Hiện nay số lao động nước ngoài tại Nhật đã lên đến 1,3 triệu, chiếm 2% lực lượng lao động nhưng vẫn chưa đáp ứng được như cầu. Nếu visa cấp cho người nước ngoài muốn định cư tại Nhật trước đây chỉ dành cho các chuyên viên, thực tập sinh, lưu học sinh thì nay visa cũng sẽ được cấp cho các lao động có tay nghề trong các khu vực giản đơn như xây dựng và nhà hàng.
Tháng 6.2018, chính phủ Nhật đã tạo ra loại visa mới “designated-skill” dành cho loại lao động này để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các khu vực nông nghiêp, xây dựng, khách sạn, điều dưỡng và đóng tàu. Nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn có thêm hàng trăm ngàn lao động nước ngoài có chuyên môn trong lĩnh vực của họ vào Nhật làm việc trong 5 năm tới để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động trầm trọng.
Các công ty công nghệ thông tin (IT) Nhật thiếu nhân lực nghiệm trọng
Hàng chục kỹ sư trẻ Trung Quốc khá căng thẳng khi trình bày đề án của họ bằng tiếng Anh trong cuộc thi tuyển dụng “hack-athon” tại toà nhà cao tầng Roppongi Hills ở thủ đô Tokyo. Nhưng trong khi cuộc thi này do Mercari Inc (một công ty chế tạo ứng dụng bán hàng “flea market app” phổ thông cho phép người bán và người mua thương lượng giá cả trên mạng) tổ chức thì đây không chỉ đơn thuần là cuộc thi công nghệ. Hack-athon thực tế là một phần của chương trình thăm viếng và tuyển dụng được tài trợ toàn phần mà đối tượng là các sinh viên giỏi mới tốt nghiệp tại Trung Quốc và các nước khác.
Tất cả 33 ứng viên tranh tài lần này đều là sinh viên của các trường đại học hàng đầu Trung Quốc, kể cả Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh. Khi Nhật Bản bắt đầu hạ thấp rào cản cho lao động có tay nghề trong những khu vực sản xuất và dịch cụ giản đơn, nhu cầu về kỹ sư tay nghề cao tốt nghiệp nước ngoài vẫn không giảm. Nhiều công ty IT lớn thiếu trầm trọng lao động nên việc tuyển dụng kỹ sư nước ngoài là rất cấp bách.
“Cái ngày nước Nhật có thể tuyên bố đã đủ kỹ sư đào tạo trong nước còn rất xa vời! Hiện nay, chúng tôi đang thiếu kỹ sư ở tất cả các công đoạn sản xuất. Mỗi khi có một ý tưởng mới lại cần thêm nhân lực để biến nó thành hiện thực. Nếu không có sự phát triển liên tục với những sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường hoặc tạo ra nhu cầu cho nó, công ty sẽ thất bại. Cốt lõi vẫn là nguồn nhân lực” – ông Takaya Ishiguro, phụ trách nhân sự tại Mercari nói.
Vì vậy, các công ty Nhật thường tổ chức những cuộc thi công nghệ để tuyển nhân viên tốt nghiệp ở nước ngoài và bố trí họ làm việc tại những chi nhánh bên ngoài các thành phố lớn, nơi chi phí ăn ở và sinh hoạt rẻ hơn. Ai đồng ý làm việc cho công ty sẽ được học một khoá Nhật ngữ căn bản để dễ giao tiếp. Mục tiêu của Mercari là tăng số nhân viên tại Tokyo lên 1.000 từ 350 hiện nay nên không thể không tuyển nhân viên được đào tạo từ bên ngoài.
Hiện nay công ty đang đẩy mạnh việc quảng cáo tuyển người tại Trung Quốc và Ấn Độ bằng “hack-athon” và những phương thức khác. Chiến lược tuyển dụng này bước đầu đã cho kết quả tốt. Zhou Bowei, một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Thanh Hoa vừa thắng cuộc thi hack-athon, nói: “Mercari là một công ty hấp dẫn dù nó không có chi nhánh tại Trung Quốc nên bạn phải đến Nhật Bản làm việc. Môi trường làm việc, văn hoá công ty và lương bổng đều tốt”. Mercari không tiết lộ con số nhưng cho biết nhiều sinh viên Trung Quốc muốn làm việc cho công ty.
