Đến Việt Nam từ năm 1988, đến nay Bác sĩ Rafi Kot, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Family Medical Practice và Care1, vẫn làm việc mỗi ngày để “mang chuẩn mực chăm sóc sức khỏe gần hơn với người Việt”. Ông đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về thử thách cũng như mô hình chăm sóc sức khỏe mà ông đang tâm huyết xây dựng.
Tại sao ông quyết định mở phòng khám đa khoa mà không phải bệnh viện từ những ngày đầu để phục vụ nhiều bệnh nhân hơn?
Tôi mở phòng khám đầu tiên sau khi hoàn thành dự án bệnh viện lớn tại tỉnh Ninh Bình. Trước đây, Việt Nam chỉ có bệnh viện chứ hầu như không có một phòng khám nào đúng nghĩa. Người Việt Nam đi đến bệnh viện cho hầu hết các vấn đề sức khỏe của họ. Vì thế, tôi thấy có một khoảng trống giữa bệnh viện và các trạm y tế.
Các trạm y tế không giải quyết được tất cả vấn đề, trong khi đó bệnh viện là nơi giải quyết cho tất cả các vấn đề y tế. Điều này gây ra sự ùn tắc và làm ảnh hưởng lớn đến ngân sách. Tôi muốn lấp đi khoảng trống đó. Đó là trung tâm y tế kỹ thuật cao như phòng cấp cứu của bệnh viện, kết hợp với phòng ban ngoại trú với các chuyên khoa khác nhau. Điểm khác biệt đó là phẫu thuật và nằm viện lâu dài. Còn lại chúng tôi có thể thực hiện được với thời gian và chi phí thấp hơn. Đó là xu hướng mà thế giới đang thực hiện.
Tôi muốn phòng khám của mình là một phần của xu hướng này, đó là đi xa mô hình bệnh viện và hướng vào mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Healthcare). Dĩ nhiên sẽ đảm bảo chất lượng y khoa.
Ông nhận xét gì về số lượng lớn người Việt Nam ra nước ngoài khám, chữa bệnh mỗi năm?
Người ta thường tìm đến việc chữa trị y tế ở các nước khác do ở nước họ chưa có dịch vụ y tế đó, hoặc nước khác có chi phí rẻ hơn. Việt Nam thuộc lý do thứ nhất và tôi nghĩ người ta tìm đến nước khác cho một số trường hợp phức tạp với yêu cầu trình độ chuyên môn, nhân lực cao và trên hết là sự tin tưởng.
Tin tưởng vào bác sĩ cũng như vào hệ thống. Bệnh viện không thể là dự án của một đơn vị duy nhất được mà là tinh thần tập thể. Tôi cảm thấy người Việt ra nước ngoài chữa bệnh không phải vì trang thiết bị y khoa ở nước đó, mà vì họ có ấn tượng tốt và có niềm tin vào trình độ và tay nghề của bác sĩ và cách các bác sĩ vận hành thiết bị y khoa.
Niềm tin ấy có được do họ cảm nhận rằng ở đất nước ấy bác sĩ có trình độ chuyên môn cao hơn. Đạt được sự tin tưởng này không đơn giản, phải được bắt đầu từ trường y, nơi đào tạo tài năng.
Hiện có nhiều phòng khám quốc tế trên thị trường, đâu là điểm khác biệt của Family Medical Practice và Care1?
Với việc sử dụng chữ “quốc tế”, có lẽ các trung tâm y tế muốn mọi người hiểu cách họ thực hiện theo tiêu chuẩn y khoa quốc tế chăng? Theo tôi, các trung tâm y tế nên hướng đến việc cung cấp tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn quốc tế.
Vậy nên, không cần phải in đậm chữ “quốc tế” như thế đâu. Tôi khá ngại khi sử dụng từ này, vì tiêu chuẩn quốc tế là chắc chắn phải có được cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe rồi. Chúng ta có thể nói về tiêu chuẩn, về sự công nhận. Tôi nghĩ những cụm từ đó sẽ hợp lý hơn.
Tại Family Medical Practice và Care1, trong gần 20 năm qua, tôi đã thành lập đội ngũ y, bác sĩ xuất sắc, kể cả Việt Nam và nước ngoài, họ làm việc rất chặt chẽ với nhau để cùng nhau mang đến phương pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân.
Chúng tôi làm việc này 365 ngày, 24/7. Đồng nhất và đều đặn. Không hề có sự ngạc nhiên hay khác biệt, từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP.HCM. Tôi là người Do Thái. Một số bác sĩ của tôi cũng đến từ Do Thái. Một số khác là người Do Thái đến từ các nước khác.
Tôi cảm thấy văn hóa và truyền thống Do Thái – thái độ với cuộc sống và sự cố gắng nhắm đến sự xuất sắc và niềm đam mê kiến thức – cũng thể hiện trong ngành y khoa. Do đó, ở một chừng mực nào đó, phối hợp nhóm này cùng đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam sẽ tạo ra kết quả tuyệt vời. Điểm khác biệt ư? Đó là sự phối hợp của đội ngũ này cùng với việc đặt bệnh nhân là trọng tâm cho mối quan tâm của chúng tôi.
Hầu hết người Việt Nam thích lựa chọn đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện. Ông đã giải quyết thử thách này như thế nào?
Không may điều đó hiện là vấn đề chính với chúng tôi. Có một số lý do:
Thứ nhất, câu trả lời có thể tìm thấy ở chăm sóc sức khỏe ban đầu, không nhất thiết phải xây thêm càng nhiều bệnh viện. Tôi nghĩ cần có một cái nhìn mới hơn về cách chúng ta vận hành trong việc chăm sóc sức khỏe và đặt câu hỏi rằng chúng ta có ngân sách và năng lực để tiếp tục xây thêm bệnh viện lớn nữa không? Nên chăng chúng ta cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc quảng bá cho khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu để chuyển xu hướng của người dân qua mô hình này? Tôi nghĩ người bệnh sẽ sử dụng các cơ sở này nhiều hơn và rồi niềm tin tưởng được tạo ra.
Thứ hai, nói về mô hình mà tôi đã chia sẻ, đó là tạo trung tâm y tế với đầy đủ trang thiết bị giống như bệnh viện, trừ việc phẫu thuật hay nằm viện dài hạn (hơn 72 tiếng). Từ “Khám chữa bệnh trong ngày” (Day Care) vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam nhưng tôi chắc rằng trong 3-5 năm nữa cụm từ đó sẽ là một trong những thuật ngữ dịch vụ chính. Điều đó sẽ giảm tải cho bệnh viện, giảm áp lực về ngân sách.
Thứ ba, có một thực tế là người bệnh vẫn hay nghĩ rằng bác sĩ tốt chỉ có ở bệnh viện. Điều này đúng vì đến nay vẫn chưa có nhiều điều kiện được tạo ra cho mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu phát triển như tôi nói. Do đó, bác sĩ tốt sẽ chọn ở lại bệnh viện và điều này làm cho bệnh nhân nghĩ rằng bác sĩ tốt chỉ ở bệnh viện mà thôi.
Cuối cùng, xin đưa ra những ví dụ tại Úc, New Zealand và ngay cả Anh, nơi bệnh viện được phục vụ bởi bệnh nhân và thực tập viên, rất ít có bác sĩ. Tại sao? Vì phí giữ bác sĩ rất đắt. Bác sĩ làm việc tại các phòng khám bên ngoài và họ có quyền chuyển bệnh nhân vào bệnh viện khi cần.
Đâu là điều khác biệt? Đó là hầu hết bác sĩ giỏi không làm việc trong bệnh viện mà chỉ đến bệnh viện để xử lý “trường hợp y tế” khi cần thiết. Việc chẩn đoán và tái khám sẽ nhanh hơn. Bệnh viện không quá tải với người bệnh vì họ có thể đến các mô hình khác. Điều này tiết kiệm chi phí và thời gian.
Ông sẽ “mang chuẩn mực chăm sóc sức khỏe gần hơn với người Việt” bằng cách nào?
Tôi nghĩ đó là sự kết hợp giữa chi phí và chất lượng y khoa. Chi phí luôn là một vấn đề, không chỉ ở Việt Nam. Có hai giải pháp, hoặc là quảng bá bảo hiểm y tế – tư nhân hay nhà nước (mặc dù lựa chọn thứ hai không phù hợp cho công ty nước ngoài), hoặc đưa ra giá tốt hơn cho người bệnh. Họ càng đi khám sớm càng có thể tiết kiệm chi phí. Tâm lý đợi đến khi bệnh tự hết thật không đúng chút nào. Càng chữa trị trễ sẽ càng tốn kém.
