Cũng như những năm trước, gần đến tết nhu cầu tiêu thụ các loại hoa, trái “độc, lạ” lại tăng vọt. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội khiến người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh tha hồ lựa chọn và mua sắm sản vật ở các tỉnh.
Nhờ Facebook mà năm nay nhiều người Sài Gòn biết đến bí đao khổng lồ và gạo nếp thượng hạng của thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Bí đao Chánh Trạch nặng 50 – 70kg, để trưng bày rất ấn tượng; còn gạo nếp thơm ngon của địa phương này vốn nổi tiếng khắp Bình Định nên khi được giới thiệu trên mạng xã hội đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Ngoài bí đao và nếp, trái dừa tạo chữ nghệ thuật, dừa chúc xuân sản xuất ở xã Mỹ Thọ cũng đang được thương lái tỉnh ngoài tìm đến đặt hàng. Trong nhà của chị Nguyễn Thị Lệ ở Mỹ Thọ hiện có gần 10 nghệ nhân nữ miệt mài tạo hình, tô vẽ, đính đá chữ chúc tết trên trái dừa.
Chị Lệ chia sẻ: “Trước Tết Nguyên đán một tháng, lượng dừa tạo chữ nghệ thuật của chúng tôi đã bắt đầu cháy hàng. Năm nay, chúng tôi sẽ cho ra thị trường thêm nhiều mẫu mã bắt mắt hơn với giá khoảng 130.000 đồng/cặp dừa…”.
- Xem thêm: Thị trường hoa tết bắt đầu khởi động
Trong khi đó, ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, nông dân trẻ Nguyễn Hữu Tiến Đạt cũng được giới chơi kiểng các thành phố lớn chú ý khi ghép thành công cây tiểu quỳnh vào thân cây thanh long, trở thành loại cây cảnh mới chưng tết.
Tiểu quỳnh cùng họ với thanh long, được trồng nhiều tại Đà Lạt, hoa có sắc hồng, đỏ rất đẹp nở suốt mùa tết. Sau hai năm nghiên cứu, Nguyễn Hữu Tiến Đạt đã ghép được tiểu quỳnh vào thanh long và nhân rộng thành quả. Tết Kỷ Hợi Tiến Đạt sẽ bán ra khoảng 500 chậu cây cảnh này với giá trung bình 50.000-60.000 đồng/chậu, còn chậu lớn có giá tới 700.000-800.000 đồng.
Vài tuần trước, cơ sở hoa kiểng Bảy Oanh ở làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp đưa về vườn 20 cây bưởi Diễn – loại trồng trong chậu để chơi kiểng tết. Loại bưởi nổi tiếng của làng Diễn (huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi đưa về vườn kiểng Bảy Oanh đã có khách đến đặt mua ngay với giá 5-10 triệu đồng/cây.
Chủ cơ sở Bảy Oanh, anh Đào Hải Triều cho biết việc đưa bưởi Diễn từ phía Bắc vào phục vụ nhu cầu chơi tết của người dân Đồng bằng sông Cửu Long là cách làm “đột phá” của gia đình anh năm nay. Trái bưởi Diễn có màu vàng óng, thơm ngon, lại bảo quản được trong thời gian 3-4 tháng nên được nhiều người ưa chuộng. 20 cây bưởi Diễn “Nam tiến” đầu tiên đã được tiêu thụ hết và có khách đặt hàng thêm 200 cây.
“Cây bưởi từ Hà Nội vào Đồng Tháp phải mất hơn hai ngày, chưa kể các công đoạn chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó như trái bưởi phải quấn băng keo cẩn thận để tránh bị va đập, rụng… Đưa bưởi Diễn vào miền Nam là cách góp phần làm phong phú các sản phẩm tết, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn các loại trái cây kiểng để chưng tết” – chủ nhân vườn kiểng Bảy Oanh chia sẻ.