Nên có sự thống nhất trong áp dụng luật theo hướng xem kinh doanh văn hóa tâm linh cũng là hoạt động đầu tư kinh doanh nên khi giao đất và cấp phép, khi khai thác thì yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo đúng quy định pháp luật.
Trước hết, cần gọi đúng tên, nhìn nhận đúng bản chất các công trình gắn với danh xưng tôn giáo đang mọc lên ngày càng nhiều để dựa vào đó phục vụ cho các hoạt động kinh doanh sau khi hoàn tất, là những dự án kinh tế.
Vậy thì yêu cầu tiên quyết là nó phải tuân thủ đầy đủ mọi quy định của luật theo các nhóm ngành nghề đầu tư, kinh doanh và không có ngoại lệ. Việc đứng tên chủ đầu tư xin phép xây dựng các công trình ấy đều không phải là giáo hội hay tổ chức tôn giáo mà là các doanh nhân, doanh nghiệp đã cho thấy rõ mục đích xây dựng và khai thác của các dự án. Do đó, việc áp các tiêu chí văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… thay cho tiêu chí luật pháp về kinh tế cho các dự án, công trình là không thỏa đáng.
Các dự án du lịch tâm linh này đều được giao khai thác trên một quỹ đất rất lớn. Pháp luật đầu tư quy định những hình thức ưu đãi đầu tư mà dự án khai thác du lịch tại các quần thể tâm linh, tín ngưỡng, di tích văn hóa-lịch sử, nếu đáp ứng được, sẽ được hưởng. Cụ thể, điểm a, c khoản 1 điều 15 quy định áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng thấp hơn mức thuế suất thông thường; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Thu các loại thuế đất nhưng có miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.
Gắn với tôn giáo, tâm linh để được hưởng lợi thế là điều đáng phải đặt ra. Chẳng hạn như nếu không gắn danh nghĩa tôn giáo, tâm linh, chỉ bằng các dự án đầu tư kinh doanh thông thường, liệu một doanh nghiệp có thể tập trung được chừng đó đất đai vào tay cùng một lúc, nhất là khi số vốn kinh doanh đầu tư họ có trong tay không thể đủ tương xứng với khả năng khai thác một diện ích đất đai lớn đến vậy.
Các dự án, dù là dự án tâm linh cũng phải đảm bảo tính khách quan trong quá trình giao đất, cho thuê đất. Không thống nhất, minh bạch được các vấn đề này, công trình kinh doanh gắn mác tâm linh sẽ bị lợi dụng, biến thành phương tiện móc rỗng ngân sách nhà nước ở nhiều công đoạn, cả đầu tư lẫn khai thác.
Bên cạnh đó, phần lớn tiền đầu tư, có thể lên tới 70%, đều là tiền vay ngân hàng. Theo quy định hiện hành, chi đầu tư công trình tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ… được xem như là tiền làm từ thiện và do đó không được tính vào chi phí để tính thuế.
Vấn đề đặt ra ở đây là các ngôi chùa và những công trình liên quan trong các dự án tâm linh, do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, có được xem là tài sản cố định của dự án không. Nếu không thì ứng xử với việc doanh nghiệp vay ngân hàng để đầu tư những công trình này thế nào?
Ngược lại, nếu xem những chùa chiền, nhà thờ… đó là một trong những tài sản cố định của dự án đầu tư của doanh nghiệp thì đương nhiên các khoản chi phí như lãi vay, tiền đầu tư xây dựng sẽ được khấu trừ vào thuế. Vậy thì tiền công đức người dân cúng vào chùa có bị xem là “doanh thu” của doanh nghiệp và có phải tính thuế không?
Một trong những điểm thuận lợi nữa mà doanh nghiệp có thể khai thác là đất của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích văn hóa – lịch sử được cấp sử dụng ổn định lâu dài, trong khi đối với các dự án kinh tế được nhà nước giao đất, cho thuê đất thì phải phụ thuộc vào đề án xin phép kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.