Tháng qua công ty đã có buổi lễ tiếp nhận 42 nhân viên mới đến từ 9 quốc gia. Trong tổng số 750 nhân viên của công ty có 10% tốt nghiệp nước ngoài. Công ty có hẳn một nhóm chuyên trách giúp đỡ tìm nơi ở, mở tài khoản ngân hàng, chọn điện thoại và các hỗ trợ khác cho các nhân viên nước ngoài mới tuyển. Những lớp học tiếng Nhật và văn hoá Nhật cũng được mở cho họ.
Các nhân viên trong nước được khuyến khích học thêm tiếng Anh để dễ giao tiếp với đồng nghiệp nước ngoài, thường khá tiếng Anh. Banthia, một kỹ sư phần mềm Ấn Độ vừa đầu quân cho Mercari, tin rằng các nhân viên nước ngoài đang “lấp vào lỗ hổng nhân sự của các công ty Nhật và việc đa dạng hoá nguồn đào tạo trong một công ty cũng dẫn đến nhiều ý tưởng mới, độc đáo hơn là chỉ dùng nhân viên trong nước”.
Thế mạnh trong tuyển dụng của các công ty Nhật
Công ty Line Corp, cha đẻ của ứng dụng nhắn tin Line phổ thông cũng áp dụng chiến lược tuyển dụng tương tự. Mục tiêu của công ty là tăng nhân sự lên 3.000 từ 2.100 hiện nay. Văn phòng mới mở của công ty tại cố đô Kyoto có 19 kỹ sư, trong đó có 10 tốt nghiệp nước ngoài. “Dĩ nhiên chúng tôi không hề hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng dù thiếu người” – Ryohei Miyota,người phụ trách tuyển dụng tại chi nhánh Kyoto của Line nói. Tại Kyoto và chi nhánh Fukuoka, Line không còn đòi hỏi ứng viên phải thông thạo tiếng Nhật, một rào cản khiến nhiều kỹ sư giỏi không thể vào Nhật làm việc dù tiếng Anh của họ rất khá.
Các công ty IT lớn của Nhật đang cạnh tranh quyết liệt với những người khổng lồ như Google và Facebook trong hoạt động tuyển tài năng công nghệ, nhưng thường thất bại mà nguyên nhân chính là không thể bắt kịp mức lương cao của các công ty lớn ở Silicon Valley (California, Mỹ). Nhưng Miyota, từng làm việc cho Google và Twitter nói: “Line có điểm cộng là mở các lớp học ngôn ngữ miễn phí cho cả nhân viên Nhật và nhân viên nước ngoài. Điểm hấp dẫn khác là không giống chi nhánh của các ông lớn công nghệ Mỹ ở Nhật chỉ có một văn phòng duy nhất, Line có nhiều chi nhánh, chẳng hạn hai văn phòng bên ngoài Tokyo nên nhân viên nước ngoài có thể chọn lựa nơi làm việc phù hợp với mình (ví dụ chi phí thuê nhà và sinh hoạt thấp hơn) mà lương bổng vẫn như cũ.
Fukuoka được xem là “thành phố khởi nghiệp” của Nhật Bản. Vì các công ty IT lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tencent chỉ thuê kỹ sư trong nước, nên các công ty IT Nhật có khoảng trống nhiều hơn để tuyển sinh viên IT giỏi tốt nghiệp từ các nước đang phát triển, nơi có mức lương thấp hơn Nhật. Nhưng nếu các công ty Nhật muốn thu hút hơn nữa tài năng nước ngoài họ cần đặt ra những tiêu chuẩn chung và minh bạch trong việc tuyển dụng để tránh lọt lưới những người yếu kém. “Theo tôi, các công ty IT Nhật đang ở vị trí mạnh trong tuyển dụng tại châu Á. Số đối thủ của họ không có nhiều” – Shibasaki nói.
