Nghiên cứu các cách mà nhiều nhà quản trị doanh nghiệp vận dụng để thấu hiểu được nhân viên của mình, Nancy Hatch Woodward – cây bút chính của tạp chí uy tín HR đã chỉ ra gốc của vấn đề và thể hiện nó bằng đẳng thức: Chất lượng quản lý = Mức độ tin tưởng.
Theo tác giả, nếu nhà quản trị cứ phải chờ đến một sự kiện trọng đại, chẳng hạn đến khi tái cấu trúc công ty mới nhân dịp đó xây dựng lòng tin ở nhân viên thì đã quá trễ. Các đợt thăm dò ý kiến nhân viên là cực kỳ hữu ích, trong đó có việc thăm dò về sự hài lòng của các nhân viên đối với công việc mà họ đang đảm nhận.
Đẳng thức trên cho một hệ quả là tinh thần của nhân viên tốt lên khi các cấp quản lý nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ngược lại, tinh thần của nhân viên đi xuống phản ánh sự thiếu quan tâm của cấp trên (từ nhà lãnh đạo cao nhất xuống tới trưởng bộ phận, trưởng nhóm) đối với nhân viên của họ.
- Xem thêm: Hiểu nhân viên để khích lệ họ
Tác giả đề cập đến tâm lý của đội ngũ nhân viên ở hai doanh nghiệp khác nhau trong một lần đi thực tế vào năm 2007. Kết quả điều tra cho thấy chỉ có 40,2% nhân viên tại doanh nghiệp A cảm thấy người lãnh đạo làm việc có hiệu quả. Trong khi đó, ở doanh nghiệp B có đến 62,7% nhân viên cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp của họ làm việc có hiệu quả, mà điều lý giải không có gì quá phức tạp: “Họ biết việc gì đang xảy ra và xây dựng được lòng tin đối với nhân viên ở mức độ cần thiết”.
Lòng tin dành cho nhân viên có thể thấy được từ những điều rất bình thường, đơn giản như việc giao tiếp thường xuyên với nhân viên nhằm cùng giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác hằng ngày.
Khi phát hiện bất cứ nhân viên nào gặp vấn đề, nhà quản trị phải sẵn sàng xắn tay áo cùng lo giải quyết. Cách làm như vậy khiến cho nhân viên cảm thấy cấp trên luôn hỗ trợ mình khi cần thiết và dần có được niềm tin rằng họ sẽ chắc chắn vượt qua mọi thách thức cho dù hoàn cảnh có khó khăn và rủi ro có lớn đến đâu.
Cần lưu ý thêm rằng sự quan tâm và luôn nắm được những việc quan trọng trong đời sống riêng của nhân viên là cách giúp nhà quản trị biết thêm được những nguyên nhân bên ngoài có tác động đến thái độ tích cực (hoặc tiêu cực) của cấp dưới. Vì vậy, nhà quản trị phải coi đó là trách nhiệm thường xuyên của mình để củng cố lòng tin ở nhân viên.
Qua nhiều cuộc khảo sát, tác giả đúc kết được bốn điều mà các nhân viên quan tâm hàng đầu, bao gồm:
- Làm việc ở nơi mà họ có quyền tự hào khi nhắc đến.
- Làm việc ở nơi mà họ được tạo điều kiện để hoàn thành tốt công việc (được hỗ trợ của cấp trên, được trao quyền hạn nhất định, được thông tin đầy đủ, được cung cấp đầy đủ trang bị cần thiết).
- Có các mối quan hệ thân thiện với các đồng nghiệp tại nơi làm việc.
- Được công nhận và khen thưởng khi có thành tích xuất sắc.
Xem ra, có hai điều mà các nhân viên đặt sự quan tâm của họ vào đó nhiều nhất. Trước tiên là họ luôn chờ đợi sự công nhận rõ ràng của cấp trên đối với những cống hiến của họ. Kế đó là họ luôn mong được tham gia vào việc bàn bạc, thảo luận để giúp cấp trên ra những quyết định sáng suốt, hợp lý nhất.
- Xem thêm: Quan tâm đến nhân viên nhiều hơn
Hai yếu tố đó chứng tỏ người lao động nói chung dù ở tư cách người làm thuê vẫn mong muốn không chỉ thể hiện ý thức làm chủ bản thân trong công việc hằng ngày, mà còn thể hiện được vai trò của mình ở phạm vi rộng hơn, trong nhóm, trong phòng ban và trong toàn doanh nghiệp. Thiết nghĩ các nhà quản trị nên chú ý đến mối quan tâm đó để tìm được nhiều biện pháp nâng cao lòng tin của đội ngũ nhân viên.