Hầu hết chúng ta đều biết tiết kiệm là điều chẳng những nên làm mà còn rất quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự thật là, rất ít người làm được điều này. Phải chăng nguyên nhân của chuyện này là do con người không kiểm soát được chính mình trước tiền, hay do chúng ta quá thiếu sự quyết đoán trong việc chi tiêu?
Câu trả lời là không, bởi có thể nói, số tiền tiết kiệm được của mỗi người phần lớn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường xung quanh. Nếu bạn đã đi làm bao năm nhưng tài khoản tiết kiệm vẫn chỉ là những con số khiêm tốn, hãy thử những “mẹo” sau đây từ chuyên gia kinh tế nổi tiếng.
Cô Wendy de la Rosa – một nhà kinh tế học hành vi đã rất hối hận khi nghĩ về những khoản tiền không hợp lý mà cô đã chi liên tục trước đây. Sau này, bằng nhiều nỗ lực, Wendy đã tìm ra một mẹo giúp bản thân kiểm soát các khoản chi tiêu, đồng thời, cô cũng chia sẻ hai cách giúp tiết kiệm hiệu quả.
Ngoài là một nhà kinh tế học hành vi, Wendy de la Rosa còn là người đồng sáng lập của Common Cents Labs – một phòng nghiên cứu thí nghiệm có trụ sở tại Đại học Duke chuyên ứng dụng khoa học hành vi vào việc hỗ trợ người Mỹ cải thiện tình hình tài chính. Vào năm 2017, cô và đồng nghiệp cùng nhau thực hiện một nghiên cứu về những người được nhận trợ cấp thực phẩm SNAP và chia họ thành hai nhóm.
Với nhóm thứ nhất, cô chỉ ra cho họ những lợi ích trong thu nhập mà nhóm người này có được từ trợ cấp SNAP hằng tháng; với nhóm còn lại, cô chỉ ra lợi ích trong thu nhập hằng tuần mà họ có được nhờ SNAP mang lại. Kết quả là, nhóm thứ hai có khả năng lên kế hoạch chi tiêu tốt hơn nhóm thứ nhất dẫu cả hai nhóm đều có chung mức thu nhập. Lý do đơn giản là vì Wendy và đồng nghiệp đã thay đổi một trong các yếu tố môi trường, cụ thể là khoảng thời gian mà hai nhóm đối tượng trên sở hữu cùng khoảng thu nhập.
Vậy, tại sao việc thay đổi này lại giúp mọi người có kế hoạch chi tiêu tốt hơn? Đó là vì trợ cấp SNAP của Mỹ thường được tính toán và chuyển theo tháng. Theo kiến thức khoa học xã hội, việc nhận được một khoản tiền thường khiến con người hình thành hiệu ứng “windfall” – sự chủ quan khiến họ cảm thấy an toàn vì sở hữu một số tiền lớn nên chẳng buồn nghĩ đến chuyện tiết kiệm, từ đó phân bổ chi tiêu kém hiệu quả.
Hiệu ứng “windfall” là điều rất dễ mắc phải. Số đông chúng ta thường cảm thấy rất phấn khích khi đến ngày được nhận lương/trợ cấp nên trong khoảng thời gian ngắn sẽ chi nhiều hơn so với những ngày “cháy túi” cuối tháng. Do đó, để có thể tiết kiệm, hãy thử chia lương của bạn thành các khoản theo tuần, thay vì theo tháng hoặc theo năm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm ba cách bên dưới để có thể chi tiêu phù hợp hơn:
Hãy chú ý đến những khoản chi nhỏ nhưng thường xuyên của bạn
Tại Common Cents Labs, Wendy đã thực hiện một vài nghiên cứu khác nhau và yêu cầu mọi người cho cô biết những lần mua hàng mà họ hối tiếc nhất. Sau phí thấu chi ngân hàng, loại giao dịch khiến nhiều người hối hận nhất chính là đi ăn tại những quán xá, nhà hàng.
Chi tiền cho “ăn hàng” là điều mà chúng ta làm khá thường xuyên, hay đơn giản chỉ là uống một ly cà phê hay mua thử một chiếc bánh – chỉ những khoản lặt vặt tưởng chừng như ít ỏi đó thôi nhưng lặp lại vô số lần thì cũng đủ để “tiêu diệt” hết số tiền dự định sẽ tiết kiệm.
