Tuổi bình quân của nông dân Nhật là 67, trong khi tuổi thọ của người Nhật là 83. Khi người trẻ ở Nhật chuyển ra sống tại các thành phố và sinh suất giảm thì thế hệ mới của nông dân Nhật Bản hầu như không còn bao nhiêu. Trang trại lớn và máy móc cũng không giải quyết được bài toán thiếu lao động nghiêm trọng. Trong khi đó tại Mỹ, việc tuyển lao động lành nghề không hề là chuyện đơn giản. Trên thực tế đang xảy ra cuộc chiến tranh giành lao động chuyên môn giữa các công ty.
Khan hiếm lao động trong nông nghiệp
Tình trạng thiếu lao động không chỉ xảy ra tại những nước đã phát triển mà còn lan sang cả các nước đang phát triển với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Thiếu lao động đang là bài toán đau đầu của thế giới, một phần do sinh suất giảm và một phần do một số khu vực sử dụng nhiều lao động như nông nghiệp, gia nhân bị người địa phương xa lánh.
Lao động nhập cư là câu trả lời cho bài toán thiếu lao động, nhưng phía sau đó là vấn nạn an ninh và vi phạm hợp đồng. Những nước như Nhật Bản và các nước phương Tây còn tìm lời giải khác từ robot làm việc thay cho người với quy mô lớn và trong nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng Nhật Bản vẫn phải dựa nhiều vào nông nghiệp trong tương lai. Cơ giới hóa và tự động hóa là giải pháp tốt nhất.
Năm 2016, một công ty kinh doanh rau có tên Spread đã thử nghiệm khu canh tác rau trong nhà dùng toàn robot và đây sẽ là lực lượng lao động chính. Robot không chỉ giải quyết bài toán lao động mà còn giúp công ty tối đa hóa năng suất, ổn định nguồn cung thực phẩm và cắt giảm chi phí. “Nếu thành công, chúng tôi sẽ mở rộng ra tất cả nhà kính của công ty” – ông J.J. Price, Giám đốc tiếp thị của Spread, nói. Những công ty khác cũng cung cấp máy nông nghiệp tự động trong các công đoạn từ gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch, thậm chí trang bị cho công nhân cả những thiết bị đeo lưng để gánh vác bớt sự mệt mỏi của đôi tay trong công việc đồng áng. T
rong khi Nhật Bản là nước công nghiệp tập trung nhiều nhất vào việc thử nghiệm trang trại robot tương lai, các nước như Mỹ và châu Âu cũng đang bắt đầu tăng tốc theo hướng này để đối phó với tình trạng khan hiếm lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, phải mất thêm một thời gian nữa, nước Mỹ mới có một nhà máy kiểu Spread. Hiện nay, những robot nông nghiệp và máy móc tự động đang sử dụng tại Mỹ vẫn chưa tự mình làm việc mà chỉ là trợ thủ và cần có thao tác của con người.
Ngoài ra, dù robot giúp tăng khả năng tự duy trì của nghề nông thì những gì nó làm được tại các nước giàu không có nghĩa là robot sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề của nông nghiệp thế giới. Thậm chí, chúng có thể gây hại. Robot nông nghiệp hiện được thiết kế để làm việc trong các trang trại lớn. Một nông dân tại Mỹ có diện tích bình quân 450 acres sẽ dùng robot dễ hơn và có lợi hơn nông dân tại nhiều nước đang phát triển với diện tích quá nhỏ. Tại Hạ Sahara ở châu Phi, nông dân có diện tích bình quân dưới 6 acres nên nông nghiệp dùng đến 60% dân số lao động.
Sản xuất tại Mỹ
Doanh nhân Susan Murray Carlock cho biết công ty của chị đặt trụ sở tại thành phố nhỏ Muncie (bang Indiana) đang tìm kiếm một thứ mà có nhiều người cho rằng nó gần như đã tuyệt chủng: công nhân sản xuất lành nghề hưởng lương cao. Trong bốn năm qua, Công ty Mursix Corp của chị chuyên chế tạo khóa thắt lưng an toàn của xe hơi và khung giường đã phải vất vả để tuyển số công nhân nó cần với mức lương bình quân 20 USD/giờ, tức là đủ để người lao động gia nhập vào tầng lớp trung lưu Mỹ. Nhưng công ty không bao giờ tìm đủ số công nhân mình cần.