Luật nhập cư sửa đổi đang chờ thông qua
Chiến lược lao động mới của chính phủ Nhật là cấp 2 loại visa lao động tay chân (blue collar) được ghi trong dự luật nhập cư đang tranh luận tại Hạ viện. Trên nguyên tắc, chính phủ vẫn cấm lao động không có tay nghề vào Nhật làm việc. 2 loại “visa lao động” mới đòi hỏi các ứng viên phải có tay nghề cần thiết để làm việc trong 14 lĩnh vực quy định, kể cả xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, chăm sóc người già. Họ có thể được xét mang theo gia đình và lưu lại Nhật đến 10 năm.
Tuy nhiên, các đảng dối lập đang tìm cách trì hoãn luật cải cách nhập cư mà nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ 2019. 6 đảng đối lập trong Hạ viện thề sẽ chống lại dự luật này, một phần vì chính phủ không chịu cung cấp số liệu lao động nước ngoài đến Nhật mỗi năm trong tương lai, dù con số cuả năm 2019 được ước tính là 47.000. Lý do khiến Nhật Bản phải nhận thêm lao động nước ngoài là dân số giảm dần, số người già tăng (Nhật là nước có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới) cần người chăm sóc.
Trước thực tế này, xã hội Nhật vốn chuộng sự “đồng nhất”, “nhạy cảm” với người nước ngoài đã phải thay đổi thái độ. Dù Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỉ lệ tự động hoá cao nhất thế giới, tự động hoá vẫn không giải quyết được bài toán khan hiếm lao động. Lao động chân tay và chăm sóc người già thiếu trầm trọng, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, nơi lực lượng nhân công nông nghiệp suy giảm mạnh. Thay đổi trong chính sách nhập cư hoàn toàn khác với thái độ trong quá khứ của nước Nhật đối với lao động nước ngoài.
Nhật Bản là một trong những nước “thuần chủng” nhất thế giới khi chỉ có 2% dân số là người nước ngoài so với 4% tại Hàn Quốc và 16% tại Pháp. Nhưng từ tư duy “cảnh giác” với người nước ngoài, nêu lý do sợ lan tràn tội ác, khác biệt ngôn ngữ và làm hỏng cấu trúc của xã hội Nhật, nhiều người Nhật nay đã có cái nhìn khác đối với lao động và nhập cư nước ngoài. Tỉ lệ dân số lão hoá cao, dân số giảm do nhiều người trẻ không chịu lập gia đình, sống khép kín, dân số ở độ tuổi lao động giảm, nước Nhật đang thiếu lao động nghiêm trọng.
Chính phủ Nhật tạm giải quyết vấn đề bằng tăng tuổi lao động, tăng lao động nữ, dùng robot và trí khôn nhân tạo (AI), nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ. Đưa nhà máy ra nước ngoài để sử dụng công nhân tại chỗ cũng chỉ là “giải pháp hạn chế” vì không phải doanh nghiệp hay dịch vụ nào cũng có thể chuyển ra nước ngoài được.
Trước áp lực ngày càng tăng của thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp Nhật đã áp lực chính phủ phải có chính sách mới về sử dụng lao động nước ngoài để giúp họ duy trì sản xuất và giữ vững sức cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hoá. Áp lực từ các doanh nghiệp là lý do lớn đằng sau sự thay đổi trong chiến lược sử dụng lao động của chính phủ Nhật Bản.
- Xem thêm: Nhật: cơ hội cho người nhập cư
Giới trẻ đi tiên phong trong thay đổi tư duy đối với người nước ngoài
Trong vòng chỉ 20 năm, số lao động dưới 30 tuổi đã giảm ¼, mức giảm đáng báo động. Dân số lão hoá mất sức lao động cao có nghĩa là cần thêm người để chăm sóc họ. Ước tính loại lao động chăm sóc thiếu đến 60%. Các kỹ nghệ khác như nông nghiệp và xây dựng, y tá ngày càng lệ thuộc vào lao động nước ngoài vì nhiều người Nhật không muốn làm những công việc nặng nhọc lương thấp này. Ngày càng có nhiều người nước ngoài và du khách nước ngoài đến Nhật hơn cũng có nghĩa là người Nhật đã tập được cách “sống chung” với người nước ngoài và chấp nhận họ, đặc biệt là giới trẻ.
