Parkinson là bệnh về thần kinh xảy ra khi một nhóm tế bào trong não bị thoái hóa. Khi các tế bào não không còn kiểm soát được vận động của cơ bắp, người bệnh sẽ đi đứng khó khăn, cử động chậm chạp, tay chân run cứng.
Khi bệnh tiến triển, nó phá hủy các tế bào thần kinh, dẫn đến thiếu hụt dopamine, một chất truyền thần kinh có thể gửi tín hiệu lên não để điều khiển vận động. Đây là căn bệnh hiện không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, mà thuốc điều trị chỉ có thể giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống, trì hoãn quá trình tiến triển của bệnh.
Trên thế giới hiện đã có hơn 10 triệu người mắc bệnh Parkinson, trong đó tỷ lệ nam giới nhiều hơn phụ nữ, bệnh thường khởi phát lúc 60 tuổi nhưng những dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện từ sớm, trước khi khởi phát từ 8-10 năm. Hiện nay bệnh nhân Parkinson có dấu hiệu “trẻ hóa”, nhiều người có những dấu hiệu bệnh khi chỉ trên 35 tuổi.
- Xem thêm: Phát hiện mới về bệnh Parkinson
Tiến sĩ Bobby Jacob của Trung tâm chăm sóc sức khỏe Aster Medcity (miền Nam Ấn Độ) cho biết, vì không thể chữa khỏi căn bệnh này nên việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là biện pháp tốt nhất giúp người bệnh có thể cải thiện chức năng vận động. Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh cũng đưa ra lời khuyên, nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào dưới đây, bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám để có thể sớm phát hiện bệnh.
Căng thẳng, mệt mỏi và thay đổi tâm trạng thường xuyên. Bộ não thường chịu trách nhiệm về suy nghĩ, hành xử, nhìn nhận và phản ứng với các tình huống nhất định trong cuộc sống – tất cả hình thành nên tính cách và tâm trạng của mỗi con người. Bất kỳ sự thay đổi trong tính cách cũng như tâm trạng đều có thể là dấu hiệu nhận biết của bệnh Parkinson. Với người mắc bệnh này hay xuất hiện tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và tâm trạng thường xuyên thay đổi bất chợt. Đây là biểu hiện phổ biến nhất nhưng nhiều người lại không quan tâm.
Ngoài ra, người mắc bệnh Parkinson cũng có những dấu hiệu về thần kinh như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu…
Giảm khứu giác. Khi mới chớm bệnh, người bệnh thường không phân biệt được rõ ràng các mùi và khứu giác ngày càng suy giảm khi bệnh nặng.
Gặp vấn đề về tiêu hóa. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của bệnh Parkinson, đặc biệt với người lớn tuổi, đó là tình trạng táo bón hoặc các vấn đề khác về tiêu hóa.
Bị khàn giọng hoặc giọng nói trở nên khác lạ chính là dấu hiệu đáng lo ngại, khi bệnh trở nặng nhiều người còn bị mất đi giọng nói.
Cảm thấy chóng mặt hoặc bị ngất vào buổi sáng sau khi thức dậy cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh Parkinson.
Đau nhức xương khớp, nhất là ở người lớn tuổi, thường bị nhầm lẫn với các bệnh về xương khớp, loãng xương, mà không nghi ngờ là do Parkinson. Vì thế, nếu bị đau xương khớp kéo dài, dùng thuốc không thuyên giảm, người bệnh nên đi khám xem có bị mắc bệnh Parkinson hay không.
Run nhẹ. Ở giai đoạn đầu, có thể xuất hiện các triệu chứng run nhẹ không thể kiểm soát ở các ngón tay (thường thấy ở ngón tay cái trước tiên), cằm, môi… Khi bệnh đã tiến triển, triệu chứng này có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể như tay, chân, đầu…
Hoạt động chậm chạp. Đây là một trong những dấu hiệu điển hình khi mới mắc bệnh Parkinson. Bất cứ những thay đổi tư thế nào như khi quay đầu, xoay người, đứng lên, ngồi xuống, cài nút áo, thắt dây giày… người bệnh thường làm với tốc độ chậm, không rõ ràng. Nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu của tuổi già, nhưng thực tế nó cũng là dấu hiệu sớm của căn bệnh thoái hóa thần kinh.
Tê cứng các khớp. Trong giai đoạn đầu của bệnh, các khớp bị cứng lại, ảnh hưởng đến việc cử động, đi lại của bệnh nhân, điều này dẫn đến sự mất cân bằng khi di chuyển, khiến người bệnh có sự thay đổi tư thế như hay khom lưng hoặc nghiêng về phía trước.