Trong thực tế, phần đầu tư xây dựng chùa chiền, tượng tháp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong toàn bộ các hạng mục công trình. Khu du lịch tâm linh Tam Chúc ở Kim Bảng, Hà Nam rộng 5.100 héc ta, nhưng mặt bằng xây dựng chùa Tam Chúc chỉ chiếm 144 héc ta. Phần lớn đất đai còn lại sẽ được xây dựng thành khu trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, bến xe điện, bến du thuyền, khu vui chơi tổng hợp, casino, biệt thự cao cấp…
Đây đều là công trình kinh doanh không liên quan gì đến tôn giáo và tín ngưỡng. Nếu đứng riêng, chúng sẽ phải chịu mức thuế, giá thuê đất… cao hơn nhiều so với việc xây chùa.
Về sự phân biệt này, điều 3 Nghị định 162/2017 NĐ-CP đã nói rõ: “Công trình tín ngưỡng là công trình xây dựng để làm cơ sở tín ngưỡng; Công trình tôn giáo là công trình xây dựng để làm cơ sở tôn giáo, tượng đài, bia và tháp tôn giáo; Công trình phụ trợ là công trình không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo gồm nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào khuôn viên thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các công trình tương tự khác”.
Ngoài ra, với các công trình đã triển khai và đã khai thác, nếu doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa tôn giáo, tâm linh để lách luật, trục lợi thì sẽ tạo ra bất bình đẳng và không lành mạnh trong môi trường kinh doanh luôn đầy tính cạnh tranh. Quan điểm áp dụng luật cần phải sớm được thống nhất để không tạo cơ hội cho doanh nghiệp “núp bóng” tâm linh, tín ngưỡng để được cơ quan nhà nước cấp đất ổn định lâu dài.
Trong giai đoạn khai thác cũng có nhiều bất cập. Nguồn thu của các dự án du lịch tâm linh đến từ nhiều nguồn: khai thác dịch vụ, tiền công đức, tiền bán vé tham quan. Trong số đó, những khoản tiền “công đức” hoàn toàn nằm ngoài các quy định thanh tra, kiểm toán, dù đây là một khoản thu cực lớn. Cho đến nay, chưa có quy định rõ ràng, công bằng nào cho vấn đề này.
Các công trình tôn giáo tâm linh siêu khủng đều ăn theo một cổ tự, danh thắng nổi tiếng đã có sẵn, cũng là một lý do rất quan trọng giúp nhà đầu tư nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vậy nhưng, phần đóng góp có tính chất nghĩa vụ, lẽ ra phải theo quy định bắt buộc thì lại hầu như không có, hoặc có rất ít.
Sau mỗi đợt lễ hội, các quần thể danh thắng, chùa, đền nổi tiếng đều thu được số tiền lớn hàng chục tỉ đồng. Hiện nay chỉ khoảng 4% trong số đó được trích ra để nuôi bộ máy vận hành dịch vụ của chính nó, cũng như bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, tu sửa hạ tầng, đường hành hương và chăm sóc, bảo vệ rừng. Trong khi đó, hầu hết các địa điểm khai thác đều được xếp vào nhóm di tích văn hóa – lịch sử quốc gia, cho nên những đợt sửa chữa, tu bổ lớn trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng đều dùng tiền ngân sách chi trả.
Cơ quan chức năng nên có sự thống nhất trong áp dụng luật theo hướng xem kinh doanh văn hóa tâm linh cũng là hoạt động đầu tư kinh doanh nên khi giao đất và cấp phép, khi khai thác thì yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo đúng quy định pháp luật.
Các dự án, dù là dự án tâm linh cũng phải đảm bảo tính khách quan trong quá trình giao đất, cho thuê đất. Không thống nhất, minh bạch được các vấn đề này, công trình kinh doanh gắn mác tâm linh sẽ bị lợi dụng, biến thành phương tiện móc rỗng ngân sách nhà nước ở nhiều công đoạn, cả đầu tư lẫn khai thác.