Để giải quyết bài toán chi phí đầu tư, đi kèm với triển khai 5G, mỗi quốc gia cần tạo điều kiện hình thành những mô hình kinh doanh mới.
Nhiều chuyên gia nhận định, phải mất 10 năm để số lượng người dùng 3G trên thế giới đạt được 500 triệu người dùng, tương ứng là 5 năm với công nghệ 4G. Song đối với công nghệ mạng 5G, giới chuyên gia cho rằng, thời gian sẽ rút ngắn chỉ còn 3 năm.
Việt Nam sẽ tham gia nhóm tiên phong triển khai 5G
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 01 nhà mạng triển khai tại TPHCM và Hà Nội. Theo kế hoạch, hoạt động thử nghiệm 5G sẽ diễn ra trong năm 2019 và khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tiên phong cung cấp dịch vụ này.
Với những động thái tích cực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà mạng cũng như các hãng sản xuất cung cấp giải pháp thiết bị trên toàn cầu, giới chuyên gia khẳng định, thế hệ mạng 5G sẽ sớm được thương mại hóa, phổ cập nhanh hơn tới người dùng so với những thế hệ trước đó.
Cùng với đó, quy mô và tốc độ phát triển 5G sẽ vượt mong đợi trên toàn cầu trong thời gian tới. Ước tính trong năm 2019, hơn 50 quốc gia sẽ phân bổ quy hoạch băng tần cho 5G, hơn 60 nhà khai thác sẽ triển khai 5G trên quy mô lớn.
Làn sóng thương mại 5G đầu tiên cũng sẽ bao phủ 1/3 dân số toàn cầu, vượt xa quy mô của 3G hay 4G.
Theo ước tính của Ericsson, tới năm 2024 sẽ có 1,5 tỉ người dùng sẽ được sử dụng mạng 5G. Vào thời điểm đó, mạng di động thế hệ mới cũng sẽ tiếp cận được hơn 40% dân số thế giới.
Huawei dự đoán, việc sử dụng 5G thương mại hóa tại các thị trường như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam sẽ bắt đầu sớm nhất vào năm 2020. Theo đó, 5 năm tới, số lượng thuê bao 5G trong khu vực sẽ lên tới con số 80 triệu.
Ước tính, 5G sẽ mang lại giá trị 1.200 tỉ USD ở Đông Nam Á trong 5 năm tới. Những nước dẫn đầu về mức độ sẵn sàng triển khai 5G trên thế giới hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp…
Bài toán đầu tư và chi phí
Mạng 5G có tốc độ nhanh hơn từ 10 – 100 lần so với mạng 4G. Nếu mỗi km2 mạng 4G chỉ có thể đáp ứng được 100.000 kết nối, thì mạng 5G có thể đáp ứng tới 1 triệu kết nối. Tiềm năng khai thác thương mại của mạng 5G là vô cùng lớn, tuy nhiên, không ít chuyên gia chỉ ra rằng vẫn còn không ít thách thức với lộ trình triển khai 5G.
Hiện, tỷ lệ doanh thu nhà mạng trên mỗi người dùng của Việt Nam chưa tới 5 USD, còn rất khiêm tốn so với nhiều quốc gia khác. Do đó, cân đối chi phí đầu tư và lợi nhuận là bài toán khó đầu tiên mà các nhà mạng phải tìm lời giải.
Ông Scott W. Minehane, Giám đốc Quản lý Windsor Place Consulting khuyến nghị, đối với các quốc gia có tỷ lệ doanh thu nhà mạng trên mỗi người dùng còn khiêm tốn như Việt Nam, Thái Lan… cần sử dụng 5G ở những phổ tần số thấp hơn. Từ đó, 5G mới có mức chi phí chấp nhận được.
Ông Sangyeol Shin, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc chia sẻ, để giải quyết bài toán chi phí đầu tư, đi kèm với triển khai 5G, mỗi quốc gia cần tạo điều kiện hình thành những mô hình kinh doanh mới.
“Tại Hàn Quốc, chúng tôi tập trung vào nhà máy thông minh, y tế thông minh và đô thị thông minh, tức là tạo các mô hình kinh doanh mới. Chỉ có như vậy mới tạo điều kiện cho các nhà mạng thu được lợi nhuận từ 5G”, ông Sangyeol Shin cho hay.
Theo ông Hakan Ohlsen, Giám đốc Công nghệ radio và băng tần, Ericsson, 5G sẽ chỉ đơn giản là một phiên bản nhanh hơn của 4G nếu môi trường đầu tư thiếu thuận lợi. Tuy nhiên, nếu được tạo điều kiện tốt, 5G sẽ số hóa mọi ngành công nghiệp. Từ đó, giá trị thặng dư sẽ được tăng nhanh.
Theo Nikkei, Thái Lan và Việt Nam có kế hoạch bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G từ đầu năm 2020, như vậy hai quốc gia này sẽ có dịch vụ 5G chỉ sau các nước phát triển từ 1 – 2 năm. Ngược lại với trước đó, Thái Lan và Việt Nam cung cấp dịch vụ 4G muộn 5 năm so với các nước phương Tây./.