Trên thế giới hiện nay, toàn ngành dệt may thời trang đang chịu ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ từ cách mạng công nghiệp 4.0. Ở mọi công đoạn sản xuất, ứng dụng công nghệ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các doanh nghiệp. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, việc bắt kịp xu hướng chất liệu, công nghệ mới hiện nay sẽ là yếu tố cần thiết giúp doanh nghiệp may Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng thế giới, cũng như tăng giá trị cho sản phẩm.
Tại hội thảo Kỹ thuật dệt may KITECH – VITAS diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, ông Nam Seung Il, đại diện Tập đoàn E-Land (Hàn Quốc) cho biết trong ngành thời trang chất lượng và tốc độ luôn được các nhà sản xuất quan tâm, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất liệu. Hiện nay, xu hướng chất liệu vải đang được ứng dụng nhiều trong ngành thời trang là phải tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Tùy vào điều kiện thời tiết của từng địa phương mà người tiêu dùng có nhu cầu lựa chọn các sản phẩm riêng. Chẳng hạn ở các nước nhiệt đới, vải cần có thêm đặc tính tạo cảm giác mát mẻ khi mặc trong thời tiết nắng nóng và phải có công năng ngăn chặn tia UV từ ánh nắng mặt trời. Ngoài ra các nhà sản xuất còn ứng dụng công nghệ trong sản xuất vải để sản phẩm có thêm các tính năng khác như mau khô, chống nhăn,…
Để đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng, nhà sản xuất vải phải phát triển các công nghệ dệt vải dựa theo tính vật lý và khoa học kỹ thuật. Ví dụ như các nhà khoa học đã thành công trong công nghệ tích hợp ánh nắng mặt trời vào sợi vải để tạo ra sự tỏa nhiệt, giữ ấm cho người mặc. Gần đây, các nhà sản xuất còn đưa được chất liệu bạc hà the mát vào vải nhằm làm mát cho người mặc, hay sử dụng hóa chất để tạo ra tính năng xua đuổi côn trùng cho vải… Theo ông Nam Seung Il trước đây, thị trường vốn chuộng loại vải cotton để may các trang phục mùa hè nhưng gần đây đã có khuynh hướng chuyển sang dùng các loại vải có công nghệ kết hợp sợi nano, giúp mau khô mồ hôi và tạo cảm giác mát mẻ trên da nhờ các sợi chỉ được sản xuất bằng công nghệ đặc biệt.
Bên cạnh việc thêm tính năng cho sản phẩm, công nghệ còn phải hỗ trợ các doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất vì theo ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Vitas, vòng đời của trang phục ngày càng ngắn, hiện chỉ còn từ 4 đến 5 tuần chứ không phải từng mùa như trước kia.
Để rút ngắn thời gian sản xuất, một công nghệ mới đang được các doanh nghiệp thời trang nước ngoài quan tâm là công nghệ in 3D. Công nghệ này không chỉ giúp rút ngắn thời gian trong việc lên bảng vẽ mẫu (chỉ cần vài giờ thay vì phải mất từ 2 đến 3 tuần), mà còn rút ngắn thời gian từ vẽ phác thảo đến khách hàng duyệt chốt mẫu (từ 30 đến 50 tuần xuống chỉ còn từ 5 đến 9 tuần) nhờ các thao tác chỉnh sửa có thể làm ngay. Nhờ đó, các doanh nghiệp dệt may có điều kiện tiếp nhận nhiều đơn hàng hơn trước.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, dù ngành dệt may Việt Nam chưa mạnh về sản xuất vải, nhưng với trình độ công nghệ sản xuất ở các thị trường có ngành dệt may phát triển vốn đang là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, điều này vẫn sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành dệt may trong nước. Bên cạnh đó, việc phân công lao động trong chuỗi sản xuất các ngành giữa các quốc gia cũng giúp cho việc chia sẻ thành tựu công nghệ dễ dàng. Đây là cơ hội tốt để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.