Khi Wendy còn sống tại thành phố New York, tiền chi cho việc dùng các ứng dụng chia sẻ xe để đi lại hằng ngày là khoản tiêu khiến cô hối hận nhất. Bởi lẽ, chỉ sau một tháng, Wendy nhìn lại số tiền hơn 2.000 USD mà mình đã chi rồi vỡ òa khi nhận ra với tổng số tiền đó, cô hoàn toàn có thể tự thuê một chiếc xe riêng cho mình hằng tháng.
Sau khi nhận ra điều đó, Wendy tự thề với bản thân sẽ không bao giờ chi tiền cho những khoản không đáng, tuy nhiên kết quả là, tháng sau đó, cô lại tốn 2.000 USD. Tại sao lại có chuyện như vậy? Câu trả lời là, dẫu Wendy có rất muốn thay đổi cách chi tiêu của mình đi nữa thì cô vẫn không thể làm được do Wendy vẫn bị môi trường xung quanh chi phối cách tiêu tiền của mình.
Sau đó, Wendy đưa ra hai quyết định: Thứ nhất, cô hủy liên kết thẻ tín dụng của mình với toàn bộ những ứng dụng chia sẻ chuyến xe và thay thế bằng thẻ ghi nợ trị giá 300 USD. Trong trường hợp Wendy cần số tiền lớn hơn 300 USD, cô bắt buộc phải thực hiện quy trình nạp tiền khá tốn thời gian như đi chuyển thêm tiền vô thể hoặc đổi thẻ khác.
Sở dĩ cô làm vậy là do nghiên cứu của cô cùng đồng nghiệp trước đó đã chỉ ra rằng con người rất ngại đối diện với cản trở cũng như có xu hướng “từ bỏ” thay vì “chinh phục” chúng. Trong trường hợp vừa rồi, thẻ ghi nợ chính là “cản trở” mà Wendy sắp đặt để ngăn chặn thói quen tiêu tiền không hợp lý của bản thân.
Thứ hai, Wendy đã tự đặt cho mình một mức giới hạn. Cô nhận thấy, bộ não con người dẫu có khả năng ghi nhớ lượng thông tin rất lớn nhưng bộ não lại chẳng “hứng thú” gì với việc ghi nhớ toàn bộ tất cả khoản tiền mà “chủ nhân” đã chi, cũng như “ngại” xem xét xem thứ mà “chủ nhân” chuẩn bị chi có phải là thứ mà “chủ nhân” đã lên kế hoạch mua ban đầu hay không.
Tuy nhiên, bộ não lại rất giỏi trong việc để ý những con số đơn giản, ví dụ như số lần mà “chủ nhân” đã làm một việc gì đó. Từ đó, Wendy quy định, cô chỉ được sử dụng ứng dụng chia sẻ xe 3 lần/tuần hay 12 lần/tháng so với 50-75 lần/tháng trước đây. Việc tự đặt cho mình một giới hạn nhất định buộc Wendy phải biết cách tự phân bổ các chuyến đi của mình sao cho hợp lý.
Sau ví dụ của Wendy, bạn hãy giành một chút thời gian ngẫm lại những khoản tiền mà mình đã chi, sau đó nghĩ xem đâu là khoản chi khiến bạn ân hận nhất. Sau đó, hãy tìm cách thay đổi môi trường, tự tạo “cản trở” hay “giới hạn” để mỗi lần chi đều trở nên khó khăn.
Bạn có thể áp dụng hai cách trên như Wendy hoặc sáng tạo ra cách mới. Nếu như bạn thường xuyên mua đồ online trên các trang thương mại điện tử, hãy xóa tài khoản của mình để mỗi lần mua bạn phải đăng ký lại từ đầu. Nếu bạn hay dùng ứng dụng mua sắm, hãy xóa nó để mỗi lần muốn mua, bạn phải tải lại từ đầu.
Hãy tự cam kết với chính mình về việc chi tiêu tiết kiệm
Về cơ bản, con người có hai cách nghĩ về bản thân: đó là con người ở thực tại và con người ở tương lai. Thông thường, chúng ta có xu hướng nghĩ tốt về mình hơn trong tương lai như sẽ cố gắng tập thể dục, gọi điện thoại cho gia đình nhiều hơn, hay sẽ tiết kiệm để phòng khi về hưu.
