Trong cuốn sách In the Company of Giants (tạm dịch: Tại công ty của những gã khổng lồ), hai tác giả Rama Dev Jager và Rafael Ortiz đã hỏi Steve Jobs về việc tạo lập đội ngũ nhân viên. Câu trả lời mà vị CEO quá cố của Apple đưa ra như sau: “Khi bạn trong giai đoạn thành lập một công ty, mười người đầu tiên sẽ quyết định công ty sẽ thành công hay không”. Nếu bạn quan tâm đến việc tuyển dụng người tài thật sự, hãy nghĩ đến những cách làm riêng của Steve Jobs.
Xác định rõ tiêu chuẩn nhưng không quá cứng nhắc
Mới nghe, điều này có vẻ quá sức hiển nhiên, nhưng thông thường, những người giữ vai trò tuyển dụng nhân viên mới lại thường không đặt trọng tâm vào nhu cầu tuyển người một cách chuẩn xác và cụ thể. Chẳng hạn, có người phỏng vấn một ứng viên khá hoàn hảo nhưng rồi không tuyển dụng vì chưa thấy đúng ý (đúng ý chứ không phải đúng tiêu chuẩn).
- Xem thêm: Cân bằng giữa công nghệ và sự cá nhân hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển người tài
Ngược lại, có người chọn lọc mãi mới quyết, nhưng sau đó mới biết mình tuyển lầm người.Steve Jobs luôn nắm bắt rất rõ nhu cầu vì sao cần tuyển người nhưng ông không quá khắt khe về những tiêu chuẩn đã đặt ra. Có khi sự lựa chọn của ông khiến mọi người ngạc nhiên vì ông thấy được một điểm đặc biệt ở ứng viên mà những người khác không nhìn thấy được.
Điều đó đã từng xảy ra với Susan Kare – một nghệ sĩ tài năng nhưng không rành về công nghệ thông tin. Vì lẽ đó, cô đương nhiên không đạt chuẩn để được nhận vào nhóm Mac của Apple. Chỉ có Steve nhìn thấy điểm sáng của Susan, đó là khả năng bắt việc nhanh chóng và tiềm năng sáng tạo lớn. Đối với Steve, năng lực, niềm đam mê và năng khiếu nghệ thuật của Susan Kare quan trọng hơn hẳn và đánh át điểm yếu về trình độ công nghệ thông tin của cô.
Đừng tìm kiếm nhân tài bằng những phương pháp tầm thường
Việc Steve chấp thuận lời mời đến diễn thuyết tại Đại học Stanford (bang California) đã trở thành một sự kiện quan trọng. Nhiều sinh viên nghĩ rằng đó là một dịp hiếm có để thảo luận về kinh doanh với một trong những người sáng lập ra công ty phần mềm hàng đầu thế giới. Với Steve Jobs, ông cũng phấn khởi vì cảm thấy có thêm nguồn cảm hứng và năng lượng từ chính các sinh viên. Tại bất cứ cuộc gặp gỡ nào, Steve luôn “bật anten” dò tìm những ứng viên tiềm năng cho nhóm Macintosh của mình.
Mike Murray – một sinh viên ngoài đôi mươi đang học MBA cũng làm cho Steve để ý đến ngay trong lần gặp đầu tiên. Lúc ấy, ông chủ Apple chỉ giới thiệu qua loa về Apple và cách họ nỗ lực để thay đổi thế giới với chiếc máy tính cá nhân. Song đó lại là những gì Mike muốn nghe và anh ta nêu vài câu hỏi khiến Steve bị bất ngờ. Trở thành một phần của Apple, Mike Murray được giao công việc lãnh đạo nhóm tiếp thị Mac.
Một người giới thiệu với Steve chàng trai tên là Mike Boich – cựu sinh viên Đại học Stanford, đang theo đuổi MBA tại Harvard. Steve nhanh chóng liên hệ với Mike và sau một cuộc đối thoại không dài đã lập tức tuyển anh.
Chính Mike Boich là người đương đầu với mọi thách thức gian nan nhất khi Apple tung Macintosh ra thị trường, đồng thời tạo ra cụm từ “người phúc âm” – chuyên gia làm nhiệm vụ thuyết phục các nhà phát triển phần mềm tạo ra các chương trình phần mềm riêng cho Mac. Mac đã tồn tại và phát triển nhờ những người phúc âm như vậy.
Người tài giỏi biết rõ những người tài giỏi khác
Steve luôn nói rằng: “Chúng ta chỉ tuyển dụng những tay chơi hạng A”. Theo ông, nếu tuyển một số cá nhân hạng B rồi tuyển một số ít nữa thuộc hạng C, không sớm thì muộn, toàn bộ tổ chức sẽ đi xuống. Hẳn nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức tuyển dụng toàn những cá nhân ưu tú.
Vậy làm thế nào để có được những cá nhân thật sự tài giỏi và phù hợp với doanh nghiệp?
Một trong những nguồn trợ giúp đắc lực chính là các nhân viên của bạn. Những cá nhân nhạy bén thường thích được làm việc tại nơi có nhiều cá nhân nhạy bén khác. Do đó, khi bạn cần thiết tuyển dụng một ai tài giỏi, hãy đề nghị những người có năng lực trong công ty giới thiệu những ai mà họ thán phục về mặt này hoặc mặt khác.