Triển lãm tranh sơn mài đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (218A Pasteur, Q.3) là hoạt động thường niên của các họa sĩ thuộc Câu lạc bộ Sơn mài, cũng là triển lãm lần thứ II của câu lạc bộ kể từ ngày thành lập.
Dù là thành viên của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nhưng Câu lạc bộ Sơn mài còn quy tụ một số họa sĩ sống và sáng tác tại Bình Dương, cái nôi của sơn mài miền Nam với những làng nghề truyền thống lâu đời từng làm rạng danh sơn mài Việt trước 1975. Với 50 tác phẩm của 28 họa sĩ được trưng bày tại triển lãm, có thể thấy được sự kế thừa các thành tựu của những bậc tiền bối từ các thế hệ đi sau, đồng thời cũng có những tìm kiếm mới về mặt kỹ thuật cũng như về ngôn ngữ tạo hình thể hiện ở tranh của các họa sĩ trẻ, điển hình như Nguyễn Quang Sơn, một hậu duệ của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ở Bình Dương – người đã có một cuộc ra mắt khá thành công tại gallery Craig Thomas năm ngoái với tranh sơn mài cẩn xà cừ. Những nỗ lực tìm kiếm cách thể hiện mới, chất liệu mới trong tranh sơn mài đều đáng ghi nhận dù kết quả đạt được chưa đủ để gây được sự lạc quan.
Dễ nhận thấy tranh phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ… vẫn chiếm lĩnh triển lãm lần này và cũng dễ nhận thấy trình độ và tay nghề còn khá nhiều chênh lệch ở các thành viên câu lạc bộ. Gây ấn tượng đậm nét là bức Phong cảnh hồ trên núi của Nguyễn Thành Quốc Thạnh, kế đó có thể kể bức Dấu ấn di sản với ngôn ngữ nửa trừu tượng của Lương Quốc Thắng hay những bức tranh khổ nhỏ điêu luyện về kỹ thuật của Dương Sen, hoặc tranh của Nguyễn Bích Trâm, Dương Tuấn Kiệt… Đặc biệt phải kể đến một tác phẩm của Đào Minh Tri với đề tài cá quen thuộc của ông trước đây khi còn khỏe mạnh. Sự xuất hiện trở lại với hoạt động mỹ thuật của Đào Minh Tri là một tín hiệu vui với những ai từng yêu mến tác giả này. Bên cạnh đó, có những bức tranh còn dấu ấn của sơn mài mỹ nghệ hoặc thể hiện sự non tay về nghề nghiệp, thủ pháp.
Tại triển lãm đã ra mắt ban điều hành mới (nhiệm kỳ 2015-2020) của Câu lạc bộ Sơn mài với họa sĩ Dương Sen là chủ nhiệm.
- Như Hoa