Sau hơn 10 năm du nhập vào TP. Hồ Chí Minh, nghề trồng lan cắt cành (những giống lan trồng để cắt lấy hoa thương phẩm) từ con số không ban đầu diện tích trồng hoa đã lên đến 360ha vào năm 2017, tập trung chủ yếu ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh; cung ứng cho thị trường khoảng 7 triệu chậu và gần 70 triệu cành, đạt giá trị hơn 615 tỉ đồng.
Số liệu của Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh cho thấy nếu như giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp thành phố là 410 triệu đồng/năm thì giá trị sản xuất bình quân của 1ha trồng lan là 700 triệu đồng/năm. Cùng với rau an toàn, thủy sản, cá cảnh, lan các loại giúp cho giá trị sản xuất đất nông nghiệp thành phố tăng lên hằng năm trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp thành phố đang thu hẹp.
- Xem thêm: Gỡ khó cho trồng hoa công nghệ cao
Theo người làm nghề này, lan cắt cành phải được trồng dưới đất nhưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long nền đất thường thấp, chưa kể còn có “mùa nước nổi”, không thuận tiện để trồng lan cắt cành. Các tỉnh miền Trung tuy phù hợp thời tiết và thổ nhưỡng, có thể mở rộng diện tích nhưng hằng năm mùa mưa bão luôn đe dọa. Do vậy, TP. Hồ Chí Minh có thể tận dụng lợi thế về tự nhiên để liên kết với các tỉnh, tạo thành chuỗi tiêu thụ ổn định, hướng đến mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Vừa qua Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ lan cắt cành tại TP. Cần Thơ. Qua khảo sát của Sở này, tại khu vực miền Tây Nam bộ hiện nay lan cắt cành có giá bán cao nhưng hàng ít, chất lượng kém. Hội nghị đã tạo cơ hội cho các nhà vườn, các hợp tác xã trồng lan có thể ký kết trực tiếp với các tỉnh, cửa hàng để cung cấp giá tốt, sản lượng ổn định, hướng đến hợp tác lâu dài. Sắp tới, Sở dự kiến tổ chức festival hoa để thông qua đó tạo cơ hội quảng bá lan cắt cành, đồng thời sẽ mở rộng thị trường ở nhiều địa phương khác.
Theo ông Trần Trường Sơn, Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, hiện nay các nhà vườn trồng lan cắt cành chưa chủ động tìm kiếm thị trường, chỉ trông chờ thương lái. Các nhà vườn nhỏ muốn cân bằng được cung – cầu nhằm ổn định giá phải liên kết chặt chẽ với nhau. Tại Nhật Bản, Trung Quốc…, việc xúc tiến thị trường do các hiệp hội có chức năng thực hiện, nhằm thúc đẩy sản xuất, đảm bảo đầu ra thị trường, Nhà nước chỉ có nhiệm vụ đưa ra các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ. Tại Việt Nam, các sở ngành giữ vai trò xúc tiến mới dừng ở mức độ gửi thư mời thương nhân đến họp nên hiệu quả chưa cao.
Hiện tại, lan cắt cành chủ yếu tiêu thụ trong nước nhưng đưa lan vào siêu thị còn gặp khó khăn. Sự liên kết giữa nhà vườn với nhau, giữa nhà vườn với các ngành khác như du lịch, xúc tiến thương mại tại sân bay còn yếu, nhiều nhà vườn còn bị thiếu thông tin trong kết nối tiêu thụ.