Theo dự đoán, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam sẽ đạt mức 46% vào năm 2025. Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn chỉ riêng trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình. Đó là những số liệu được công bố tại hội thảo Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và triển vọng do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh sáng 11-8 vừa qua xoay quanh việc phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam.
Tại hội thảo, chủ đề được quan tâm nhất xoay quanh việc Thủ tướng đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Đây được cho là những định hướng quan trọng, có tác động cơ bản và mạnh mẽ đến xu hướng phát triển của thị trường bất động sản. Đón bắt xu hướng đô thị thông minh, các chủ đầu tư bất động sản đã nhanh chóng phát triển các dự án bất động sản gắn với tính năng “thông minh”. Tuy nhiên, bất động sản thông minh có trở thành một sản phẩm có sức hút cao và bền vững như kỳ vọng hay không thì câu trả lời còn ở phía trước.
Theo ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong việc đầu tư công nghệ phục vụ mục tiêu xây dựng nhà ở thông minh, văn phòng thông minh, đô thị thông minh thì sự song hành của nhà đầu tư giải pháp công nghệ là rất quan trọng. Nếu làm được thì mới tạo sự gắn kết hài hòa, giải quyết giao thông thông minh, phát triển bền vững.
Từ góc độ người làm kinh doanh, ông Phạm Lâm, CEO Công ty DKRA Việt Nam nêu sáu vấn đề mà các khách hàng mua nhà thường đặt ra với nhà ở thông minh: “Thứ nhất là bảo mật thông tin, phần lớn người dân hiện nay sử dụng smartphone và các hệ thống công cộng như wifi sẽ khiến mức độ bảo mật bị đe dọa. Thứ hai, là sự thích nghi của khách hàng và mức độ nhu cầu sử dụng. Chẳng hạn trước đây là sử dụng khóa và chìa để mở cửa rồi sau đó xuất hiện thẻ từ, và hiện nay là vân tay. Trong khi đó, để xây dựng một khu căn hộ thường mất thời gian 2-3 năm. Như vậy căn hộ thông minh cũng dễ lỗi thời. Mặt khác, đầu tư cho các thiết bị thông minh thì sẽ phải tăng giá bán, cũng là điều đáng lo, ảnh hưởng đến cả chủ đầu tư và khách hàng.
Điều người tiêu dùng lo ngại nữa là hiện chưa có một mô hình cụ thể về smarthome, chủ yếu vẫn do chủ đầu tư tự tìm hiểu đầu tư để cạnh tranh, nên người tiêu dùng rất khó đánh giá. Cuối cùng, sự tương tác giữa người tiêu dùng và căn hộ, cũng tức là người thụ hưởng về sự thông minh. Bên cạnh những người am hiểu về công nghệ thì không phải ai cũng quen, cũng biết để sử dụng thành thạo các chức năng trong căn hộ của mình”.
Nêu ý kiến về các tiêu chí để đánh giá một tòa nhà là thông minh, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở của CBRE Việt Nam cho rằng với kinh nghiệm tư vấn cho một số dự án nước ngoài của CBRE thì tòa nhà thông minh phải đạt được sáu tiêu chí:
Thứ nhất, phải có hệ thống quản lý năng lượng; thứ hai, phải sử dụng các nguồn năng lượng bền vững, tái tạo được; thứ ba, đảm bảo an ninh tập trung, đảm bảo an toàn tòa nhà và an ninh thông tin; thứ tư, phải chia sẻ nguồn tài nguyên, phải có hệ thống ghi nhận lại thông tin, chỉ số, như phải đánh giá được chỉ số ô nhiễm không khí; thứ năm, các khu vực nội khu, nội bộ phải có hệ thống thông minh như hệ thống xe điện; và thứ sáu là phải có giải pháp quản lý tòa nhà thông minh thực sự.