Đa số người Nhật không còn cố chấp và mang nặng tư tưởng “đồng nhất” như xưa. Một cuộc thăm dò vào năm 2017 cho thấy 42% người được hỏi chấp nhận có thêm lao động nước ngoài và 42% không đồng ý. Số còn lại không có ý kiến. 60% thanh niên từ 18-29 tuổi trả lời đồng ý, gấp đôi so với cách nay 40 năm. Kết quả này cho thấy người Nhật đã cởi mở hơn khi nói đến lao động nước ngoài, thậm chí xem lao động nước ngoài là cần thiết nếu nước Nhật muốn duy trì vị thế cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới.
Tuy nhiên, cần lao động nước ngoài là một chuyện còn hội nhập với họ lại là chuyện khác. Ngôn ngữ là rào cản lớn. Yêu cầu tiếng Nhật thường không cần thiết đối với các lao động chuyên môn vì đa số công ty sử dụng họ dùng tiếng Anh trong giao tiếp. Nhưng các lao động thấp hơn, làm việc tại môi trường chỉ sử dụng tiếng Nhật thì việc phải tốt nghiệp một khoá Nhật ngữ căn bản là cần thiết.
Nói thế có nghĩa là chiến lược lao động mới của Nhật Bản phải đi kèm theo việc tạo điều kiện cho lao động nước ngoài hội nhập nhanh vào môi trường xã hội và văn hoá mới, điều mà trước đây không cần nếu chỉ thu hút lao động chuyên môn cao. Một yêu cầu khác là làm sao để các lao động này tuân thủ luật pháp Nhật và không bỏ trốn. Theo dự luật nhập cư mới, sẽ có hơn 345.000 lao động chân tay nước ngoài đến Nhật trong 5 năm tới, bắt đầu từ 2019.
Kỹ nghệ nhà hàng dự trù sẽ nhận từ 41.000-53.000 lao động. Khu vực chăm sóc người già cần từ 50.000-60.000 lao động. “Công ty chúng tôi đang thiếu hụt lao động trầm trọng và chúng tôi muốn thuê lao động nước ngoài giống như chương trình trao đổi học sinh sinh viên với nước ngoài hiện có” – phát ngôn viên của tập đoàn nhà hàng Zensho Holdings Co lớn nhất Nhật Bản nói. Tập đoàn có hai chuỗi nhà hàng thịt bò chén Sukiya và Nakau và 18 tiệm cà phê, nhà hàng mang tên khác.
Số nhân viên nước ngoài hiện chiếm 7% trong tổng số 127.000 nhân viên của Zensho Holdings, đa số là người Hoa và người Việt. Tập đoàn có menu tiếng Hoa, Tiếng Việt và Nepal. Một chuỗi cửa hàng thịt bò chén khác là Yoshinoya có cả lớp song ngữ cho lao động nước ngoài. “Nhiều lao động nước ngoài nói, nghe tiếng Nhật khá nhưng chúng tôi còn phải làm cho họ hiểu luật pháp Nhật và nội qui hoạt động của nhà hàng. Hiện nay chúng tôi đang làm rất tốt yêu cầu này” – phát ngôn viên của Yoshinoya nói.
Shigeru Ishii, phát ngôn viên của Hội Ẩm thực Nhật (JFA), muốn các thành viên của hội đào tạo kỹ năng cho lao động nước ngoài để họ có thể trở thành quản lý trong tương lai bù vào số quản lý đang thiếu. “Theo tôi, chỉ cần 5 năm làm việc tại nhà hàng là đủ để lao động nước ngoài tiếp luỹ những kinh nghiệm cần có để trờ thành nhà quản lý. Họ có thể tiếp tục làm việc tại Nhật hay mở nhà hàng ở quê nhà” – Ishii nói.
Bà Hiromi Ogata, một chuyên viên về an sinh cho người già tại quận Setagaya ở thủ đô Tokyo, cảnh báo: “Việc sử dụng lao động nước ngoài trong khu vực chăm sóc người già phải được làm bài bản, phải tìm được những điều dưỡng có đủ sức khoẻ, kiến thức, lòng nhân ái và phải có những công ty uy tín quản lý và điều hành họ.