Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, Hiệp hội Siêu thị quốc gia Nhật Bản (NSAJ) đã phối hợp cùng Hiệp hội Hợp tác kỹ thuật và Đối tác bền vững Việt Nam (AOTS) và Viện IMT tổ chức buổi hội thảo “Sự phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tại Nhật Bản” tại TP. Hồ Chí Minh ngày 30-10-2018.
Theo ông Tetsuichiro Tomihari – đại diện Hiệp hội Siêu thị quốc gia Nhật Bản, sự thay đổi môi trường vĩ mô tác động đến các nhà bán lẻ Nhật Bản. Số liệu thống kê hiện nay cho thấy tỷ lệ dân số trên 65 tuổi ở Nhật đã chiếm 26,6% và vẫn tiếp tục tăng cao do tỷ lệ sinh giảm, số hộ “đơn” có một thành viên tăng và số hộ 2-3 thành viên giảm. Có sự khác biệt lớn trong chênh lệch thu nhập cùng độ tuổi, và trong cùng mức thu nhập cũng có khác biệt lớn về mức tiêu thụ, nhu cầu mua sắm…
Các đặc điểm này mang lại những thay đổi rõ rệt trong ngành bán lẻ tại Nhật Bản. Doanh số của ngành thực phẩm đang có xu hướng ngày càng tăng so với các ngành hàng khác và siêu thị vẫn là kênh mua sắm chính của người tiêu dùng Nhật. Tuy nhiên, thói quen mua sắm và nhu cầu về các mặt hàng cũng có sự biến động lớn. Ngoài siêu thị thì cửa hàng tiện lợi, drugstore, thương mại điện tử là những kênh mua sắm quen thuộc với giới trẻ.
- Xem thêm: Tìm giải pháp cho ngành bán lẻ Việt Nam
Với sự đa kênh này, “miếng bánh” trong ngành bán lẻ thực phẩm ở Nhật Bản đang rất béo bở. NASJ cũng cung cấp rất nhiều thông tin thống kê mới nhất về thị trường, các chuyển biến trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng và xu hướng trong ngành bán lẻ, đặc biệt là kinh doanh siêu thị.
Ông Tetsuichiro Tomihari cho biết tiêu chí mà người Nhật rất quan tâm khi mua thực phẩm là “tốt cho sức khỏe”. Và một trong những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa vào thị trường khó tính này là phở khô, bún khô… với đặc trưng là chế biến từ gạo, không phải làm từ bột mì như các loại mì hiện có ở Nhật. Hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam còn rất hiếm hoi tại thị trường Nhật. Như tại sự kiện triển lãm do NSAJ tổ chức tại Nhật Bản để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trưng bày, giới thiệu sản phẩm với các nhà mua hàng quốc tế thì chỉ có vài doanh nghiệp Việt Nam tham gia, chủ yếu là các mặt hàng gia vị và đồ khô.
Cũng theo đại diện của NSAJ, những người tiêu dùng Nhật trong độ tuổi 20-30 đang có thói quen tìm đến những cửa hàng chuyên về thực phẩm không phải của Nhật Bản để mua sắm. Đây là một “ngách” nhỏ để hàng Việt Nam có thể đưa vào và có được lựa chọn hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng của sản phẩm đó.
Tuy nhiên, ông cũng khuyên các doanh nghiệp Việt muốn đưa sản phẩm vào thị trường Nhật Bản phải thông qua các đại sứ quán, tham tán thương mại để làm cầu nối. Ông cho rằng do đặc thù kinh doanh của người Nhật, việc được kết nối với một bên thứ ba có kinh nghiệm kiểm định ngay từ bước đầu khiến họ an tâm hơn, giúp cho việc đàm phán, đưa sản phẩm vào tiêu thụ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Xem thêm: Chiến lược định giá trong ngành bán lẻ: Có nên khớp giá bán ở cửa hàng thực với giá bán trực tuyến
“Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ giảm áp lực về hàng rào thuế quan. Tôi thấy rằng, riêng mảng thực phẩm thì trái cây và các loại gia vị dùng trong nấu ăn đang được người tiêu dùng tại Nhật rất chuộng. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến áp dụng công nghệ, thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó mới có thể mang thương hiệu của mình đến thị trường Nhật Bản”, ông Tomihari nói.
Cũng tại hội thảo này, giám đốc triển lãm NSAJ giới thiệu về sự kiện thường niên trong ngành lớn nhất Nhật Bản sắp được tổ chức lần thứ 53 vào tháng 2-2019 – Triển lãm siêu thị 2019 (Supermarket Trade Show 2019) tại Chiba. Triển lãm là nơi cung cấp thông tin mới nhất cho ngành công nghiệp phân phối thực phẩm tập trung vào các siêu thị, với sự quy tụ của các sản phẩm, thiết bị mới từ hơn 2.200 thương hiệu.
Ông Tomihari cũng nhấn mạnh các điểm đặc sắc trong triển lãm 2019 gồm: Rượu thủ công truyền thống Nhật Bản, dự án Future Store 2019-2020 về tương lai của các siêu thị, giải thưởng “Bento bữa ăn làm sẵn 2018”… Đặc biệt, chương trình “Nhà bán lẻ quốc tế” sẽ là một cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và phát triển mối quan hệ với các đối tác tiềm năng.