Lê Thị Phương Thủy – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Toàn Mỹ – thành lập năm 1992, mười năm sau, Toàn Mỹ có 400 công nhân, 4 nhà máy ở Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng và hơn 300 đại lý phân phối trên cả nước.
Doanh số ban đầu 10 tỉ đồng, nay đã tăng lên gấp 12 lần, sản phẩm cũng đa dạng hơn, từ đơn thuần là bồn inox chứa nước, nay có thêm hàng loạt những bồn hoa, chậu rửa, kệ bếp, rổ rá…
Dấu ấn sáng của Toàn Mỹ không còn ở trên sân thượng hay dưới lòng đất của những ngôi nhà mà đã và đang vào bên trong sân vườn, nhà bếp, nơi ấm cúng nhất không chỉ của gia đình Việt Nam.
Đầu tháng 8-2003, Toàn Mỹ vừa hoàn tất thủ tục đặt văn phòng đại diện tại Singapore với hy vọng tạo bước chuyển mới hơn cho công ty.
Hỏi chị bí quyết nào giữ vững tốc độ tăng trưởng của Công ty liên tục suốt 10 năm, Phương Thủy cười vui: “Tôi may mắn có một sự giúp sức tuyệt vời, một điểm tựa và một tính cách trời cho là luôn kiếm tìm một chiếc chìa khóa mới để mở ra những cánh cửa mới trong kinh doanh và trong cuộc sống riêng”…
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu như thế tại một góc nhỏ của phòng buffet tại khách sạn Caravelle. Mười hai giờ trưa, Sài Gòn nắng thật gắt. Dường như đang chờ một cơn mưa tháng Bảy. Phòng ăn không đông người. Tiếng nhạc êm dịu vừa đủ để người ta còn có thể chuyện trò.
Phương Thủy kể: Tuổi thơ chị khá đủ đầy trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Học trường Tây từ mẫu giáo, sáu tuổi đã học thêm tiếng Anh, rồi sau đó là tiếng Hoa. Chị giỏi đặc biệt hai môn này. Lớn chút nữa, chị tham gia sinh hoạt ở Nhà Thiếu nhi Thành phố nhiều năm, cùng thời với Thành Lộc, Đoàn Khoa, Hồng Vân…
Với chị, kinh doanh ban đầu không phải là sự lựa chọn và nỗi đam mê. Học đại học chuyên ngành thư viện, một nghề xa lạ với sự phiêu lưu và toan tính lỗ lời.
Thế nhưng, bước rẽ ngoặt bất chợt không theo dự tính. Đang là cán bộ của Công ty Xuất nhập khẩu Q.6, chị nhận được lời mời đi phiên dịch cho đoàn doanh nhân Đài Loan lần đầu tiên đến tìm hiểu về hàng thủy hải sản và xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh, thay cho một người bạn bị bệnh.
Một tuần lễ trong một chuyến đi từ TP. Hồ Chí Minh – Sông Bé – Đồng Nai – Vũng Tàu với những người kinh doanh đến từ một đất nước xa lạ làm cho Phương Thủy vỡ ra được nhiều điều. Họ hỏi chị chi li từng tí về nếp nghĩ, cách sống của cộng đồng người Việt, những nơi mà họ tới.
Nhờ những ngày học nghề thư viện, ngấu nghiến những quyển sách học làm người và phong tục, tập quán Việt Nam mà chị làm vừa lòng khách.
Một doanh nhân trong số đó tỏ ra có cảm tình đặc biệt với chị. Anh nói sẽ còn làm phiền chị nữa. Rồi một tuần sau khi tạm biệt, ngày nào anh cũng gọi điện thoại từ Đài Loan sang. Tất cả những lời thăm hỏi chị đều cảm ơn như một phép lịch sự tối thiểu.
Còn những việc anh nhờ chị giúp, chị đều bảo anh hãy nhờ người khác. Chỉ cho đến khi anh nói: “Anh cần chị và anh chỉ nhờ chị mà thôi” thì Phương Thủy chợt hiểu ra. Có một chút xao lòng.
Rồi chị lại chờ đợi những cú điện thoại, chờ đợi những bức thư dài. Yêu một người nước ngoài, điều chị chưa bao giờ nghĩ tới. Còn với gia đình chị, sự thuyết phục quả là gian nan.
Ba mẹ chị vốn nghiêm khắc với con sẽ rất khó thông cảm với chị, người con mà ba mẹ chị đặt nhiều hy vọng. Nhưng thời gian qua mau, anh trở lại Sài Gòn thường xuyên hơn.
