Nếu như Hiến pháp đã được xác định là một bản “khế ước xã hội”, trong đó nội dung quan trọng nhất là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thì quyền của doanh nhân – một tầng lớp xã hội chủ yếu trong sự nghiệp phát triển đất nước cũng rất cần được quy định rõ ràng trong Hiến pháp. Trong bài này, xin nêu một số vấn đề cần được quan tâm trong việc sửa Hiến pháp 1992 như sau.
Doanh nhân – một tầng lớp xã hội
Ở nước ta, khái niệm “doanh nhân” với nghĩa là một tầng lớp xã hội chỉ được khẳng định từ công cuộc đổi mới, chấp nhận nền kinh tế thị trường với việc phát triển kinh tế tư nhân. Năm 1990, việc ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp tư nhân và tiếp theo là Luật Doanh nghiệp 1999 có thêm một số tiến bộ, song lúc đó, phạm vi hoạt động của kinh tế tư nhân vẫn còn bị hạn chế.
Một bước chuyển biến cơ bản trong tư duy kinh tế đối với kinh tế tư nhânđã được khẳng định từ Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 98) và tiếp theo là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa IX “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa” (Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Khóa IX, NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 58). Sự chuyển biến trong nhận thức về vị trí của kinh tế tư nhân đòi hỏi thực hiện quyền bình đẳng trong kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Sự cần thiết này dẫn đến việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2005 nhằm bảo đảm khung pháp lý bình đẳng cho hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định các doanh nghiệp nhà nước cũng phải chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần sau thời hạn bốn năm kể từ khi Luật này có hiệu lực (ngày 1-7-2006). Tuy nhiên, đến nay, quy định này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Thời kỳ phát triển mới của đất nước đang yêu cầu sự bình đẳng trong kinh doanh cần được tiếp tục thể hiện trong thực tế. Những quan niệm về “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” hoặc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là những “công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô”, là “quả đấm thép” v.v… đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy tiềm năng của kinh tế tư nhân, hạn chế sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp.
Sự chuyển biến trong tư duy kinh tế đã khẳng định vị trí của tầng lớp doanh nhân. Từ Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) còn dùng khái niệm “nhà doanh nghiệp” đến Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4-2006) đã dùng khái niệm “doanh nhân”, đến nay khái niệm này đã được sử dụng phổ biến và từ năm 2004, ngày 13 tháng 10 hằng năm đã được lấy làm “Ngày Doanh nhân”. Có thể coi đây là một bước tiến quan trọng về tư duy: từ chỗ muốn xây dựng một cơ cấu xã hội “thuần nhất” chỉ còn có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và đội ngũ trí thức đã đi đến quan niệm về việc xây dựng một cộng đồng xã hội đa dạng, trong đó có tầng lớp doanh nhân. Thực tế là trong những năm qua, cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, hăng hái đầu tư kinh doanh, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội.