Ông Kenny, du khách người Thái Lan, một trong 76 hành khách trong chuyến bay đầu tiên này, nói: “Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam và đây là lần đầu tiên tôi tới Cần Thơ vì nghe tiếng Cần Thơ rất đẹp; tôi sẽ ở đây hai tuần để khám phá Cần Thơ”.
Theo bà Laddawan Meesupwatana, Giám đốc sản phẩm của AirAsia thị trường Đông Dương, đường bay Cần Thơ – Bangkok với tần suất 3 chuyến/tuần sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh du lịch cho cả hai bên, Bangkok và ĐBSCL. Đường bay mới này cũng là sự tiếp nối thành công cho đường bay Cần Thơ – Kuala Lumpur (Malaysia) vừa mở vào đầu tháng 4.
Ông Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, cho biết, đến hết tháng 4-2019, sau khi có thêm năm đường bay nội địa mới của hãng Vietjet Air (nối Cần Thơ với Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng) và hai đường bay quốc tế đi Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) của hãng AirAsia, số chuyến bay tăng 35%, lượng hành khách tăng 29%, hàng hóa bưu kiện tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018. Còn so với tháng 3-2019, số chuyến bay tăng 10%, lượng hành khách tăng 8,5%, hàng hóa bưu kiện tăng 12,5%.
“Sang tháng 5-2019, tỷ lệ tăng trưởng này sẽ lớn hơn do năm đường bay nội địa chỉ mới khai thác từ 26-4, đường bay quốc tế khai thác từ 8-4 và 2-5; ngoài ra, hãng Bamboo Airways sẽ khai thác tiếp chặng Cần Thơ – Hải Phòng sau Cần Thơ – Hà Nội”, ông Tâm nói.
Trước đó, không kể chuyến bay thuê bao (charter), Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã mở các đường bay chuyến nối Cần Thơ với Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo của các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air. Cảng này có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn; công suất từ 3-5 triệu hành khách và khoảng 5.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Lâu nay mới chỉ khai thác được 40% công suất này.
Cơ hội nào cho ĐBSCL?
Vậy đây có phải là cơ hội để Cần Thơ phát triển du lịch và đầu tư? Trả lời câu hỏi này ngay tại sân bay hôm 2-5, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, tỏ ra lạc quan: “Đây là cơ hội để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL thu hút thêm du khách và đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư làm ăn ở Cần Thơ đã mong muốn điều này vì lâu nay họ bay tới TP.HCM rồi phải đi đường bộ tiếp hơn 3 giờ mới đến Cần Thơ.
Tôi tin sẽ có thêm nhiều du khách và nhà đầu tư đến với Cần Thơ bằng các đường bay thẳng này”. Theo ông Hiển, Cần Thơ cũng đã quy hoạch, dành hẳn 300 hécta đất trên đường Võ Văn Kiệt ở gần sân bay Cần Thơ để mời nhà đầu tư làm khu logistics hàng không phục vụ cho các mục tiêu này. Đến cuối năm nay, sẽ có thêm hai đường bay quốc tế nối Cần Thơ với Hàn Quốc và Nhật Bản, do Vietjet Air khai thác.
Cùng đón khách hôm đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, nhận định: “Cần Thơ là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch; trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, tài chính của ĐBSCL thì khi có thêm các đường bay mới, hoạt động giao thương nói chung và du lịch nói riêng giữa Cần Thơ với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế sẽ thêm thuận lợi”.
Theo ông Võ Thanh Tân, phụ trách truyền thông chi nhánh Vietravel Cần Thơ, khi có thêm các đường bay nội địa và quốc tế, sẽ tạo điều kiện để công ty đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường tần suất khởi hành và giảm chi phí dịch vụ. Khách hàng cũng sẽ được lợi khi sử dụng sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn, giá tốt hơn, nhiều lựa chọn phương tiện vận chuyển và ngày khởi hành phù hợp hơn.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA), cho biết đến nay mới có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Cần Thơ với 83 dự án, vốn đăng ký 727,15 triệu đôla Mỹ.
Mức độ còn khiêm tốn này, theo ông, là do đa số các nhà đầu tư nước ngoài chưa biết nhiều về Cần Thơ; họ chỉ biết Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng do thuận tiện đường bay trực tiếp. “Việc mở các đường bay mới từ Cần Thơ đi quốc tế sẽ giúp tăng cơ hội quảng bá hình ảnh, dự án kêu gọi đầu tư của Cần Thơ nói riêng và cả ĐBSCL đến các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tạo điều kiện để họ trực tiếp đến Cần Thơ và ĐBSCL tìm cơ hội đầu tư”, ông Tùng nói.
Nhận định về hiệu quả đối với doanh nghiệp ở ĐBSCL muốn xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng không, ông Phạm Thanh Tâm cho biết có nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước rất quan tâm đến việc vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế từ Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ.
Nếu làm được sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu tại Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL do nguồn nông thủy sản xuất đi từ Cần Thơ rất lớn, tránh phải tốn thêm thời gian và chi phí khi phải vận chuyển lên TP.HCM qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải, giao thông cũng gặp nhiều khó khăn.
“Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã có những phương án cho hoạt động này để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa từ đây”, ông Tâm nhấn mạnh.
Dẫn nhận định của nhiều chuyên gia, ông Nguyễn Khánh Tùng cho rằng ngành vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ngành này còn được hưởng lợi từ các chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng, kho bãi, cảng hàng không đang được đổi mới, xây dựng thêm; các cơ sở cung cấp dịch vụ mặt đất được đầu tư mạnh. Hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL qua sân bay Cần Thơ cũng nằm trong quỹ đạo phát triển này.