“Thiếu lao động nên kế hoạch tăng trưởng sản xuất của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Vấn đề có lúc trở nên bế tắc” – Susan M. Carlock nói. Gia đình chị mua lại công ty vào năm 1990 với giá 5 triệu USD và nay nó trở thành công ty có giá trị 42 triệu USD trên thị trường. Đà tăng trưởng luôn đi kèm nhu cầu cần công nhân tay nghề cao, tức là những người có đủ khả năng góp phần đưa công ty tiến xa hơn nữa trước khi về hưu với những kiến thức và chuyên môn họ có được trong lĩnh vực của mình.
Năm 2016, để lấp đầy số vị trí còn thiếu, công ty bắt buộc phải tuyển lao động phổ thông rồi đào tạo chuyên môn một thời gian trước khi sử dụng họ và trả lương như một lao động lành nghề. Đa số những người được tuyển là dân nhập cư cần việc làm. Nhưng không chỉ có Carlock mà nhiều công ty Mỹ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trong năm bầu cử 2016, khu vực Rust Belt tập trung nhiều nhà máy sản xuất của nước Mỹ đã gặp khó khăn lớn nhất về tuyển dụng. Ít nhất có hai nhà máy tại Muncie, nơi có nhiều trường đại học bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu người để tuyển dụng. “Hiện tượng các công ty tranh nhau tuyển công nhân chuyên môn rất phổ biến. Tình hình tệ đến nỗi có người dự báo là kỹ nghệ sản xuất sắp diệt vong tại Mỹ vì thiếu nhân công”. Thực tế cho thấy các nhà máy ở Mỹ đang cần nhiều công nhân tay nghề cao thay vì chỉ trông cậy vào dây chuyền lắp ráp như trong quá khứ. Kiểu sản xuất này đã chuyển gần hết ra nước ngoài để tận dụng lao động giản đơn lương thấp.
“Một lý do dẫn đến khan hiếm lao động chuyên môn là sợ thay đổi”, Michael Hicks, giáo sư giảng dạy môn kinh doanh tại Đại học Ball State ở Muncie mói, “Có nhiều công việc trong lĩnh vực máy tính cần đào tạo lại, nhưng tìm ra người không phải dễ, cho dù chính quyền và công ty chấp nhận trả chi phí đào tạo. Nhiều công nhân quen làm một công việc hàng chục năm qua rất ngại tiếp thu cái mới. Họ thà nhận lương thấp của công việc họ quen làm hay chịu thất nghiệp một thời gian còn hơn là học nghề lại từ đầu”. Lương bình quân/giờ cho lao động chuyên môn khan hiếm là 20 USD/năm tính chung cho toàn nước nước Mỹ.
“Cuộc chiến tìm người vẫn chưa thấy điểm dừng và mức lương chắc chắn còn tăng”, Michael Hicks nói, “Tuy nhiên, thà chờ đợi còn hơn đi học lại dù lương sẽ cao hơn”. Giới trẻ tốt nghiệp đại học không thích bổ sung vào số lao động còn thiếu tại các thành phố nhỏ, không có gì hấp dẫn. Hệ quả là số công nhân thạo nghề tuổi quá 45 chiếm đến 25% lực lượng lao động. Việc sử dụng ma túy tăng đều tại các thành phố nhỏ và thị trấn cũng làm giảm số người trẻ có khả năng lao động hoặc có thể đào tạo lại.
Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu kinh tế Manhattan cho thấy có đến 88% công ty sản xuất của Mỹ thú nhận họ đã gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân chuyên môn. “Có khoảng nửa triệu chỗ làm cho những người như thế nhưng không thể lấp đầy. Người ta lo lắng về robot lấy mất chỗ làm, nhưng lại không hề tìm cách trám những chỗ làm còn trống bằng cách đào tạo lại” – Mills nói.
Phải nhập lao động chuyên môn
Ở Nhật Bản, sắp tới đây, các lao động nước ngoài lành nghề sẽ được phép làm việc tại các trang trại thuộc những khu vực địa lý – kinh tế đặc biệt mang tính chiến lược. Đây là luật mới nhất liên quan đến việc sử dụng lao động mà chính phủ Nhật vừa ban hành nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại Nhật Bản, cả ở mức đòi hỏi tay nghề cao lẫn lao động giản đơn.
