“Sao không hái vô mà để thúi trên cây vậy? Uổng quá!” – Tôi nói với T. khi thấy cây cam sau nhà đầy trái chín. Anh cười, trả lời: “Ông hổng biết, ở xứ này người ta trồng cây để… nhớ quê chớ ai mà ăn! Muốn ăn thì ra chợ mua, rẻ rề hà!”.
Nghe T. nói, tôi bỗng sực nhớ ra một điều: anh rời Việt Nam từ nhỏ và hình như chưa hề biết trồng cấy là gì. Vậy mà khu vườn sau nhà của anh ở Garden Grove, Orange County có rất nhiều loại cây trái. Tôi khoái nhất là cây ổi sẻ sai oằn trái. “Tui trồng mười mấy lần mới được một cây đó” – T. nói giọng hả hê. Vậy mà T. chưa hề hái trái nào để ăn cho biết vị ổi sẻ Mỹ khác ổi sẻ Việt Nam thế nào. Chỉ thấy quanh gốc đầy trái rụng, chi chít dấu mỏ chim. Anh chị Đ. ở San José cũng giống T.
Một góc sân nhà chị được trồng đủ thứ: một cây bạc hà, một bụi mía, một gốc chanh, vài gốc quế…, đều là đặc sản nhiệt đới. Ngoài cây chanh sai trái ra, các cây còn lại đều có vẻ run rẩy với cái lạnh mùa đông. Tôi biết cả anh lẫn chị đều xa lạ với nghề trồng cấy. Chị gốc Cần Thơ, bị thất lạc cha mẹ trong chiến tranh, được một thượng nghị sĩ Mỹ xin về nuôi, còn anh là một phi công. Họ gặp nhau trong một chuyến chị về Việt Nam nghỉ hè sau khi thi tú tài. Và sau 1975, họ cùng trở thành những kỹ sư về máy tính.
Thấy tôi hay tần ngần trước khu vườn, chị cười: “Anh chị trồng để lâu lâu ra ngắm, chớ ở đây đâu thiếu thứ gì hả em!”. V.T. – một ông bạn già của tôi mới sang Cali chưa lâu nói với tôi khi chở tôi lòng vòng quận Cam: “Ở đây, ông thấy nhà nào mà trồng ớt, chuối, thanh long, bầu bí, khổ qua… mà không phải người Việt thì chặt đầu tôi đi. Cũng có người mang trái cây ra chợ bán nhưng hầu hết trồng cho vui thôi”.
- Xem thêm: Cây trái mùa xưa
“Làm sao ăn được mấy trái bầu này?”. Nghe M.T. hỏi, tôi hơi giật mình. M.T. là tiểu thư ở Sài Gòn trước đây, nhưng tôi không nghĩ rằng cô không biết cách để ăn được trái bầu. Sau nhà M.T. là một vườn bầu khá sai trái, dù khí hậu mùa thu ở Michigan khá lạnh. Hóa ra, M.T. và chồng – một tiến sĩ về máy móc và âm thanh học – trồng bầu và một số loại rau khác chỉ để nhắc nhở mình là người Việt Nam. Cuối cùng, M.T. vẫn luộc được trái bầu non chưa kịp có hột. Cô hớn hở: “Trái này ăn được. Mấy trái kia có hột nên tui liệng hết rồi!”. Ăn bầu luộc bị gọt sạch vỏ chín gần nát chẳng ngon lắm nhưng tôi vẫn thích, bởi dễ gì có được bữa ăn lạ miệng như vậy.
Khác với M.T., vợ chồng P. rất thích ăn rau húng quế trồng sau nhà. Mảnh vườn của họ ở thành phố Buffalo rộng chừng… ba mét vuông mà có đủ thứ rau. Nào là húng quế để ăn với phở, nào rau muống, tía tô, cần tàu, rau lang, khổ qua, bầu… Xứ “Trâu rừng” này lạnh gần như quanh năm nên các loại rau mọc rất chậm. Anh P. chỉ tôi trái bầu vừa đậu lớn bằng ngón tay cái: “Trái này ra ba tháng rồi nhưng hổng lớn lên được vì trời lạnh quá!”.
Ngày ở Việt Nam, vợ chồng P. là dân Sài Gòn, nhà không có cục đất chọi chim chứ đừng nói gì đến trồng rau trái, nhưng qua đây, cả hai đều thích vườn rau sau nhà. Họ thường dẫn bé T. mới 10 tuổi ra vườn, chỉ cho bé từng cây rau và dạy tên, cách sử dụng như thế nào. Chị P. than: “Chỉ cho nó biết ăn rau của quê mình thôi. Ở đây không đứa nào chịu ăn rau cả”. Hàng xóm của họ là anh Ba, người gốc Quảng Ngãi, một nông dân thứ thiệt, chừng ngoài sáu mươi tuổi. Biết tôi mới từ Việt Nam sang, chiều đi làm về, anh ghé qua tán gẫu.
- Xem thêm: Cây trái vườn nhà
Sau khi hỏi thăm đủ thứ về quê nhà, anh ấy hỏi: “Nè, chú em có uống được không? Qua nhà anh làm vài ly cho ấm đi!”. Tôi lắc đầu cảm ơn: “Em chỉ thích cái vườn sau nhà anh thôi. Trông quá đã!”. Mà thật vậy, khoảnh sân sau nhà anh Ba rộng chừng sáu mươi mét vuông được giăng lưới mắt cáo và thả kín dây bầu, khổ qua… trông mát cả mắt. Ngày nào tôi cũng đứng sau nhà P. ngắm qua. Anh Ba bật cười: “Quen làm rồi chú em! Tao mà không trồng cấy chút ít thì ngứa ngáy tay chân lắm. Nhưng trồng để coi chơi chứ có ăn uống gì đâu!”. Tôi hỏi: “Năm nay anh được bao nhiêu rồi?”. Anh tỏ ra đắc chí: “Đã bảy mươi tám rồi, chú em ạ! Nhờ tay chân luôn hoạt động đó!”.
Vợ chồng anh H. ở Houston thì trồng tá lả thứ ở vườn rau bên hông nhà. Nào là quýt, mía, quế, cần tây, lô hội… “Quế ở đây mắc lắm, hai đồng (USD) một bó bằng chét tay thôi!” – chị H. nói khi đãi tôi món bò kho. Trên bàn ăn, ngoài nồi thịt to còn có vài cọng quế hái từ vườn nhà. Anh H. tâm sự khi thấy tôi ra thăm vườn: “Trồng cho vui thôi chứ ăn uống gì!”. Điều này tôi càng cảm nhận rõ khi anh P. dẫn tôi tới khu vườn cây nhiệt đới ở Buffalo. Anh hăng hái dẫn tôi đi mọi chỗ trong vườn với rất nhiều loại cây nhiệt đới, từ chuối, dừa cho tới cây đặc biệt ở vùng nước lợ là đước. “Đây là góc quê hương để đến mỗi khi mình nhớ nhà!”. Nghe giọng hơi nghẹn của P., tôi càng hiểu nỗi nhớ quay quắt của những người sống xa quê.