Sự chân thật trong tình yêu và tính cách từ tốn của một người biết vượt lên số phận mình, thành đạt trong kinh doanh đã thuyết phục được mọi người.
Lúc đó, điều kiện duy nhất chị đưa ra với anh là chị không thể theo anh định cư ở Đài Loan. Điều kiện nào của chị cũng được anh thỏa mãn. Anh đã biến sự không thể thành có thể.
Công việc kinh doanh của Phương Thủy bắt đầu từ đó, từ khi người thương nhân xa lạ kia trở thành một nửa của chính mình. Thủy nói vậy và nét mặt chị rạng ngời hạnh phúc. Tôi xin chị tên anh, chị bảo không cần, chính chị kể về anh là đã quá đủ.
—
Có khó khăn nào không khi chị vốn không phải là người có tư chất và đam mê kinh doanh?
Thực ra ban đầu tôi chỉ là người giúp việc cho chồng và người em trai là kiến trúc sư trong lĩnh vực kinh doanh xây dựng.
Thị trường này phát triển với tốc độ chóng mặt, nhiều công ty lớn ra đời, tự lượng sức mình không thể bước xa hơn, chúng tôi chọn đầu tư sản xuất những sản phẩm nhỏ thiết thực cho đời sống của mỗi gia đình.
Bồn chứa nước không rỉ sét, không sợ nắng mưa. Lúc nào cũng có nước sạch cho tiêu dùng thì thật tiện lợi. Một mình một chợ, Toàn Mỹ thành công ngay từ những ngày đầu tiên.
Ít lâu sau khi cả nước có tới 14 nhà sản xuất mặt hàng này, thì chúng tôi đã có bước tiến khá dài để tung ra những sản phẩm khác. Tôi trở thành người “chủ trò” của Toàn Mỹ như vậy đó.
Học như điên các phương pháp quản trị Tây, Ta, Tàu, Nhật… Cuối cùng là Mỹ, một cung cách tiếp thị tuyệt vời giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành công ty.
Chúng tôi không khó khăn trong ý tưởng kinh doanh, các chiến lược khi tung hàng ra thị trường, cũng không có những bất đồng riêng về tính cách nhưng vợ chồng đôi khi cãi nhau thường xuyên vì năng suất lao động của Công ty.
Chồng tôi vốn là kỹ sư, phụ trách sản xuất của nhà máy, được đào tạo ở một môi trường làm việc nghiêm túc, anh luôn băn khoăn về chất lượng công việc, tay nghề và nhất là ý thức lao động của công nhân Việt Nam.
Anh không hiểu được rằng công nhân của mình tập hợp từ nhiều nơi, phần lớn là nông dân hoặc ít ra cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ tính cách tiểu nông nhỏ lẻ, rất khó khép mình vào một qui trình sản xuất công nghiệp chính quy.
Nhưng thời gian qua mau, anh trở lại Sài Gòn thường xuyên hơn. Sự chân thật trong tình yêu và tính cách từ tốn của một người biết vượt lên số phận mình, thành đạt trong kinh doanh đã thuyết phục được mọi người. Lúc đó, điều kiện duy nhất chị đưa ra với anh là chị không thể theo anh định cư ở Đài Loan.
—
Sau những lần cãi nhau như vậy, ai là người thắng cuộc?
“Không có thắng thua, mà chỉ có thêm giải pháp cho một vấn đề nan giải không chỉ riêng có ở công ty mình” – Thủy nói.
Rồi kể luôn hàng loạt giải pháp nào là khuyến khích học tập, thưởng cho những người hoàn thành các chương trình đào tạo nghề nghiệp, tăng phúc lợi cho những người thợ đạt năng suất cao…
Anh chị đã chăm sóc cho từng người, tạo mọi sự để công nhân gắn bó với Công ty. Thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân hiện khoảng 1,8 triệu đồng.
Tất cả các nhà máy trong hệ thống Toàn Mỹ từ Nam chí Bắc đều có khuôn viên nhà ăn thật đẹp, điều kiện vệ sinh được ưu tiên hàng đầu.
Tất cả mọi người cùng tiêu chuẩn ăn như nhau khi làm việc tại nhà máy hay văn phòng Công ty, kể cả vợ chồng chị.
Nơi nào cũng có khuôn viên cây xanh khá rộng. Những cây trái sum suê làm vui mắt những người công nhân xa nhà, Phương Thủy nghĩ vậy và tự mình chọn lựa giống cây và chăm sóc cây khi có thể. Thương gần rồi mới thương xa, lúc nào, ở đâu, chị cũng đau đáu về những người công nhân thân thương của mình.