“Chúng tôi quyết định cho phép khu vực nông nghiệp được sử dụng lao động có kỹ năng của nước ngoài tại những nơi ấn định là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế” – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố tại phiên họp về lao động của Hội đồng Cố vấn diễn ra vừa qua. Dĩ nhiên, chỉ những ứng viên đáp ứng đủ yêu cầu về chuyên môn mới được xét, ví dụ từng học nông nghiệp cấp đại học trở lên tại quê nhà và có khả năng giao tiếp tương đối tốt bằng tiếng Nhật. Những ông chủ sử dụng lao động nước ngoài lành nghề trong các khu vực đặc biệt này phải trả lương cho họ bằng hoặc hơn người Nhật làm cùng nghề tương tự.
Luật mới dựa vào luật đã tồn tại từ năm 1993, trong đó cho phép lao động phổ thông từ những nước đang phát triển đến Nhật để đào tại lại và làm việc trong khu vực nông nghiệp và các khu vực thiếu lao động khác. Luật cũ bị chỉ trích là công cụ để giới chủ bóc lột sức lao động giá rẻ từ các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines… Nhiều vụ lao động nhập cư phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc với thù lao không tương xứng cũng được đưa ra ánh sáng.
Bộ Nông nghiệp Nhật cho biết trong tài khóa 2014, khoảng 24.000 lao động phổ thông đã được vào Nhật làm việc và được đào tạo ba năm tại các trang trại. Hội đồng Cố vấn khuyến cáo là cần kiểm tra thường xuyên các trang trại để xem quyền con người của lao động nước ngoài có bị xâm hại không cũng như ảnh hưởng tiềm tàng đối với lao động Nhật khi lao động nước ngoài nhiều lên. Theo luật mới, cơ quan giám sát phải kiểm tra định kỳ những chủ sử dụng lao động để đảm bảo họ tuân thủ đúng đắn các điều kiện làm việc và quyền lợi của những người lao động nước ngoài. Các khu vực chiến lược đặc biệt được phép nhận lao động nông nghiệp lành nghề gồm các tỉnh Akita, Ibaraki, Aichi và Nagasaki.
Ông Kozo Yamamoto, Bộ trưởng Phục hưng khu vực, bộc bạch với các phóng viên sau phiên họp: “Chính phủ đang xem xét sửa luật để tạo điều kiện hơn nữa cho các khu vực đặc biệt và nội các sẽ thông qua vào đầu năm tới”. Thống kê năm 2015, cho thấy số người từ 65 tuổi trở lên chiếm đến 63,5% trong 2,1 triệu người chọn nghề nông làm công việc chính. Chính phủ Nhật cũng quyết định cho phép những trung tâm chăm sóc trẻ quy mô nhỏ đặt tại các khu vực chiến lược đặc biệt được chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi thay vì chỉ dưới 2 tuổi như hiện nay. Thay đổi này là để các nông dân có con nhỏ có thêm thời gian làm việc ngoài đồng áng.
Chính sách đối với lao động nhập cư của Thái Lan…
Tại Thái Lan, lao động nhập cư cũng là thành tố quan trọng của nền kinh tế. Phụ nữ thì dọn dẹp nhà cửa, may mặc, nấu ăn, làm gia nhân trong khi đàn ông đánh cá, xây nhà và cả đánh giày. Những loại lao động nặng nhọc này đã chuyển dần từ người địa phương sang người nhập cư mà đa số đến từ Myanmar. Từ năm 2000, Liên Hiệp Quốc đã dành ngày 18-12 để tôn vinh những công việc nặng nhọc với tên gọi “Ngày của Người nhập cư thế giới” (International Migrants Day). Người lao động nhập cư đã có tác động tích cực lên xã hội Thái theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Về kinh tế, những đóng góp của họ là không thể phủ nhận. Người nhập cư chiếm khoảng 3,5% dân số thế giới nhưng đóng góp đến 10% GDP toàn cầu với giá trị lên đến 6,7 ngàn tỉ USD. Nhiều nghiên cứu cho thấy người nhập cư đóng góp ít nhất 1% tăng trưởng GDP của Thái Lan. Con số này chưa kể thuế gián tiếp và hàng tiêu dùng tự sản tự tiêu của người nhập cư. Với tỷ lệ thất nghiệp chưa tới 1%, Thái Lan cần lao động nhập cư hơn bao giờ hết. Không có họ sẽ xảy ra tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong các khu vực xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ. Thái Lan tiếp nhận di dân từ nhiều nước trong khu vực.
