Ngày 31-3 tới đây, trong phiên đấu giá Mỹ thuật Đông Nam Á hiện đại và đương đại tại nhà Sotheby’s ở Hong Kong, nhiều tác phẩm có giá trị của các họa sĩ ASEAN sẽ được chào bán. Trong đó có một bức bình phong bốn tấm được coi là quý hiếm của họa sĩ Việt Nam Phạm Hậu.
Bức bình phong có tựa Chín con cá chép trong hồ nước, được ghép bốn tấm, kích thước mỗi tấm là 50 x 180cm, trải rộng ra tranh có chiều dài 200cm, cao 180cm. Họa sĩ Phạm Hậu đã thực hiện bức bình phong sơn mài này vào năm 1939-1940 cùng với nhiều tác phẩm khác vào thời kỳ được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông.
- Xem thêm: Khẳng định sự độc đáo của tranh sơn mài
Phạm Hậu (Phạm Quang Hậu) sinh năm 1903 trong một gia đình nghèo đông con tại làng Đông Ngạc, còn gọi là làng Vẽ, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Từ Liêm, thủ đô Hà Nội). Sớm mồ côi cha mẹ lúc tuổi nhỏ, nên ông phải sống nương tựa vào gia đình người thân trong họ tộc, trải qua thời niên thiếu hết sức khó khăn. Năm 17 tuổi, chàng trai Phạm Hậu thi vào Trường Bách nghệ Hải Phòng và trải qua bốn năm học tại trường dạy nghề này. Năm 1929, Phạm Hậu thi đậu vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, học khóa 5 của trường, học cùng khóa với Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc…
Tốt nghiệp, chàng họa sĩ trẻ trở về làng quê Đông Ngạc và trở thành một nghệ sĩ sơn mài được nhiều người biết đến, khiến hiệu trưởng Victor Tardieu tìm đến và giao cho người học trò một hợp đồng làm những hộp sơn mài đựng thuốc lá cho một hãng của Pháp. Cũng từ đó, Phạm Hậu tổ chức một xưởng sơn mài tại làng, nhận đặt hàng nhiều bức tranh và sản phẩm sơn mài như bình phong, tủ thờ…, cho đến ngày toàn quốc kháng chiến vào tháng 12-1946 mới ngưng sản xuất, sáng tác. Năm 1949, Phạm Hậu đã cùng các họa sĩ Trần Văn Du, Trần Quang Trân thành lập Trường Quốc gia Mỹ nghệ, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ngày nay.
- Xem thêm: Tranh sơn mài: kế thừa và phát triển
Năm 1995 Phạm Hậu qua đời, để lại một tài sản quý báu gồm nhiều bức tranh cùng những sản phẩm sơn mài ứng dụng. Nhiều tác phẩm của ông có trong các bộ sưu tập tư nhân ở nước ngoài và từng được đưa lên các sàn đấu giá danh tiếng, như bức bình phong ghép tám tấm, có tên Phong cảnh vùng trung du Bắc bộ đã được bán với giá gần 258.000 USD tại nhà Sotheby’s Hong Kong ngày 2-4-2016. Hay bức bình phong Phong cảnh chùa Thầy, ghép sáu tấm, được ông thực hiện năm 1939 đã bán với giá 1.960.000 HKD (tương đương 250.000 USD) cũng tại nhà Sotheby’s Hong Kong vào ngày 6-3-2013.
Bức bình phong Chín con cá chép trong hồ nước được ước tính sẽ bán với giá khoảng 2 triệu – 3 triệu HKD, cao nhất so với nhiều tác phẩm của các tên tuổi lớn như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ… cũng sẽ lên sàn dịp này.