Năm 1996, tại Hà Nội, phòng khám của chúng tôi đã đưa ra giải pháp giúp người Việt có thể sử dụng dịch vụ của mình, đó là chương trình VSHP (Vietnamese Supplementary Health Program) và chúng tôi là phòng khám đầu tiên tạo ra chương trình hỗ trợ chi phí đó. Chương trình này giúp bệnh nhân khám bệnh miễn phí suốt một năm, với giá hằng năm hợp lý.
Và như tôi nói, phòng khám chúng tôi có đội ngũ bác sĩ giỏi, đào tạo tốt và giàu kinh nghiệm. Bác sĩ được đào tạo liên tục và hằng tuần đều gặp nhau để trao đổi chuyên môn. Bác sĩ tốt sẽ không đủ nếu không có phòng xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh tốt. Chúng tôi có cả hai.
Phòng xét nghiệm hiện đại và tự động được kiểm tra chất lượng hằng ngày, có thể thực hiện xét nghiệm liên tục trong khi bệnh nhân khám bệnh. Chúng tôi cũng có kỹ thuật viên riêng, máy chụp nhũ ảnh và máy chụp CT tốc độ nhanh. Thuốc được kiểm tra chất lượng thường xuyên bởi nhân viên nhà thuốc chúng tôi. Vắc-xin do đội ngũ y tá có chứng chỉ hành nghề, được đào tạo cung cấp.
Trong tháng này, chúng tôi vừa ra mắt chương trình “Thẻ sống khỏe”, giúp người Việt khám bệnh với đội ngũ bác sĩ với giá hợp lý (khoảng 520.000 đồng) với bác sĩ Việt Nam hay nước ngoài, mọi lúc, mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Chúng tôi có dịch vụ khám nhi đầy đủ vào cuối tuần với bác sĩ nhi riêng. Thẻ được tặng miễn phí cho tất cả bệnh nhân đến phòng khám. Vô thời hạn.
Ý nghĩa của chương trình ư? Khám sớm. Tiết kiệm chi phí.
Có nhiều câu chuyện không hay xảy ra trong ngành y tế Việt Nam, làm thế nào ông duy trì niềm tin cho các bệnh nhân đến với phòng khám của mình?
Tôi có biết đến điều này. Tôi đã làm việc với đội ngũ của mình và khuyên họ tập trung vào chuyên môn, bám chặt vào tiêu chuẩn y khoa, làm hết mình và tôi hứa với họ rằng cùng nhau, chúng tôi sẽ duy trì niềm tin vào y đức.
Ông có thể cho chúng tôi biết thêm về hệ thống cấp cứu nhanh, hiệu quả được ví như phòng bệnh trên xe bốn bánh mà ông mong muốn mang đến cho Việt Nam?
Vấn đề hậu cần rất quan trọng. Hiện nay tại Việt Nam, xe cứu thương chỉ được xem như phương tiện vận chuyển. Gia đình và bệnh nhân ngồi phía sau, bác sĩ và tài xế phía trước và xe cứ đi. Chúng tôi đã đầu tư vào hệ thống xe cứu thương từ Canada khi xe được biến thành bộ phận điều trị tăng cường.
Phòng khám có hệ thống để định vị xe và biết khoảng cách và thời gian của xe đến phòng khám nhằm chuẩn bị nhanh và hiệu quả hơn cho các trường hợp cấp cứu.
Tôi nghĩ chúng tôi có đội ngũ giàu kinh nghiệm và được trang bị rất tốt. Trong tương lai chúng tôi dự định cho nhập về Việt Nam chiếc máy bay mà tôi hy vọng sẽ là chuyên cơ cứu thương bằng đường hàng không đầu tiên tại Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ y tế nội địa và quốc tế. Dịch vụ này sẽ có mặt vào giữa năm sau.
Có phải chương trình sống khỏe là bước đệm cho việc đi vào thị trường Việt Nam của phòng khám? Bước kế tiếp của ông là gì?
Đúng vậy. Chúng tôi sẽ tập trung hơn vào thị phần này. Ngoài sáu cơ sở hiện có, chúng tôi muốn mở thêm hai cơ sở ngoại trú nữa và đang xây bệnh viện để có thể chuyển bệnh nhân tới khi cần. Chúng tôi sẽ mở rộng vấn đề hậu cần thông qua việc đầu tư xe cứu thương, cũng như giới thiệu dịch vụ chuyển bệnh bằng đường hàng không. Tôi nghĩ những thay đổi này sẽ giúp việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn và người bệnh dễ trang trải hơn.
Cảm ơn ông.