Kết quả khảo sát do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thực hiện mới đây cho thấy tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng tại nước này, khi lực lượng lao động được sinh ra sau thời kỳ chiến tranh đến tuổi nghỉ hưu.
Nước Nhật đang đứng trước một thực tế khắc nghiệt là dân số suy giảm mức kỷ lục lên đến hơn 394.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện đang ở mức thấp nhất trong 25 năm qua, tỷ lệ cung ứng việc làm thì ở mức cao nhất kể từ năm 1974 với 1,59 điểm, tức là có 159 vị trí làm việc sẵn sàng cho 100 người tìm việc.
Trước những áp lực đến từ vấn đề già hóa dân số, chính phủ Abe vừa công bố kế hoạch thu hút 500.000 lao động nước ngoài đến Nhật Bản vào năm 2025 để lấp đầy tình trạng khan hiếm lao động trong 5 ngành nông nghiệp, xây dựng, kỹ nghệ, hộ lý và đóng tàu.
Với những kế hoạch khôi phục kinh tế vĩ mô mà chính phủ Nhật đang theo đuổi, không có công nhân thì các chiến lược sẽ không đi đến đâu cả.
Nhật Bản đang chuẩn bị cho việc thêm 7,9 triệu lao động trong nền kinh tế nghỉ hưu vào năm 2030 đi kèm với sự gia tăng chi phí an sinh xã hội dành cho những đối tượng này. Để duy trì dân số ở mức 100 triệu, theo lý thuyết, nước Nhật phải tiếp nhận 200.000 người nhập cư mỗi năm, đồng thời sẽ nâng tỷ lệ sinh từ 1,42 hiện nay lên 2,07 vào năm 2030.
Theo mục tiêu mà chính phủ mới đề ra, việc mở cửa cho 500.000 lao động có nghĩa là nước Nhật sẽ tiếp nhận trung bình 71.430 người mỗi năm trong hơn bảy năm tới.
Điều này được hiểu là cơ hội cho dân nhập cư có tay nghề thấp – mà cách đây không lâu chính ông Abe đã bác bỏ – nay với quyết định mới nhất của chính quyền Shinzo Abe được coi là một sự thay đổi đáng kể về phương hướng.
Theo chính sách mới, hiện đang được thảo luận ở các cấp trước khi trình Quốc hội Nhật Bản vào mùa thu năm nay, đối tượng được tuyển dụng phải đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ và tiếng Nhật thông qua các bài kiểm tra. Những đối tượng đã tham gia chương trình đào tạo ở nước ngoài của Nhật Bản sẽ được miễn các bài kiểm tra này và có thể được cấp thị thực lao động tối đa 10 năm.
Dòng người lao động từ nước ngoài vào Nhật Bản, dù lặng lẽ nhưng đều đặn, đã tăng gần gấp đôi trong năm năm qua. Số lượng người nước ngoài tại Nhật đạt 2,6 triệu người vào năm 2017, chiếm 2% tổng dân số.
Mức tăng 20% chỉ trong ba năm là không hề nhỏ. Cụ thể, số người nước ngoài đến Nhật làm việc trong năm 2017 là 1,28 triệu người, tăng hơn gấp đôi so với năm 2008. Gần 1/3 trong số đó là lao động từ Trung Quốc (29%), khoảng 19% là người Việt Nam, tiếp theo là Philippines (12%), Brazil (9%) và Nepal (5%). Trong số này chủ yếu là sinh viên nước ngoài được phép làm việc 28 giờ/tuần, và những thực tập sinh tham gia chương trình thực tập kỹ thuật kéo dài năm năm.
Lâu nay Nhật Bản vẫn duy trì chính sách hạn chế lao động người nước ngoài do lo ngại những vấn đề liên quan dòng người nhập cư gia tăng. Chính sách nhập cư ở Nhật Bản là một chủ đề chính trị nhạy cảm, xuất phát từ nỗi sợ hãi sâu sắc về nguy cơ tội phạm gia tăng, gây xáo trộn trật tự xã hội, gia tăng cạnh tranh trên thị trường lao động và những phản ứng dữ dội tương tự như ở châu Âu.
Là một người bảo thủ, ông Abe đã ủng hộ một chính sách nhập cư “Nhật Bản trên hết” và tìm cách giải quyết thách thức kinh tế của Nhật Bản thông qua các cải cách trong nước, chẳng hạn như khuyến khích phụ nữ và những người nghỉ hưu tái gia nhập lực lượng lao động. Sáng kiến “Womenomics” đã được công bố vào năm 2015 với mục tiêu ban đầu đầy tham vọng là phụ nữ chiếm 30% vị trí lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ mục tiêu này tại các công ty hiện đã được giảm xuống 15% vào năm 2025.