Và một trong những lý do khiến nhiều người không thể hình thành thói quen tiết kiệm là do họ tin rằng mình sẽ tự lo được cho bản thân sau này. Chúng ta quên mất dẫu là hiện tại hay tương lai, chúng ta đều là một người; và chỉ có bắt đầu xắn tay vào làm từ bây giờ thì tương lai chúng ta mới có thể nhận được kết quả tốt đẹp như viễn cảnh mà bản thân mong muốn.
Tại Common Cents Labs, nghiên cứu cho thấy thời điểm mà con người dễ tiết kiệm nhất chính là khi được nhận khoản hoàn thuế. Nghiên cứu diễn ra như sau: với nhóm đầu tiên, Wendy và cộng sự nhắn tin cho họ vào đầu tháng Hai (trước khi nhóm người này khai thuế) với nội dung: “Nếu bạn nhận được tiền hoàn thuế, bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu phần trăm?”.
Đây quả thật là một câu hỏi khó trả lời bởi, nhóm người này hoàn toàn không biết họ sẽ được trả bao nhiêu tiền thuế, thậm chí là không biết mình có được hoàn thuế hay không. Với nhóm thứ hai, nhóm của Wendy hỏi mọi người về số phần trăm tiết kiệm ngay lúc họ vừa được nhận tiền hoàn thuế.
Đây là kết quả: nhóm thứ hai muốn tiết kiệm 17% số tiền hoàn thuế, còn nhóm thứ nhất, con số này lên đến 27%. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Wendy và đồng nghiệp cho rằng, nhóm thứ nhất được hỏi về một chuyện trong tương lai, mà căn bản là con người luôn có cái nhìn lạc quan về tương lai, họ nghĩ rằng tương lai bản thân mình ắt hẳn sẽ tập được thói quen tiết kiệm. Bạn có thể áp dụng điều này để suy nghĩ về nghĩ về việc bạn sẽ làm gì để cam kết rằng trong tương lai bạn chắc chắn sẽ tiết kiệm tiền.
Dù sao đi nữa, một khi đã cam kết, bạn phải theo đến cùng và cho ra kết quả thực sự chứ đừng chỉ cam kết nhưng sẵn sàng từ bỏ khi nản lòng. Những quyết định của bạn ở hiện tại đều ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn trong tương lai.
Hãy tận dụng những thời khắc chuyển giao
Vào năm 2017, Wendy và đồng nghiệp đã cùng nhau thử nghiệm một trang web hỗ trợ người cao tuổi chia sẻ nhà ở. Nhóm nghiên cứu đã chạy hai thông điệp quảng cáo khác nhau trên mạng xã hội cho đối tượng mục tiêu là người 64 tuổi. Nhóm thứ nhất, quảng cáo có nội dung: “Này, bạn đang ngày một lớn tuổi rồi! Bạn đã sẵn sàng để nghỉ hưu chưa? Việc chia sẻ nhà sẽ giúp bạn!”; nhóm thứ hai mang thông điệp cụ thể hơn: “Bạn đã 64 và chuẩn bị bước sang 65 rồi. Bạn đã sẵn sàng để nghỉ hưu chưa? Việc chia sẻ nhà sẽ giúp bạn!”.
Ở quảng cáo thứ hai đã nhấn mạnh sự chuyển giao đang diễn ra trong cuộc sống của con người. Nhờ vậy, quảng cáo này có được lượt nhấp chuột rất cao, đồng thời tỷ lệ người đăng ký chia sẻ cũng tăng nhanh chóng. Về mặt tâm lý học, các nhà khoa học gọi đây là “hiệu ứng khởi đầu mới”.
Nó được hiểu là, dù là khởi đầu năm mới hay mùa mới, bạn sẽ có động lực để làm điều gì đó hơn những ngày bình thường. Hãy thử áp dụng điều này vào cuộc sống của mình, ví dụ như đặt một cuộc họp vào ngày sau khi sinh nhật bạn vừa qua; hay chỉ ra một mục tiêu tài chính mà bạn muốn thực hiện nhất – đó có thể là mở một tài khoản tiền tiết kiệm hưu trí,…
Hy vọng qua ba mẹo nhỏ sau đây, tài khoản tiết kiệm của bạn sẽ dần tăng lên, và bạn cũng không phải “đau đầu” với vấn nạn cháy túi chỉ ít ngày sau khi vừa được nhận lương!