Theo ước tính, năm 2015 có từ 3-4 triệu người nhập cư đang sống và làm việc tại Thái Lan, trong đó có từ 1-1,5 triệu người nhập cư không qua các thủ tục thông thường và 110.000 người nhập cư tỵ nạn sống dọc biên giới Thái – Myanmar. Hơn 80% người nhập cư vào Thái đến từ ba nước Campuchia, Lào và Myanmar. Sự có mặt của họ là tín hiệu cho thấy sự thành công của kinh tế Thái với mức lương cao và cơ hội làm việc nhiều. Quản lý bài bản sử dụng lao động nhập cư sẽ tránh được nguy cơ người nhập cư bị bóc lột và những vấn đề do họ gây ra cho xã hội.
Từ ngày tham gia Tổ chức Nhập cư quốc tế (International Organization for Migration – IOM) cách nay 30 năm (1986), Thái Lan đã có những thành công khá ấn tượng để bảo vệ quyền của người lao động nhập cư và đánh giá đúng những đóng góp của họ. Trong những năm gần đây, chính phủ Thái Lan đã có những biện pháp sáng tạo và thiết thực vừa để tăng cường luật quản lý người nhập cư vừa bảo vệ họ.
Thái Lan cho phép hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ được hợp pháp hóa tình trạng của mình thay vì đuổi họ về nước. Năm 2014 có 1,6 triệu người nhập cư được hưởng chính sách mới này. Trẻ em đăng ký theo cha mẹ được bảo đảm các phúc lợi an sinh và giáo dục. Lao động nhập cư được hưởng mức lương tối thiểu như công dân Thái.
…Và những bất cập
Đáng chú ý hơn là Thái Lan đi đầu thế giới trong việc cung cấp chế độ chăm sóc y tế bình đẳng cho người nhập cư không phân biệt với công dân Thái. Để làm tốt hơn nữa, chính phủ Thái đã ký vào Bản ghi nhớ (MOUs) với những nước láng giềng để cùng nhau quản lý tốt hơn cung cầu lao động, giúp người nhập cư có nhiều cơ hội tìm việc hơn.
Trung tâm Trợ giúp (AC) vừa thiết lập tại 10 tỉnh chuyên cung cấp cho người nhập cư những thông tin cần nắm vững về quyền con người và chống buôn người. Tuy nhiên, dù MOUs đã có từ 10 năm nay, vẫn chỉ có 1/10 lao động nhập cư vào Thái Lan theo con đường chính thức vì chi phí tốn kém, chờ đợi lâu và tệ quan liêu trong khi đa số muốn làm việc ngay. Vì vậy, con đường lao động chui vẫn rộng mở mà hậu quả là người nhập cư bị bóc lột, ngược đãi, thậm chí trở thành tội phạm, đặc biệt là trong hai khu vực đánh cá và nông nghiệp. Báo chí thế giới đã lên tiếng về tình trạng này.
Nhưng không chỉ Thái Lan, mà lao động nhập cư cũng là thách thức của nhiều nước châu Á khan hiếm lao động khác như Singapore, Brunei, Đài Loan. Thậm chí ngay tại một đất nước chuyên xuất khẩu lao động như Philippines, khu vực xây dựng tư nhân cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khan hiếm lao động.
Công tư tư vấn địa ốc Colliers International lên tiếng cảnh báo: “Khan hiếm lao động đã trở thành mối đe dọa lớn nhất cho xây dựng tư nhân tại Philippines”, báo cáo mới nhất của Colliers nhấn mạnh, “Xây dựng sẽ còn rầm rộ hơn nữa nếu không bị ảnh hưởng bởi khan hiếm lao động tay nghề cao. Hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng bị chậm lại. Khu vực xây dựng tư nhân có mức tăng trưởng 16,2% trong quý III-2016 nhưng nếu đủ lao động mức tăng còn cao hơn. Nhu cầu văn phòng và thương xá mới tại Clark, Cavite, Laguna, Cebu và Davao ngày càng tăng nhưng lao động không đáp ứng đủ.
Chỉ riêng tại Metro Manila đã có khoảng 86.000m2 văn phòng cần xây mới trong năm nay, tức gấp đôi so với năm 2015. Nhưng đa số đều giận chân tại chỗ”. Colliers đề nghị nên nhanh chóng đào tạo lao động xây dựng có tay nghề hoặc tuyển chuyên viên tại nước ngoài.
– Trung Nguyên tổng hợp (Theo KTNN 973)