Bạn vừa được mời ăn trưa với cấp trên của sếp trực tiếp hoặc một quản trị viên cấp cao của công ty. Bạn thấy phấn khích hay hồi hộp? Bạn có thể tự hỏi: Mình nên ứng xử như một cuộc gặp trong công việc hay nên xem đây là một hình thức xã giao? Mình nên hỏi gì, ăn mặc ra sao và gọi món như thế nào cho phù hợp? Hãy thư giãn. Đây chỉ là một bữa ăn trưa, nhưng cũng là một cơ hội giúp đưa nghề nghiệp của bạn tiến xa hơn nếu bạn biết cách tận dụng nó.
Đưa ra những câu hỏi, nhưng đừng quá cụ thể
Đây có thể là một cơ hội tuyệt vời để tạo ấn tượng tốt, nhưng nên nhớ mục tiêu chính của bạn là xây dựng quan hệ. Bạn nên cưỡng lại thôi thúc muốn “phô bày” tất cả kỹ năng và kiến thức của mình vì đây không phải là một buổi phỏng vấn xin việc.
Nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi để giúp bạn thể hiện rằng bạn muốn biết về vị sếp lớn này trong tư cách cá nhân, chứ không chỉ vì vị trí cấp cao của họ. Bạn nên đưa ra những câu hỏi có thể giúp bạn cảm nhận được tầm nhìn của họ. Nên tránh những câu hỏi quá cụ thể, chẳng hạn, không nên hỏi về những gì sắp diễn ra trong bộ phận, phòng ban của bạn trong quý tới hay năm tới. Thay vào đó, nên hỏi những nội dung như “Những sáng tạo đổi mới nào mà anh/chị cho là quan trọng nhất trong tương lai?”. Điều này cho thấy bạn quan tâm đến cách tư duy của người lãnh đạo này hơn là đặt họ vào chỗ buộc phải trả lời bạn.
Chia sẻ về cách mà công ty đang giúp bạn phát triển sự nghiệp
Một động thái khôn ngoan khác khi tiếp xúc với một lãnh đạo cấp cao là chia sẻ về cách mà công ty đang giúp bạn phát triển sự nghiệp. Không nên chỉ xoay quanh về bổn phận trong công việc hay những dự án mà bạn thích thú, mà cũng cần trao đổi về những điều mà bạn cảm thấy thực sự mang lại giá trị cho bản thân như một chương trình huấn luyện hay một sự kiện nào đó.
Sự chia sẻ này giúp bạn bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì mà công ty đang đầu tư vào nghề nghiệp của bạn mà không quá đào sâu vào các chi tiết thuộc về công việc của bạn. Nên nhớ, mục tiêu của bạn là tạo thiện cảm chứ không phải là trưng ra bảng thành tích. Người lãnh đạo này có thể không cần biết những chi tiết đó, mà họ muốn biết về bạn và cũng muốn thấy rằng bạn có biết về họ. Nếu bạn không tạo được ấn tượng này, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội tạo mối quan hệ với một cố vấn tiềm năng, có giá trị bên trong tổ chức của bạn.
Nên nói gì về môi trường làm việc?
Một trong những câu hỏi mà bạn có thể gặp là “Chúng ta có thể làm gì để mọi thứ trở nên tốt hơn?”. Bạn không thể trả lời: “Không có gì!” hoặc “Mọi thứ đều tuyệt vời!”. Nhưng bạn cũng không thể phàn nàn, kêu ca những chuyện đang xảy ra hằng ngày. Vấn đề lớn nhất của bạn có thể liên quan đến một đồng nghiệp cứ thích phá bĩnh nhưng đây không phải là lúc trút giận. Thay vào đó, nên xem bữa ăn trưa này là cơ hội để nhận phản hồi về những ý tưởng mới của bạn và điều này sẽ có lợi cho cả bạn và công ty.
Hơn nữa, khi bạn đặt người sếp lớn này trong vai trò tư vấn, họ sẽ cảm thấy thoải mái nhất. Cho họ biết ý tưởng của bạn về một vấn đề cụ thể nào đó là cách tốt nhất để trả lời câu hỏi liên quan đến môi trường làm việc trong trường hợp này.
Hãy gieo một hạt giống
Cuối cùng, hãy “gieo hạt giống” cho một trong những mục tiêu dài hạn của bạn với công ty. Và hãy tránh đề cập trực tiếp. Tất cả những gì mà bạn cần làm là “gieo” gợi ý bằng cách kể một câu chuyện hoặc đưa ra ví dụ về những gì mà bạn thích làm trong tương lai. Có thể bạn thích ra nước ngoài làm việc trong môi trường toàn cầu.
Hãy tìm cơ hội để nói về những gì mà bạn đã học và trải nghiệm trong một chuyến công tác nước ngoài và khéo léo đề cập đến mong muốn của bạn, nhưng nên nhớ là đề cập nhẹ nhàng thôi. Bạn chỉ cần “kết nối những dấu chấm” chứ không phải là “đóng một cây đinh”.