Bạn đã từng bị hủy chuyến bay mà không có một lý do nào? Bạn đáp máy bay đến một sân bay và phát hiện ra hành lý của mình đang nằm ở một sân bay khác? Bạn đặt phòng khách sạn và khi nhận phòng mới biết thông tin đặt phòng của mình đã không được xử lý chính xác? Đó là những trải nghiệm tiêu cực, đem đến sự lo lắng, khó chịu mà du khách thường gặp trong dịch vụ du lịch và lữ hành, trong khi cái mà họ mong đợi là niềm vui hay cảm nhận được khám phá những điều mới lạ.
Du khách thời hiện đại muốn có những trải nghiệm mang tính cá nhân cao mà họ có thể kiểm soát được. Đòi hỏi này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng những mong đợi của khách hàng. Dưới đây là một số công nghệ mới nhất.
1. Trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này gắn liền với việc thu thập và xử lý các cơ sở dữ liệu lớn để đưa ra những khuyến nghị mang tính cá nhân về những điểm đến hay các hoạt động dành riêng cho từng đối tượng khách hàng.
Chẳng hạn, chuỗi khách sạn sang trọng Dorchester Collection sử dụng AI để phân tích các nhận xét của khách hàng, từ đó thay đổi thực đơn bữa ăn sáng cho phù hợp hơn với phản hồi và sở thích của họ.
AI còn có thể tự động hóa một số phương diện khác trong lĩnh vực du lịch và lữ hành để tạo ra trải nghiệm nhanh chóng và hiệu quả hơn cho khách hàng.
2. Những căn phòng thông minh. Hãy hình dung bạn có thể điều khiển mọi chức năng của một căn phòng khách sạn bằng giọng nói của mình. Những căn phòng thông minh như thế đang là sản phẩm của chuỗi khách sạn InterContinental ở Trung Quốc và mô hình này dự kiến sẽ được nhân rộng ra nhiều điểm đến khác trên thế giới.
Khách hàng có thể sử dụng cách ra lệnh bằng tiếng nói tương tự như tương tác giữa con người với nhau và những căn phòng được trang bị công nghệ AI sẽ lắng nghe các lệnh này để thay đổi âm nhạc, điều chỉnh ánh sáng, màn rèm hoặc tăng giảm nhiệt độ phòng theo yêu cầu của họ.
3. Các chatbot. Để khách hàng không phải chờ đợi, một số doanh nghiệp tạo ra những chatbot (phòng trao đổi trực tuyến), giúp họ dễ dàng sử dụng tiếng nói hoặc tin nhắn văn bản cho việc đặt chỗ, thay đổi chuyến bay hay lên lịch trình cho một chuyến đi.
Những chuỗi khách sạn như Aloft thậm chí còn sử dụng các chatbot để cho phép khách gửi tin nhắn văn bản kèm theo các biểu tượng cảm xúc (emoji), đưa ra các yêu cầu về dịch vụ phòng mà không cần phải trao đổi với bất cứ ai.
4. Các ứng dụng. Hãng hàng không Delta hiện đưa ra một ứng dụng giúp khách hàng có thể hình dung rõ ràng về lộ trình di chuyển của hành lý trong toàn khu vực của một sân bay, từ đó biết được hành lý của mình có được chuyển đến đúng nơi cần đến.
Một số ứng dụng trong lĩnh vực lữ hành khác có chức năng chuyển đổi ngôn ngữ theo thời gian thực, cập nhật liên tục các thông tin về vùng trời mà máy bay đang bay qua và giúp khách hàng có đầy đủ chi tiết về các giao dịch đặt phòng khách sạn vào phút chót nhằm tạo ra cho họ một trải nghiệm đi lại suôn sẻ và thuận tiện.
5. Tương tác thực tế (Augmented Reality – AR). AR giúp tăng cường trải nghiệm về thế giới thực và có nhiều ứng dụng trong du lịch lữ hành. Một khảo sát gần đây cho biết khoảng 50% du khách đều rất quan tâm đến việc sử dụng AR để tìm kiếm thông tin về những điểm đến hoặc hoạt động thú vị.
Khu nghỉ dưỡng Premier Inn ở Anh hiện sử dụng The Hub Hotel – một mô hình bản đồ ứng dụng công nghệ AR để cung cấp thêm thông tin cho khách hàng về những điểm đến mà họ quan tâm qua một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
6. Cá nhân hóa. Nhiều công ty hiện đang làm rất tốt việc theo dõi các xu hướng tiêu dùng và lập ra hồ sơ cá nhân của từng khách hàng, từ đó biết được vì sao khách hàng đi du lịch, đi cùng ai và quan tâm đến những hoạt động nào.
Du thuyền Carnival Cruises cung cấp cho du khách những chiếc “băng đeo tay thông minh” trong thời gian đi du lịch trên tàu để thông báo đến họ thông tin về những điểm đến, những hoạt động mà họ quan tâm dựa trên sở thích và vị trí của họ trên con tàu.
7. Nội dung do người dùng tạo ra. Nhiều công ty trong lĩnh vực du lịch đang có xu hướng sử dụng nội dung do người dùng đánh giá để quảng bá về điểm đến và dịch vụ của mình. Chẳng hạn, dịch vụ tàu du lịch trên sông Uniworld đưa nội dung do người dùng tạo ra lên trang web để du khách có thể hình dung về các con tàu và các chuyến đi qua cái nhìn của những người đã được trải nghiệm.
8. Thực tế ảo (Virtual Reality – VR). Công nghệ thực tế ảo ngày nay cho phép du khách kiểm tra các trải nghiệm trước khi đặt lịch cho một chuyến đi. Các khách sạn Marriott hiện sử dụng VR Postcards, cho phép khách hàng xem trước hình ảnh của các điểm đến trên toàn thế giới.
Khách hàng có thể xem trước hình ảnh của các phòng khách sạn, các danh lam thắng cảnh và các trải nghiệm như thể họ đang có mặt ở đó hoặc đang tham gia các hoạt động.
9. Bitcoin. Được xem là đồng tiền của tương lai, bitcoin là một hệ thống thanh toán toàn cầu có khả năng lưu trữ dữ liệu một cách bảo mật và an toàn, xua tan nỗi lo bị mất tiền bạc hoặc các thông tin cá nhân của chủ sở hữu.
Hơn 3.100 máy ATM bitcoin đang mọc lên ở nhiều nơi trên thế giới, tạo thuận lợi và dễ dàng cho du khách trong việc rút tiền chỉ bằng cách nhập số điện thoại, mật mã cá nhân và chụp quét lòng bàn tay mà không cần dùng đến bất kỳ một loại thẻ nào.
10. Các phương tiện không người điều khiển. Xe tự lái có thể đưa du khách đi tham quan một thành phố nào đó. Trên xe có một robot hướng dẫn viên để cung cấp thông tin về những nơi mà xe đang đi qua. Tesla, Google và một số nhà sản xuất xe hơi khác hiện đang chế tạo ra những chiếc xe không người lái như thế.