Là nhà quản lý, bạn mong muốn giúp nhân viên đạt đến tiềm lực tối đa của họ và đi xa hơn hiện tại? Trước tiên, hãy chứng tỏ cho các nhân viên thấy rằng mình thật sự rất quan tâm đến họ. Trong trường hợp một nhân viên không cảm thấy được sếp trân trọng và đánh giá cao năng lực, người này sẽ không bao giờ sẵn sàng cống hiến 100% giá trị bản thân cho tổ chức tuyển dụng họ.
Khi nhà quản lý dành thời gian quan tâm đến nhân viên, theo nhiều cách khác nhau, nhân viên sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, gắn kết hết mình hơn vào công việc và từ đó trở nên hiệu quả hơn trong công việc. Kết quả sau cùng là các khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng hơn và đương nhiên doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng cao hơn. Sau đây là những bước đi rất căn bản để các nhà quản lý doanh nghiệp lớn nhỏ có thể tham khảo và thực hiện.
Hãy cho nhân viên nhiều hơn mức thường xuyên
Hãy nghĩ rộng ra hơn bảng lương tiêu chuẩn mỗi tháng và những gói lợi ích mà nhân viên nhận được. Hãy quan sát cách họ làm việc và xem liệu bạn có thể làm điều gì để giúp cải thiện môi trường làm việc của họ và giúp công sở trở thành nơi ấm cúng hơn, thoải mái và mời chào hơn đối với mọi người. Hỏi thăm nhân viên đâu là mục tiêu sự nghiệp của họ và giúp đỡ họ hoàn thành hoài bão ấy.
Nếu doanh nghiệp có ngân sách, hãy khen thưởng nhân viên xuất sắc những món quà thiết thực như phiếu mua hàng, bữa ăn tối tại nhà hàng địa phương và một khoản tiền đặc biệt vào dịp cuối năm, lễ tết.
Tuyển dụng người mới phù hợp với nhân viên hiện tại
Hãy chứng tỏ sự quan tâm thiết thực dành cho nhân viên bằng cách nỗ lực tuyển dụng những người biết đoàn kết và nhiệt huyết khi vào làm việc với đội ngũ hiện tại. Người phụ trách nhân sự sẽ dễ dàng nhận biết ai thật sự là ứng viên phù hợp nếu biết quan sát nụ cười và cái bắt tay, cách ứng viên đặt câu hỏi thể hiện sự quan tâm đến đồng nghiệp và khách hàng.
Chào đón nhân viên mới ân cần và chu đáo
Đảm bảo rằng người mới vào làm việc sẽ được đón tiếp thật nồng nhiệt. Kêu gọi một nhân viên cũ, đặc biệt là những ai tình nguyện, đóng vai trò chỉ dẫn người mới vào, dẫn họ đi ăn trưa và giới thiệu với các phòng ban khác để mọi người có thể tìm hiểu lẫn nhau trong một không gian hết sức thoải mái, thân thiện.
Đừng ngại cho mọi người thấy rằng sếp không chỉ là một cấp trên của nhân viên. Ngược lại, hãy để họ thấy rằng sếp quan tâm đến họ ra sao bằng cách trò chuyện cùng họ về những chủ đề bên ngoài công việc. Hỏi thăm những gì họ làm bên ngoài công sở. Thật sự lắng nghe nhân viên.
Để nhân viên làm chủ công việc
Đừng bao giờ thể hiện rằng bạn giỏi hơn nhân viên của mình. Hãy bỏ qua cái tôi làm sếp của mình, thay vào đó, đặt mình vào vị trí một huấn luyện viên và toàn bộ nhân viên là đội ngũ cầu thủ của mình và người huấn luyện viên thật sự muốn đội bóng ấy phải chơi thật hay và đoạt cúp.
Để làm được vậy, hãy để cho nhân viên tự chủ, độc lập và tự do trong công việc. Giúp họ chủ động tìm kiếm những ý tưởng mới và hoàn thành dự án theo cách của họ. Nhất trí với mọi người về mục đích cụ thể và kết quả sau cùng, sau đó để họ tự do tìm ra bước đi tốt nhất nhằm đạt được điểm đích.
- Xem thêm: Quan tâm hơn đến nhân viên ngắn hạn
Luôn luôn là điểm tựa cho nhân viên
Dù đó là vấn đề liên quan đến khách hàng chăng nữa, nhà quản trị cũng luôn luôn đứng về phía nhân viên. Cho mọi thành viên thấy rằng sếp tôn trọng và quan tâm đến họ bằng cách bảo vệ họ khi cần thiết.
Biết người biết ta
Khi đặt ra kỳ vọng cho nhân viên, hãy đặt lợi ích của họ lên hàng đầu và suy nghĩ thật thấu đáo. Khiến nhân viên cảm thấy quá tải khi đặt ra mục tiêu quá cao hoặc giao phó quá nhiều công việc trong một khung thời gian ngắn có thể phá hủy mọi nỗ lực mà nhà quản lý tạo ra để tìm kiếm sự tôn trọng từ nhân viên và thậm chí có thể khiến họ suy sụp hoặc bỏ việc. Và đấy sẽ là một hệ quả không ai muốn nhìn thấy.