Trong khi mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng ngập tràn hình ảnh về các nạn nhân không may của vụ nổ bom trong cuộc chạy marathon tại Boston (Mỹ), ở Việt Nam cũng xảy ra một tai nạn bom mìn thương tâm mà dường như thế giới bên ngoài chẳng mấy ai quan tâm. Ngày thứ Ba tuần qua, 24 giờ sau khi xảy ra vụ nổ bom tại Boston, thì tại tỉnh Đắk Nông, Tây Nguyên, hai học sinh thiệt mạng cùng sáu em khác bị thương. Tai nạn xảy ra khi các em tìm thấy một đầu đạn còn sót lại từ thời chiến tranh và nhặt lên nghịch.
Câu chuyện thương tâm này có lẽ không xa lạ với người Việt Nam.Đã có 104.000 người ở đây thương vong vì những mảnh bom đạn còn sót lại từ sau cuộc chiến tranh. Hơn 6 triệu hécta đất ở Việt Nam vẫn còn sót những mảnh đạn bom vương vãi. Từ sau năm 1975 đến nay mới chỉ khoảng vài trăm hécta được làm sạch. Các chuyên gia đánh giá sẽ mất hàng trăm năm và hàng tỉ đôla để dọn sạch hết bom mìn ở Việt Nam.
Tôi không có ý nói rằng vụ nổ bom tạiBostonkhông phải là bi kịch. Nhưng tôi có cảm giác truyền thông thế giới đã coi trọng mạng sống của người Mỹ hoặc người phương Tây hơn là mạng sống của người dân thuộc các nước thứ ba.
Martin Richard, 8 tuổi và Krystle Campbell, 29 tuổi là những cái tên được nhắc đến khắp nơi trên thế giới khi họ bị thiệt mạng trong cuộc tấn công tàn bạo tại Boston. Nhưng liệu có ai nghe nhắc đến tên hai em nhỏ Trần Hoài Giang và Châu Ngọc Trung ở Việt Nam? Trên thế giới có ai bày tỏ lòng thương tiếc với gia đình của hai học sinh này như họ làm với gia đình các nạn nhân trong vụ nổ bom tại Mỹ?
Có vẻ như ngày nay, nếu có gì xảy ra ở Mỹ, báo chí sẽ tung các câu chuyện đi khắp thế giới. Các thành viên trên mạng xã hội nếu không ngay lập tức nhấn nút “like” những tấm hình trên Facebook hoặc gửi các tin nhắn cá nhân bày tỏ sự đau xót sẽ bị xem là không có trái tim.
Tôi nghĩ mọi người không thể chỉ đứng ở góc độ quan điểm quốc gia mà nên nhìn từ quan điểm rằng tất cả thế giới là một và chúng ta đều có chung số phận. Trong khi nước Mỹ than khóc cho sự mất mát, họ cũng chẳng thiệt thòi gì đâu nếu quan tâm hơn đến người dân ở các quốc gia khác – những nạn nhân đang gánh chịu hậu quả bom mìn mà nước Mỹ để lại sau những cuộc chiến bạo tàn. Hãy cứ hỏi cha mẹ của Giang, Trung và sáu đứa trẻ bị thương.
Nước Mỹ đã chi khoảng 750 tỉ đô cho cuộc chiến ở Việt Namvà hãy tính cả lạm phát vào con số đó. Chỉ cần một phần nhỏ của kết quả ấy đã có thể giúp Việt Nam quét sạch bom mìn trong thời gian sớm nhất có thể. Nhưng cần có sự quan tâm thật sự thì người ta mới có thể làm được việc này.
Những nạn nhân của vụ đánh bom ở Boston thật đáng thương. Gia đình của các nạn nhân ấy cần có sự chia sẻ. Thế nhưng, bên cạnh đó, tôi chỉ mong những cộng đồng dân cư trên thế giới biết rằng có hai đứa trẻ ở Việt Nam cũng vừa mất vì bom đạn.
Derek Milroy
Lê Tâm dịch