—
Vậy có khoảng cách nào không trong quan niệm về cộng đồng và cuộc sống của anh, chị – vốn là hai người thuộc hai quốc gia và hai nền văn hóa khác nhau?
Cách lý giải và ứng xử của tôi với công nhân đem lại hiệu quả cao trong công việc kinh doanh của Công ty đã dần dà thuyết phục được chồng tôi, nhất là trong quản lý sản xuất.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi có chung điểm tương đồng trong suy nghĩ về tiền bạc. Anh hay nói với tôi rằng tiền bạc như nước chảy qua cầu, nếu như mình không quan niệm đúng về nó. Chúa cho tay này, lấy đi tay khác nếu quan niệm đồng tiền là mục đích tối thượng.
Chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ có những đứa con, và tiền không phải là cái mà chúng tôi để lại cho chúng mà là một giá trị tinh thần, một nghề nghiệp. Ông bà ta chẳng nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đó sao.
Điều mà chúng tôi quan tâm là mình sống ở đâu, tiền bạc làm ra ở đâu thì phải giúp ích cộng đồng ở đó. Cả tôi và chồng tôi đều mơ ước một ngôi trường dạy nghề với đúng nghĩa của nó: Thật hiện đại và thật tiện nghi cho việc học tập.
“Tất nhiên, đó là chuyện của tương lai”- Thủy cười.
—
Bận rộn là thế mà anh chị vẫn mơ mộng?
Không, một mơ ước. Tôi nghĩ là không xa nữa sẽ thành hiện thực.
Một mình một chợ, Toàn Mỹ thành công ngay từ những ngày đầu tiên. Ít lâu sau khi cả nước có tới 14 nhà sản xuất mặt hàng này, thì chúng tôi đã có bước tiến khá dài để tung ra những sản phẩm khác. Tôi trở thành người “chủ trò” của Toàn Mỹ như vậy đó.
—
Chị bảo, cả anh chị đều ăn cơm chung với nhân viên của mình?
Đúng vậy. Chồng tôi rất nền nếp trong sinh hoạt. Sáng sớm sau khi tập thể dục xong là anh lướt ngay trên mạng. Tìm hiểu giá cả thị trường, nhất là nguyên liệu sản xuất của Công ty, trả lời thư bạn bè, khách hàng, đúng giờ là có mặt ở xưởng.
Chúng tôi ít có dịp trò chuyện nhau trong khi làm việc tại Công ty. Tôi còn có những quan tâm khác, 20 đến 30% thời gian của tôi phải dồn cho hoạt động của Hội Doanh nghiệp Trẻ, nơi mà tôi làm phó chủ tịch.
Tôi vốn nấu ăn giỏi nhưng hầu như không có thời gian để lo cho bữa ăn gia đình. Chồng tôi vốn là người dễ tính, yêu vợ nên dễ tha thứ, không bao giờ trách tôi điều gì.
Những ngày nghỉ cuối tuần tôi thường đưa một bè cháu gọi là dì, cô đi mua sắm những vật dụng thiết yếu và sách học cần thiết cho các cháu.
Có khi đi đến trưa về thì chồng tôi đã đi chợ xong. Bây giờ anh ấy đã bị tôi “đồng hóa” thành người Việt Nam rồi.
—
Người ta bảo doanh nhân hay đi ăn những chỗ sang trọng lắm mà?
Ồ không, tôi thích nhất món phở nước trong Sài Gòn và những món ăn đặc biệt trên những hè phố ở Sài Gòn, Hà Nội hay Đài Loan cũng vậy và nhiều món ăn truyền thống và dân dã Nam bộ như mắm kho chẳng hạn. Tất nhiên cũng trừ những cuộc đãi khách, tiếp tân quan trọng.
Với bạn bè, tôi thích uống cà phê ở A.Q , lầu 3 khách sạn Caravelle hay quán bên lề đầu đường Đồng Khởi, trước Nhà thờ Đức Bà. Có lẽ do vậy mà tôi không thể xa nhà lâu được, đi đâu cũng đúng tuần là về, kể cả những chuyến du lịch cùng chồng tôi ở nước ngoài.
—
Câu chuyện của chúng tôi chưa dứt, Phương Thủy lại phải đứng dậy. Một giờ đồng hồ nữa chị phải bay ra nước ngoài. Chị nói: “Mai mốt Thủy về, mình lại tán gẫu nữa nha!”.